Những biến số cản trở đà đi lên của chứng khoán

(ĐTTCO) - Những biến động mới đây trên thị trường ngoại hối, cũng như sức ép từ đợt tăng giá dầu thế giới đã phần nào làm giảm đi cơ hội tăng điểm của VN Index. 
Những biến số cản trở đà đi lên của chứng khoán

Trong khi đó, liên tiếp những dự báo gần đây của các CTCK lẫn tổ chức quốc tế, đã đánh giá rất cao khả năng NHNN sẽ có thêm đợt giảm lãi suất điều hành trong quý III này hoặc cuối năm.

Giảm thêm lãi suất có phải lựa chọn?

Đợt giảm lãi suất điều hành cũng như trần lãi suất tiết kiệm từ cuối quý I đến giữa tháng 6 năm nay đã khởi động một xu hướng giảm giá của đồng nội tệ so với USD. Thậm chí, trong tháng 8 có thời điểm NHNN đẩy giá bán USD lên 25.025 VNĐ/USD, trong khi các tỷ giá tại các NHTM cũng đã vượt trên 24.000 VNĐ/USD.

Đỉnh cao nhất được ghi nhận vào cuối tháng 8 vừa qua là hơn 24.100 đồng cho 1 USD, trước khi hạ nhiệt những ngày đầu tháng 9. Đến cuối tuần qua tỷ giá mua vào USD của Vietcombank khoảng 23.870 đồng và bán ra 24.240 đồng.

Giá xăng dầu trong nước liên tục tăng, kéo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng theo, đang là biến số cản trở đà đi lên của chứng khoán.

Nếu so với tỷ giá cuối năm 2022, mức tăng tỷ giá chỉ vào khoảng 1,8%. Tuy nhiên, nếu so với mức giá thấp nhất có được hồi giữa tháng 1-2023, đến nay tỷ giá đã tăng khoảng 2,68%.

Nói cách khác, xu hướng đi lên của tỷ giá là rõ ràng, dù chưa tăng mạnh so với năm ngoái. Đây là hiệu ứng của việc lãi suất trong nước giảm nhưng thế giới, đặc biệt là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), vẫn duy trì xu hướng tăng lãi suất và neo lãi suất USD ở mức cao để kiềm chế lạm phát.

Trong tất cả dự báo về biên độ giảm giá của đồng nội tệ của công ty chứng khoán hay tổ chức quốc tế, đều không lo ngại về mức biến động đủ lớn để gây xáo trộn. Có nhiều yếu tố giúp Việt Nam cân bằng áp lực tỷ giá như thặng dư thương mại cao, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân tích cực, khách du lịch quốc tế tăng trưởng.

Tuy nhiên, với xu hướng tăng tỷ giá đang có, cộng với khả năng USD sẽ tiếp tục được neo cao cho dù Fed không tăng lãi suất thêm, dư địa để NHNN lựa chọn chính sách tiếp tục cắt giảm thêm lãi suất hay không lại là câu chuyện khác.

Theo số liệu từ NHNN, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 7 chỉ vào khoảng 4,56% so với đầu năm, trong khi số liệu đến cuối tháng 6 đã là 4,73%. Nói cách khác, tín dụng đã tăng trưởng âm trong tháng 7 và tính chung 7 tháng thấp hơn rất nhiều so với cùng thời điểm năm ngoái (tăng trưởng 9,54%).

Rõ ràng đợt cắt giảm lãi suất quyết liệt vừa qua đã không thúc đẩy tăng trưởng tín dụng một cách rõ rệt. Vì vậy, việc giảm lãi suất đầu vào không quan trọng bằng giảm lãi suất đầu ra (cho vay), trong khi lại có thể phải đánh đổi với những rủi ro khác.

Việc nền kinh tế khó hấp thụ vốn, doanh nghiệp khó vay do không đủ điều kiện vay là nguyên nhân chính, và điều này không thể giải quyết chỉ bằng công cụ lãi suất.

Diễn biến giá xăng dầu trong các kỳ điều chỉnh từ đầu năm 2023 đến nay. Nguồn: Bộ Công Thương.

Diễn biến giá xăng dầu trong các kỳ điều chỉnh từ đầu năm 2023 đến nay. Nguồn: Bộ Công Thương.

Vì thế, việc liên tục giảm lãi suất để duy trì mặt bằng thấp, trong khi hệ thống đang thừa tiền, sẽ dẫn đến hệ lụy bong bóng tài sản là điều dễ thấy.

Mặt khác, chênh lệch lãi suất USD/VNĐ với các kỳ hạn chính trên thị trường liên NH đang được nới rộng, càng gần thời điểm cuối năm nhu cầu USD càng cao, là những sức ép phải đánh đổi nếu tiếp tục động thái giảm lãi suất đầu vào. Về lý thuyết, áp lực tỷ giá càng lớn dư địa để giảm lãi suất càng hẹp lại.

Mặc dù các dự báo có thể tiếp tục thêm một lần cắt giảm lãi suất nữa là có cơ sở, nhưng lựa chọn chính sách của NHNN mới là yếu tố quyết định.

Biến số giá dầu

Ngay những ngày đầu tháng 9 sau kỳ nghỉ lễ, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tăng. Đây là kỳ điều chỉnh tăng thứ 5 liên tiếp. So với thời điểm cuối năm 2022, giá xăng E5 đã tăng 17,5%, xăng RON95 tăng 20,1%.

Số liệu kinh tế tháng 8 vừa công bố, cũng cho thấy giá xăng dầu, giá gạo trong nước tăng theo giá thế giới, là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,88% so với tháng trước.

So với tháng 12-2022, CPI tháng 8 tăng 2,02% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,96%. Bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,57%.

Trong các yếu tố có khả năng thúc đẩy lạm phát, giá xăng dầu là khó kiểm soát nhất do chịu ảnh hưởng của giá thế giới. Giá dầu Brent những ngày đầu tháng 9 đã vượt quá 90USD/thùng, và tính từ đáy cuối tháng 6 ở mức khoảng 72USD/thùng đã là tăng 25%.

Giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng chậm hơn diễn biến giá dầu thế giới khoảng 1 tháng. Nguồn cung từ Nga và các nước trong khối OPEC đang đẩy giá dầu lên, cùng các cam kết cắt giảm sản lượng tiếp tục được duy trì tới cuối năm 2023, hứa hẹn xu hướng tăng hoặc duy trì mức cao của giá dầu thế giới.

Mặc dù khả năng kiềm chế lạm phát 2023 trong mục tiêu dưới 4,5% là hoàn toàn khả thi, nhưng biến động mạnh của giá dầu thế giới cũng góp phần thu hẹp dư địa lựa chọn chính sách lãi suất.

Thị trường chứng khoán đang kỳ vọng rất cao vào khả năng giảm thêm lãi suất vì môi trường lãi suất càng thấp càng có lợi cho chứng khoán. Nhưng việc giảm lãi suất không phải nhằm mục đích hỗ trợ kênh đầu tư này, mà để kích thích tăng trưởng.

Do đó, nếu giảm lãi suất đầu vào mà không thúc đẩy được tăng trưởng tín dụng, tăng khả năng hấp thụ vốn, trong khi lại phải đánh đổi với nguy cơ mất cân đối vĩ mô, chưa hẳn đã là sự lựa chọn hợp lý.

Các tin khác