Những chỉ báo khả quan cho 2021

(ĐTTCO)- Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm, nhưng số vốn đăng ký tăng; xuất nhập khẩu và nông nghiệp đóng góp nhiều cho tăng trưởng… là những kết quả đáng chú ý của toàn nền kinh tế tháng 2 và 2 tháng đầu năm.
Những chỉ báo khả quan cho 2021

Thời gian tới, hoạt động sản xuất-kinh doanh có thể gặp những thách thức-khó khăn nào? Chính sách vĩ mô nên quan tâm điều chỉnh ra sao, để kích thích tăng trưởng hiệu quả? Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica VietNam thông tin-khuyến nghị cụ thể qua cuộc trao đổi với phóng viên VOV.

PV: Thưa ông, tình hình kinh tế qua số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy những chuyển biến tích cực, mặc dù một số địa phương của chúng ta đang phải đối phó dịch bệnh phức tạp. Ông nhìn nhận như thế nào về những số liệu thống kê này?

TS. Lê Duy Bình: Số liệu của Tổng cục Thống kê mới công bố cho thấy bức tranh rõ nét về kinh tế Việt Nam 2 tháng đầu năm. Chúng ta thấy nền kinh tế đã có những khởi sắc và được khôi phục khá tích cực, đặc biệt thể hiện qua một số chỉ số về phát triển trong 1 số lĩnh vực như sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp hoặc là chỉ số phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư tư nhân cũng như là xuất nhập khẩu.

Tháng 2 nền kinh tế vẫn tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, tốc độ cũng có một số dấu hiệu chúng ta cần lưu lý như chỉ số phát triển công nghiệp hoặc một số chỉ số khác như là trong ngành dịch vụ cũng đã có vẻ chững lại.

Điều này có hai lý do. Một là do yếu tố chu kỳ, thứ nhất là do đây là dịp Tết Nguyên đán. Thứ hai, một phần ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, tổng thể chung 2 tháng đầu năm chúng ta vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Đây là một nền tảng tốt để chúng ta tiếp tục đạt được mục tiêu đặt ra cho năm 2021.

PV: Từ những nhận định đó, ông cho rằng trong giai đoạn tới những ngành nghề, lĩnh vực nào sẽ có cơ hội tăng tốc ?

TS. Lê Duy Bình: Chúng ta có thể kỳ vọng vào một số ngành. Thứ nhất là ngành chế biến, chế tạo, những ngành sản xuất công nghiệp để phục vụ cho hàng xuất khẩu. Những ngành hàng này đã được hỗ trợ bởi vì nhu cầu của thế giới đang phục hồi, cũng được hỗ trợ vì quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu của một số những chuỗi sản xuất sang Việt Nam. Chúng ta có thể nhìn thấy đó là các mặt hàng điện tử, điện thoại và một số mặt hàng đang có nhu cầu rất lớn trên thị trường quốc tế.

Thứ hai, chúng ta có thể nhìn vào thị trường hàng hóa tiêu dùng. Thị trường hàng hóa tiêu dùng cũng được hỗ trợ bởi nhu cầu tiêu dùng của người dân. Chúng ta có thể thấy qua số liệu của 2 tháng đầu năm: thị trường bán lẻ Việt Nam, sức tiêu thụ của người dân Việt Nam dường như vẫn được duy trì. Những mặt hàng sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước sẽ có khả năng phát triển.

Thứ ba nữa là ngành nông nghiệp, ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục đảm bảo được khả năng chống chịu khá vững chắc của mình. Mặc dù 1 số địa phương vừa rồi bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi dịch. Tuy nhiên, nhìn tổng thể trên toàn quốc thì tốc độ sản xuất trong ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục được duy trì. Ngành nông nghiệp đang hướng đến những thị trường nước ngoài để có thể đáp ứng được giá trị gia tăng cao hơn.

Tôi kỳ vọng rằng ngành nông nghiệp sẽ có đóng góp lớn trong duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế của chúng ta trong năm nay. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kỳ vọng là nếu như dịch được khống chế, một số ngành dịch vụ có liên quan, ví dụ như du lịch sẽ quay trở lại giống như năm ngoái sau khi dịch được khống chế - sẽ tiếp tục phục hồi. Liên quan đến đó là những ngành hậu cần, điển hình như là giao thông vận tải và những cái ngành để phục vụ cho ngành du lịch - Kỳ vọng là năm nay chúng ta sẽ dần dần phục hồi so với năm 2020.

Có thể chúng ta sẽ phải mất một thời gian để đạt được tốc độ như năm 2019. Tuy nhiên, có thể chúng ta kỳ vọng là nếu như chỉ để phục hồi trên phạm vi rộng hơn, trên phạm vi khu vực và trên toàn cầu thì du lịch có thể bước đầu phục hồi những gì đã mất trong thời gian qua.

PV: Ngoài ra ông có khuyến nghị gì về mặt chủ trương, chính sách để cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ được hỗ trợ tích cực hơn. Ví dụ cộng đồng doanh nghiệp du lịch mà ông vừa nêu - để doanh nghiệp có thể đóng góp vào tăng trưởng tốt hơn?

TS. Lê Duy Bình: Chúng ta cần phải có những biện pháp để có thể kích thích sự tăng trưởng của một số doanh nghiệp có tiềm năng, một số ngành nghề kinh tế có tiềm năng để các doanh nghiệp này phục hồi và tạo ra năng lực cạnh tranh riêng của Việt Nam. Như vậy thì chúng ta mới có thể có được mức tăng trưởng cao trong năm 2021.

Chúng ta sẽ không thể tiếp tục những biện pháp như trước đây là hỗ trợ, cứu trợ cho doanh nghiệp bởi bối cảnh năm nay đã khác, chúng ta sẽ có những biện pháp để kích thích doanh nghiệp. Một là những doanh nghiệp có những khả năng phát triển mạnh hơn để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, nâng cao khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao năng suất lao động cũng như giá trị thặng dư, giá trị gia tăng trong quá trình sản xuất của mình. Những biện pháp phát triển kinh tế này sẽ ở mức độ khác hơn  - phải tập trung vào nhóm doanh nghiệp có mục tiêu, những ngành nghề của mục tiêu, những ngành nghề có khả năng tăng trưởng cao hơn, có khả năng đóng góp cho tăng năng suất lao động cũng như năng suất chung của ngành kinh tế. Điều đó sẽ giúp cho chúng ta có sự phát triển bền vững hơn trong những năm tới.

PV: Xin cảm ơn ông!

Các tin khác