Không chỉ vậy, ngành chế biến hạt điều Việt Nam đang có nguy cơ bị cạnh tranh bởi những quốc gia vốn lâu nay chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu điều thô như Bờ Biển Ngà, Nigeria, Ghana.
Vị thế ngành điều Việt Nam
Theo thống kê của INC, sản lượng điều thô của Việt Nam mùa vụ 2022-2023 đứng thứ 4 thế giới với 350.000 tấn, chiếm khoảng 7% về tỷ trọng, và chỉ bằng 1 phần 3 mức sản lượng của quốc gia đứng đầu là Bờ Biển Ngà với 1,25 triệu tấn điều thô. Tuy nhiên, về xuất khẩu, Việt Nam có thể tự hào với vị thế vượt trội. Tính trung bình 5 năm gần nhất, Việt Nam xuất khẩu khoảng 393.000 tấn điều nhân, chiếm tỷ trọng gần 63% thị trường xuất khẩu toàn cầu. Theo số liệu Tổng cục Hải quan, lũy kế 11 tháng năm 2023, ước tính sản lượng hạt điều xuất khẩu của Việt Nam khoảng 582.000 tấn, tăng 23,1% so với cùng kỳ 2022.
Về thị trường nguyên liệu đầu vào, Campuchia là nguồn cung cấp điều thô nhiều nhất cho Việt Nam với tỷ trọng khoảng 30%, tiếp theo là các quốc gia châu Phi như Bờ Biển Ngà, Ghana và Nigeria… Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu điều nhân lớn nhất của Việt Nam với lượng lũy kế 3 quý năm nay đạt 110.229 tấn, chiếm tỷ trọng gần 25%. Tiếp theo là Trung Quốc, Hà Lan, Đức…
Có thể hình dung vai trò trung gian quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng ngành điều: nhập khẩu nguyên liệu thô từ Đông Nam Á và châu Phi, sau đó chế biến và xuất khẩu sang các nước phát triển.
Tuy nhiên gần đây, Nigeria tuyên bố nước này sẽ sớm trở thành một Việt Nam khác, với kế hoạch nhập khẩu hạt điều thô và sẽ không chỉ chế biến đối với sản lượng của nước này đang trồng, mà cả nhập khẩu từ các nước châu Phi khác để chế biến tại Nigeria. Hiện tại có 5 dự án nhà máy chế biến hạt điều đang được triển khai, và nhà máy nhỏ nhất trong số đó có sản lượng 15.000 tấn/năm.
Đại diện của Starlink Global Nigeria Limited chia sẻ, Việt Nam bắt đầu chế biến hạt điều từ năm 1992 và hiện tại đang là nước chế biến hạt điều lớn nhất thế giới. Trong khi đó, 75% nguồn cung điều của thế giới được trồng và khai thác tại châu Phi.
Vì vậy, tham vọng của Nigeria là nhập khẩu phần lớn hạt điều thô ở khu vực lân cận để chế biến và xuất khẩu, nhằm tạo ra rất nhiều giá trị gia tăng có lợi cho người dân trong nước. Hiện tại Nigeria chỉ đang đứng thứ 2 ở châu Phi về chế biến hạt điều, sau Bờ Biển Ngà.
Bởi Bờ Biển Ngà là quốc gia có sản lượng điều thô lớn nhất thế giới, khi chứng kiến tham vọng của Nigeria, chắc hẳn quốc gia này cũng khó đứng ngoài trào lưu phát triển ngành công nghiệp chế biến loại hạt nguyên liệu thô họ đã có sẵn rất dồi dào.
Biên lợi nhuận giảm
Tính từ đầu năm 2019 đến hết tháng 11-2023, giá xuất khẩu điều nhân và giá nguyên liệu điều thô đều cùng xu hướng giảm. Tuy nhiên nếu tính toán cụ thể, giá điều thô nhập khẩu từ năm 2019 đến nay giảm từ 1.500 USD/tấn xuống còn 1.000 USD/tấn, tương đương giảm 500 USD/tấn. Quy đổi tương đương, để làm được 1 tấn điều nhân cần nguyên liệu khoảng 4,5 tấn điều thô.
Như vậy từ 2019 đến nay, giá vốn nguyên liệu để làm ra 1 tấn điều nhân giảm khoảng 2.250 USD/tấn. Nhưng trong cùng khoảng thời gian đó, giá xuất khẩu hạt điều nhân lại giảm hơn 3.000 USD/tấn. Đó là chưa kể đến các chi phí khác đã tăng lên đáng kể trong 5 năm qua, như chi phí lãi vay, tiền lương lao động, chi phí logistics, chi phí thuê mặt bằng, …
Việc ngành điều giảm giá trị xuất phát từ đặc điểm ngành điều phải mua nguyên liệu trước 6 tháng. Trong khi đó đầu năm 2023 các doanh nghiệp đã mua nguyên liệu giá cao, nhưng các tháng sau đó giá xuất khẩu của thế giới lại giảm dần. Cùng lúc doanh nghiệp còn phải đối mặt với chi phí lãi vay cao, tỷ giá biến động… dẫn tới hiệu quả kinh doanh gần như không có.
Năm 2024 được đánh giá vẫn còn rất nhiều khó khăn, dù cuối năm nay, đơn đặt hàng nhập khẩu của các quốc gia ở châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… vẫn cho thấy tích cực, bởi đang là thời điểm mùa vụ tiêu thụ do các lễ hội. Các nhà máy chế biến điều vẫn nhận được đơn hàng tấp nập.
Tuy nhiên cái khó là giá nguyên liệu và chi phí lãi vay cao. Làn sóng dịch chuyển sang sản xuất xanh cũng gây khó khăn trong công tác phát triển đơn hàng, do phải đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường, trách nhiệm xã hội… Trong khi đó, nguồn nguyên liệu để thu mua trong nước giảm xuống do diện tích trồng đang bị thu hẹp.
Cùng lúc, giá nguyên liệu điều thô có khả năng quay trở lại xu hướng tăng do vấn đề thời tiết El Nino hiện tại, nhưng giá bán sản phẩm điều nhân lại khó tăng tương ứng do xu hướng tăng trưởng tiêu dùng đang co lại bởi tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt đang thấm dần lên các nền kinh tế phát triển, nơi tiêu thụ sản phẩm đầu ra của ngành chế biến hạt điều xuất khẩu.