Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hũ, Lò Gốm, 3 con kênh được mệnh danh dòng kênh ô nhiễm nhất TPHCM bởi nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Giờ đây đã “thay áo mới” với một màu xanh ngát, mang lại cảm giác nhẹ nhàng và bình yên giữa lòng TP tấp nập, sôi nổi. Đây cũng là công trình người dân TPHCM không thể không nhắc đến khi hỏi về sự thay đổi của TP trong 40 năm qua.
Chiếc áo mới
Sáng nào cũng vậy, khoảng 5 giờ rưỡi, chị Trương Thị Thanh Hồng lại cùng con gái dạo bộ dọc bờ kênh Nhiêu Lộc dưới chân cầu Bông. Chị Hồng cho biết nhà ở gần nên tranh thủ sáng dậy sớm ra vận động, hít thở không khí trong lành vừa để dẻo dai giúp tinh thần sảng khoái cho một ngày làm việc. Giống mẹ con chị Hồng, rất nhiều người đã có mặt từ sớm chạy bộ, múa gậy, nhiều người lớn tuổi tập những bài dưỡng sinh nhẹ nhàng, dẻo dai.
Dọc bờ kênh có thể bắt gặp nhiều người ngồi đọc báo, thư giãn buổi sớm. Nếu cách đây 3 năm, nhiều người cho biết không dám ra bờ kênh Nhiêu Lộc bởi mùi hôi thối từ dòng nước bốc lên hoặc rác thải nổi lềnh bềnh. Đến nay hoàn toàn khác, với vỉa hè trồng thảm cỏ, hàng cây xanh rợp mát, những vạt hoa kiểng đủ màu sắc, dọc đường ven 3 tuyến kênh giờ là một diện mạo mới, một sự đổi thay tích cực.
Nổi bật giữa dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là những chiếc cầu được xây mới giúp thuận tiện hơn trong việc đi lại và còn làm tăng mỹ quan đô thị. Giờ đây đi ngang qua cầu Kiệu, cầu Hoàng Hoa Thám hay cầu Thị Nghè, ai cũng có thể thấy một thay đổi lớn, màu đen sì một thời đã được thay bằng màu xanh xám, hàng ngày có thể thấy rõ nước lớn nước ròng.
Đặc biệt từng đàn cá sắc vàng, xanh, đen, tím... bơi lội, chốc chốc lại ngoi lên mặt nước đón chút nắng của buổi bình minh. Bé Nguyễn Thanh Hòa, 7 tuổi, nô đùa, nhảy nhót cùng các bạn, mồ hôi nhễ nhại nhưng trên miệng lúc nào cũng nở nụ cười giòn tan. Thanh Hòa hồn nhiên khoe: “Chiều nào đi học về con cũng ra đây chơi với các bạn trong xóm từ 5 giờ chiều đến 8 giờ tối. Tụi con thường chơi từ đoạn này đến đoạn đường vòng đầu kia”.
Đường Lò Gốm ven kênh Tân Hóa -Lò Gốm |
Không chỉ những bạn nhỏ tuổi như Hòa mới hay tập trung chơi dọc bờ kênh lúc chiều tối, nhiều bạn trẻ, đôi tình nhân hay thậm chí các cụ cũng chọn địa điểm này để họp mặt. Hầu như buổi tối, đi dọc hai bên bờ kênh, chỗ nào cũng kín người. Người thể dục, người đứng ngắm cảnh TP về đêm hay trò chuyện, tâm sự cùng bạn bè, có nhiều người trung niên ngồi đánh đàn, làm thơ.
Ông Phạm Nguyễn Dũng, ngụ phường 15, quận Tân Bình tranh thủ lúc nghỉ mệt trên ghế đá, chia sẻ: “Tôi lớn lên ở đây, lúc trước sống như nhà sàn, nhà giáp nhau, không có con kênh rạch lớn như thế này. Sau đó, Nhà nước có phương án giải tỏa cho người dân ở kênh Nhiêu Lộc, quy hoạch chỗ cho người đi bộ, tập thể dục, thể thao, giải trí. Giờ thì thấy sạch sẽ và đẹp quá rồi. Ngày xưa một chiếc xuồng chạy ngang không được. Bên kia và bên này giơ cây 5m là đụng. Bây giờ đã ngửi thấy mùi tanh của cá, kênh có sạch cá mới sống được, không còn mùi ô nhiễm như trước nữa”.
Thay đổi đời sống 3 triệu dân
Các dòng kênh Nhiêu Lộc, Tàu Hũ, Lò Gốm để lại trong trí nhớ của nhiều người là mùi hôi thối, rác ngập tràn. Cho đến năm 2013, chúng đã hồi sinh thành những dòng kênh xanh, chống ngập nước cho một lưu vực rộng hàng chục km2 cải thiện cuộc sống của hơn 3 triệu dân cư thuộc 7 quận của TPHCM. Theo các cụ sống lâu năm ở đây, muốn thấy rõ những câu chuyện đổi thay xung quanh dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hay Tàu Hũ… nên đến vào chiều tối hoặc ban đêm. Cuộc sống của người dân 2 bên bờ kênh càng sôi nổi, sầm uất hơn khi về đêm.
2 bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hũ - Bến Nghé và Tân Hóa - Lò Gốm hàng vạn căn nhà lụp xụp, cuộc sống chen chúc cùng rác rưởi, chuột bọ… giờ đây thay thế bởi những căn nhà khang trang, tiện nghi, những hàng quán đã mọc lên dày đặc. Sự thay đổi nhiều nhất ở 2 con đường Hoàng Sa, Trường Sa chạy dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Các dãy hàng ăn, quán cà phê mọc san sát buổi tối luôn kín khách ngồi. Khi TP lên đèn, dòng kênh như một dải lụa mềm mại, uốn lượn vắt qua các quận trong ánh sáng lung linh sắc màu. Một số công ty du lịch cũng tận dụng nét đặc sắc này mở tour trên dòng kênh.
Được biết, công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 1993 Sở Giao thông-Vận tải TPHCM triển khai dự án giai đoạn 1 với số tiền 8.600 tỷ đồng, trong đó vốn ODA của WB 5.252 tỷ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách TP 3.348 tỷ đồng. Dự án đã nạo vét hơn 1,1 triệu tấn bùn, đóng hơn 16.000m cừ bê tông kè 2 bên bờ kênh và xây dựng 2 tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa chạy dọc với tổng chiều dài 15km giúp giao thông thông thoáng.
Ngoài ra, dự án còn góp phần làm thay đổi bộ mặt TP, tác động rất lớn về mặt kinh tế, dân sinh và xã hội, mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân thông qua việc cải tạo điều kiện vệ sinh, giảm nguy cơ ngập lụt. 2 tuyến đường mới thông thoáng giúp giảm ùn tắc giao thông trên các tuyến đường Lê Văn Sỹ, Cách Mạng Tháng Tám, Nam Kỳ Khởi Nghĩa…
Người dân tận hưởng môi trường xanh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: VĂN KHÁNH |
Giai đoạn 2 của dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè được khởi công trong năm 2015 với tổng số vốn thực hiện 542 triệu USD, trong đó vốn vay ODA 450 triệu USD, số còn lại từ nguồn vốn đối ứng của TP. Dự án gồm các hạng mục chính như: xây tuyến cống bao từ giếng Bờ Đông đến Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè tại quận 2, xây nhà máy xử lý nước thải công suất 480.000m3/ngày, xây mạng lưới cống thoát nước cấp 2, cấp 3 và hệ thống đấu nối hộ gia đình tại quận 2… Đến năm 2019, dự án sẽ hoàn thiện toàn bộ.
Như vậy, việc cải tạo dòng kênh Nhiêu Lộc đã, đang và sẽ mở đầu cho cuộc cải tạo các hệ thống kênh Tàu Hũ, Bến Nghé còn lại. Hy vọng với tiến độ thực thi này, trong tương lai hệ thống các dòng kênh sẽ là địa điểm nổi tiếng và để lại ấn tượng đẹp cho người dân trong nước nói riêng và du khách nước ngoài khi nhắc đến một TPHCM thay đổi, hoàn thiện từng ngày.