Giá lương thực vẫn tiếp tục tăng
Theo Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), chỉ số lương thực thế giới tháng 4 đã tăng 30% so với cùng kỳ năm trước và 60% so 2019, trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Đây là mức tăng kỷ lục so 2 thời điểm biến động giá lương thực tăng cao nhất đã từng xảy ra vào năm 2008 và 2011.
Cùng với giá lương thực, giá gạo thế giới tháng 5 cũng tăng, là tháng thứ 5 liên tiếp tăng cao. Nhiều tổ chức dự báo thị trường lương thực, thực phẩm thế giới còn tiếp tục tăng giá khi khan hiếm nguồn cung, nguy cơ mất an ninh lương thực tại nhiều quốc gia.
Trong bối cảnh đó, Ấn Độ - quốc gia nhiều năm liền luôn trong top 3 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và là nước sản xuất lúa mì lớn thứ 2, chỉ sau Trung Quốc- đã công bố lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này. Indonesia cũng tạm dừng xuất khẩu một số loại dầu cọ trong nỗ lực giảm giá dầu ăn trong nước đang tăng cao.
Tại các quốc gia châu Phi, nhiều nhà máy xay xát hết nguyên liệu lúa mì phải ngừng hoạt động; giá lương thực thực phẩm tăng buộc người dân phải tìm các sản phẩm tiêu dùng thay thế giá rẻ hơn. Thế giới đối mặt trước nguy cơ khủng hoảng lương thực, điều này tác động như thế nào đến Việt Nam?
Là nước nông nghiệp, trong nhóm 15 quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, có nhiều mặt hàng như cà phê, lúa gạo, chè, hạt điều, thủy sản... chiếm thị phần lớn, sản lượng cao hàng đầu thế giới.
Năm 2021, dù bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch, xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn đạt kim ngạch 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước trong 5 tháng đầu năm 2022 tiếp tục tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước; có 9 sản phẩm/nhóm sản phẩm đã đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có cà phê, gạo, hạt điều, nhóm rau quả, cá tra, tôm.
Tuy nhiên, trong niềm vui có nỗi lo, đó là “tác động ngược” của tình hình này khi chúng ta cũng đang phải nhập nhiều mặt hàng nông sản cho tiêu dùng trong nước và làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản và nhiều ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm khác.
Ngành sản xuất bánh kẹo, thực phẩm sử dụng nhiều bột mì, ngũ cốc… nhập khẩu đang gặp áp lực lớn do nguồn cung đứt gãy và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Chỉ riêng thức ăn chăn nuôi, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu hơn 22 triệu tấn nguyên liệu.
Việc tăng giá các nguyên liệu này trên thị trường thế giới, gây áp lực tăng giá thành sản xuất và ảnh hưởng lớn đến đầu vào, đặc biệt tác động tiêu cực đến nông dân trong điều kiện tín dụng hạn chế. Đầu vào sản xuất của nông dân còn chịu sức ép nặng nề khi phân bón, vật tư nông nghiệp, xăng dầu tăng rất cao.
Quan trọng là nông dân có được lợi?
Quan trọng là nông dân có được lợi?
Trước những biến động của giá thị trường thế giới và lo ngại về bất ổn an ninh lương thực, đòi hỏi chúng ta phải đảm bảo một ngành kinh tế lúa gạo “thích ứng”. Ngành lúa gạo nước ta đã có bước chuyển từ “dấu chân lấm bùn” của kinh tế tự nhiên, nông nghiệp truyền thống sang kinh tế tri thức, nhưng cần tăng tốc hơn nữa để tham gia sâu rộng hơn chuỗi giá trị công nghiệp sáng tạo toàn cầu.
Nhìn tổng thể, ngành hàng lúa gạo cần tiếp tục vượt qua lối mòn tư duy sản xuất nặng đầu vào, nhẹ đầu ra, tăng diện tích, mùa vụ, sản lượng các mặt hàng nông sản, đặc biệt là không đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng ngày càng khắt khe theo các phân khúc thị trường.
Muốn làm được điều đó, gạo Việt rất cần trợ lực và sức bật mới từ các ngành công nghiệp sau gạo có giá trị gia tăng như thực phẩm tiêu dùng (dầu ăn, sữa gạo, thức uống dinh dưỡng...), vật liệu (đánh bóng kim loại), sơn (nano chống cháy), ngành dược, mỹ phẩm, ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản… bằng công nghệ đầu tư, chế biến sâu và cuộc chuyển đổi số toàn diện cho ngành hàng lúa gạo.
Sự tiếp cận vùng, theo chuỗi ứng dụng công nghệ, phát huy đổi mới sáng tạo và những ưu thế của kinh tế số, kinh tế chia sẻ không xa lạ với nông dân và người tiêu dùng, nhưng “lúa gạo digital” cần chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ các tác nhân tham gia quy trình trong mối quan hệ gắn bó công nghệ, thị trường, lợi ích.
Mục tiêu giải quyết đầu ra cho hạt lúa và hỗ trợ nông dân, điều quan trọng nhất là cơ chế thực thi, giải bài toán chi phí và lợi ích, đặc biệt là đảm bảo lợi ích thực sự cho đối tượng thụ hưởng. Tận dụng giá lương thực, thực phẩm thế giới tăng cũng cần hợp lý hóa sản xuất, giảm thiểu tối đa chi phí đầu vào mới mong tăng lợi nhuận từ ngành trồng lúa, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân.
Tận dụng giá lương thực, thực phẩm thế giới tăng cũng cần hợp lý hóa sản xuất, giảm thiểu tối đa chi phí đầu vào mới mong tăng lợi nhuận từ ngành trồng lúa, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân. |