Rau, gạo tăng mạnh
Rau quả đang trở thành ngôi sao sáng nhất trong mảng nông nghiệp, khi kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm, đạt 1 tỷ USD, con số kỷ lục chưa từng có trong lịch sử hơn 30 năm của ngành hàng này. Kết quả đó giúp toàn ngành cán mức gần 2,8 tỷ USD, tăng trưởng hơn 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện Trung Quốc chiếm thị phần 63,5% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam và có mức tăng trưởng hơn 80%.
Chia sẻ cùng ĐTTC, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết đầu năm toàn ngành dự báo con số xuất khẩu năm nay khoảng 4 tỷ USD, nhưng với đà tăng trưởng mạnh như hiện tại, mức 5 tỷ USD nằm trong tầm tay, thậm chí có thể vượt. Loại quả đóng góp nhiều nhất vào thành công này là sầu riêng xuất khẩu đi Trung Quốc. Xuất khẩu sầu riêng từ đầu năm đến nay liên tục tăng cao. Chỉ trong tháng 5 trị giá xuất khẩu sầu riêng đạt 332 triệu USD gấp 10 lần tháng trước, và qua tháng 6 sầu riêng mang về 350 triệu USD.
“Sầu riêng là sản phẩm Trung Quốc rất ưa chuộng, ta lại có lợi thế hơn Thái Lan là khoảng cách gần nên chi phí vận chuyển ít hơn, sản phẩm tươi ngon hơn. Đặc biệt từ tháng 8 tới tháng 11, khi Tây nguyên vào vụ, Thái Lan lại là cuối vụ nên giá cũng sẽ tốt hơn” - ông Nguyên nói.
Tuy nhiên sầu riêng Việt đang phải đối mặt với khó khăn là mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói còn ít, nên khó xuất hết được sản lượng sầu riêng thu hoạch. Thời gian tới nếu được cấp thêm kim ngạch sẽ nhiều hơn. Hiện mỗi năm Trung Quốc chi khoảng 4 tỷ USD để nhập khẩu sầu riêng. Trước đây Thái Lan chiếm 90% thị phần nhưng nay Việt Nam đang tăng tốc rất nhanh. Dự báo năm nay kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc khoảng 1-1,2 tỷ USD, năm 2024 chúng ta có thể chia đôi thị trường Trung Quốc với đối thủ Thái Lan. Để làm được Việt Nam cần cải thiện giống và đảm bảo tốt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mặt hàng rau, gạo tăng mạnh; thủy sản, dệt may kỳ vọng bớt khó, là những tín hiệu tích cực trong xuất khẩu 6 tháng cuối năm.
Một sản phẩm khác trong ngành nông nghiệp cũng mang về kết quả tích cực là gạo. 6 tháng đầu năm Việt Nam xuất khẩu 4,27 triệu tấn, đạt giá trị 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ 2022.
Giá gạo xuất khẩu bình quân ước đạt 539USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ 2022. Những tháng tới dự báo xuất khẩu gạo vẫn tăng trưởng tích cực do sản lượng tại nhiều quốc gia sản xuất ở châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm trước tác động của El Nino, sẽ thúc đẩy nhu cầu cũng như tăng giá gạo trên thị trường quốc tế. Khả năng cao xuất khẩu gạo năm nay mang về kim ngạch trên 4 tỷ USD với sản lượng khoảng 8 triệu tấn (tăng 1 triệu tấn so với 2022).
Dự báo, Việt Nam có thể sẽ đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo trong năm nay, sau Ấn Độ (22,5 triệu tấn) và Thái Lan (8,5 triệu tấn), chiếm 12,7% thương mại gạo toàn cầu.
Thủy sản, dệt may kỳ vọng bớt khó
Là nhóm ngành thực phẩm nhưng thủy sản lại khá ảm đạm. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,13 tỷ USD, giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt 41,5% kế hoạch đề ra.
Nguyên nhân chủ yếu do lượng tồn kho tăng khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu tại các thị trường giảm. Ngoài ra, lạm phát diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia là thị trường xuất khẩu chính mặt hàng thủy sản của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản… cũng ảnh hưởng mạnh đến ngành này.
Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực cũng bắt đầu xuất hiện ở một số sản phẩm chủ lực. Như xuất khẩu cá tra, mức giảm so với tháng trước sang một số thị trường đang thu hẹp dần. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc và Hồng Kông trong tháng 4 giảm 66%, tháng 5 giảm 30% và tháng 6 giảm còn 15% so với cùng kỳ 2022. Sự thu hẹp khoảng cách này có thể coi là một trong những dấu hiệu tốt cho ngành xuất khẩu cá tra.
Tương tự, xuất khẩu tôm đang có những hy vọng từ thị trường Mỹ và Trung Quốc. Tháng 6 năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm 23%, mức giảm thấp nhất kể từ đầu năm. Giá trị xuất khẩu tôm Việt sang Mỹ trong tháng 6 đạt hơn 71 triệu USD, giá trị cao nhất kể từ đầu năm nay. Kỳ vọng giá tôm thấp tại Mỹ đã tạo đáy và mức tiêu thụ tôm cho dịp cuối năm tăng. Tháng 6 cũng là tháng đầu tiên kể từ đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc ghi nhận tăng so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 19% đạt 59 triệu USD.
Chia sẻ về tình hình xuất khẩu của ngành thủy sản, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), hy vọng cuối năm sẽ có nhiều tín hiệu tích cực: “Thời gian qua thị trường quá ảm đạm, giá cũng giảm kịch trần, lượng tồn kho đang giảm dần, vì thế nhu cầu mới sẽ từng bước được xác lập trong những tháng cuối năm”. Nói về kim ngạch cả năm, ngành thủy sản đang cho thấy nhiều nỗ lực để hoàn thành mục tiêu 10 tỷ USD cho năm nay.
Không nhắc về con số kim ngạch cho năm nay vì cho rằng khả năng rất cao ngành không thể hoàn thành, nhưng ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may, thêu đan TPHCM, cho biết bước sang quý III tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp bắt đầu có dấu hiệu cải thiện. Những tháng trước doanh nghiệp bị giảm khoảng 30% nay con số giảm còn khoảng 25%. Phần lớn doanh nghiệp có đơn hàng tuy nhỏ lẻ, đơn giá giảm nhưng vẫn nỗ lực để duy trì hoạt động và có việc làm cho người lao động, giữ chân khách hàng. “Khó khăn có thể kéo đến hết năm nay nhưng tình hình xuất khẩu sẽ cải thiện dần” - ông Hồng đánh giá.
Nỗ lực tìm kiếm cơ hội trong khó khăn, nhưng doanh nghiệp cũng mong mỏi được sự trợ lực, đặc biệt là vốn. Trong buổi làm việc với báo chí về tình hình của ngành mới đây, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết dù NHNN đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành, nhưng do lãi suất huy động cao từ cuối năm 2022 nên lãi suất vay vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vẫn không tiếp cận được gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng với lãi suất giảm 2%…