Những người con xa xứ trở về

(ĐTTCO) - Những chia sẻ của GS. Caroline Kiều Linh Valverde tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài 2016 tại TPHCM đã khiến nhiều người cảm thấy xúc động.

(ĐTTCO) - Những chia sẻ của GS. Caroline Kiều Linh Valverde tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài 2016 tại TPHCM đã khiến nhiều người cảm thấy xúc động.

Tôi 100% nước mắm

Là giáo sư tại Đại học California Davis, tôi đã dạy và dẫn dắt rất nhiều sinh viên có quá khứ giống tôi, và gần đây là những sinh viên từ Việt Nam sang Hoa Kỳ học tập. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam như Microsoft, IBM, hay gián tiếp qua các quỹ như Dragon Capital, Vina Capital đều có sự tham gia của nhiều sinh viên là học trò của tôi. Họ đang âm thầm đóng góp vào sự phát triển chung của quê hương Việt Nam.

Tôi xuất thân từ một gia đình khiêm tốn, tuổi thơ của tôi được nuôi dưỡng từ tình thương của ông bà nội. Tôi được nhìn mặt bố lần đầu năm lên 3 tuổi và gặp mẹ lúc 5 tuổi. Ngày gặp mẹ cũng là ngày mẹ bế tôi trong tay đưa ra sân bay để sang Hoa Kỳ. Đi từ lúc quá nhỏ và mãi mấy chục năm sau mới bắt đầu học tiếng Việt nên rất khó khăn. Tôi đã phải nỗ lực rất nhiều để đến hôm nay khi được đứng ở một hội trường lớn, trước nhiều lãnh đạo cấp cao của Việt Nam như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh… nói hoàn toàn bằng tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ của mình. Đó thực sự là một phép màu.

Nhớ lại 25 năm trước, khi còn là một thiếu nữ mới lớn, tôi hoàn toàn không biết tiếng Việt và mù tịt về nơi mình được sinh ra. Đến khi vào đại học tôi mới nhận ra rằng mình được quyền xác định mình thực sự là ai, từ đâu tới, quê hương của mình ở đâu.

Nếu lúc đó hỏi tôi là người nước nào, đương nhiên là công dân Hoa Kỳ, đó là điều hiển nhiên. Nhưng không hiểu sao tôi thấy mình rất khác những bạn học xung quanh. Và chính những tấm ảnh hoen màu đã cho tôi nhận ra mình là người Việt Nam.

Nhiều người hỏi tôi bạn nửa Việt Nam nửa Hoa Kỳ? Hay có người hỏi 70% Pháp 30% Việt Nam? Câu trả lời của tôi là không. Tôi 100% Hoa Kỳ, nhưng đồng thời cũng 100% nước mắm. Tôi là tiến sĩ ngành nhân chủng học, đề tài nghiên cứu chuyên môn của tôi là quan hệ giữa cộng đồng người Việt hải ngoại và trong nước. Vì thế tôi khá thấu hiểu cách thức để 2 cộng đồng này liên kết với nhau và làm sao để họ có thể hợp tác tạo ra những lợi ích chung.

GS.Caroline Kiều Linh tại Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài 2016. Ảnh: HỒNG PHÚC

GS.Caroline Kiều Linh tại Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài 2016.
Ảnh: HỒNG PHÚC

Trải nghiệm đầu tiên của tôi với môi trường văn hóa và ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ là vào năm 1993, khi tôi đến Hà Nội để theo học tiếng Việt và làm công việc nghiên cứu tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Cảm nhận đầu tiên của tôi khi đặt chân đến thành phố bên sông Hồng này rất ngỡ ngàng và xa lạ. Nhưng không hiểu vì sao trong tâm khảm tôi luôn cảm giác như có sự gắn bó ruột thịt với những người chưa từng quen biết. Từng góc phố, từng cột đèn, những vỉa hè quanh phố cổ Hà Nội như đang thầm gọi đứa con xa xứ trở về.

Tôi tu nghiệp 1 năm rồi trở về Hoa Kỳ. Trong nhiều năm sau đó tôi liên tục trở về Việt Nam để nghiên cứu, tìm hiểu sự giao tiếp giữa người dân trong nước với cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Sự tích lũy gần 20 năm kinh nghiệm đã giúp tôi có đủ tài liệu để soạn cuốn sách nghiên cứu đầu tay mang tựa: Transnationalizing Vietnam (tạm dịch: Xuyên quốc gia Việt Nam).

Tôi có thể tự hào để nói rằng tôi là người nghiên cứu sâu sắc nhất về đề tài này. Trong sách tôi có nói về những mối liên hệ sơ khai rồi tăng mạnh dần cho đến ngày nay. Nó bắt đầu qua những thùng quà được gửi về cho gia đình và thân nhân.

Sau đó là những chuyến đi lặng lẽ về thăm nhà trong sự lo âu bị mang tiếng là quay lưng lại với cộng đồng. Và đến nay việc cộng đồng người Việt ở nước ngoài về Việt Nam thăm người thân hay làm ăn đã trở thành bình thường. Sự phát triển của mối quan hệ gắn bó không thể nào dứt được giữa 2 bên là điều lý thú đối với tôi.

Và những thế hệ tiếp theo

Hôm nay có 2 sinh viên của tôi có mặt nơi đây. Thứ nhất là trợ lý nghiên cứu của tôi, Leslie Đỗ sinh ra tại Hoa Kỳ. Cô chọn học tiếng Ả Rập và tiếng Nhật Bản, nói và viết thành thạo 2 thứ tiếng này, nhưng lại gần như không biết đến một chữ tiếng Việt. Trước khi tốt nghiệp, Leslie Đỗ quyết định về Việt Nam để học tiếng mẹ đẻ và làm thực tập sinh cho một công ty công nghệ thông tin ở TPHCM - công ty được sáng lập bởi anh bạn Việt kiều từng là hàng xóm của tôi ở Oakland, California.

Thời gian học tập ở TPHCM tuy ngắn nhưng cũng đủ tác động đến những thay đổi lớn của cô sinh viên. Leslie Đỗ quyết định kéo dài thời gian học tập để nâng cao khả năng tiếng Việt. Chính nơi quê nhà đã mở lối đi mới cho cô và Leslie Đỗ dự tính sẽ về Hoa Kỳ học MBA, hay trở thành luật sư rồi về lại quê hương đóng góp. Cô từng tâm sự đây là cơ hội để cô biết và hiểu rõ hơn những ký ức của gia đình về quê cha đất tổ mà cô đã được cha mẹ kể lại khi còn rất nhỏ.

Người thứ hai là Phụng, cũng là trợ lý nghiên cứu của tôi. Cô còn đang học ở Đan Mạch nơi cô tiếp thu được rất nhiều kiến thức. Một ngày nọ Phụng chia sẻ với tôi rằng cô yêu cuộc sống ở nước ngoài và có ý định không trở về Việt Nam. Nhưng tôi khuyên với Phụng rằng nên về, cô ấy nghe lời và về thử. Mọi việc không dễ dàng. Phụng rất chật vật với những khó khăn khi mới về Việt Nam.

Nhưng chỉ vài tháng cô dần làm quen ngay và tiếp thu được cách làm việc ở quê nhà. Hiện nay cô ấy quan tâm tới việc làm sao cân bằng được sự phát triển đô thị và lối sinh hoạt truyền thống. Đây là một hoài bão lớn. Nếu thực hiện được, Phụng hy vọng sẽ góp một phần nhỏ bé của mình để mang lại cuộc sống thú vị cho nhiều người.

Tôi thầm nghĩ có khi quyết định chọn làm người Việt của tôi vài chục năm trước cũng có đóng góp phần nào trong việc dẫn đường cho 2 cô sinh viên của mình hướng về quê nhà. Nhưng chỉ cá nhân tôi thì chưa đủ.

Tôi muốn có thêm những người dấn thân như tôi trong những lĩnh vực khác như khoa học, thông tin, nghệ thuật, và phải có thêm nhiều Leslie Đỗ và nhiều Phụng nữa - những con người năng động, hãnh diện mình là người Việt Nam, đem tài sức và kiến thức của mình đóng góp cho sự nghiệp chung của đất nước hình chữ S. Đó cũng là nguyện ước tôi quyết tâm theo đuổi cả cuộc đời. 

Các tin khác