Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên chiến lược Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trong nước được hưởng lợi khá nhiều, nhưng doanh nghiệp cần có kế hoạch nâng cao sức cạnh tranh để hàng hóa Việt có thể vươn ra thị trường thế giới.
Cải tiến kỹ thuật, giảm giá thành
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết ngành thép hiện vẫn ở trong tình trạng nhập siêu lớn, đặc biệt từ Trung Quốc chiếm tới 60% lượng thép vào Việt Nam. Tính chung trong 7 tháng, lượng thép nhập khẩu đạt hơn 8,43 triệu tấn, với kim ngạch khoảng 4,47 tỷ USD, tăng 38,6% về lượng và 9,3% về giá trị.
Trong khi đó, tổng lượng thép xuất khẩu chỉ đạt 1,42 triệu tấn, trị giá hơn 1 tỷ USD, đã giảm 5,2% về lượng và 11,4% về trị giá so với cùng kỳ 2014. Thêm vào đó, lượng cung sản phẩm thép trong nước đang lớn gấp 2 lần nhu cầu thực tế, khiến các doanh nghiệp trong nước phải giảm công suất còn 50-60%.
TPP là bước tiến mang ý nghĩa quan trọng đối với hội nhập kinh tế toàn cầu trong một thế giới không chỉ ngày càng kết nối mà còn phụ thuộc lẫn nhau. TPP đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các dòng chảy thương mại và đầu tư tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, góp phần gia tăng thu nhập và mức sống của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á. Từ đó nhân rộng thị trường tiềm năng cho hàng hóa, các nhà sản xuất, dịch vụ và công nghệ của khu vực. Ông Phạm Hồng Hải, |
TPP được ký kết sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thép trong nước được hưởng lợi nhiều, đặc biệt trong hoạt động xuất khẩu. Với mức thuế suất ưu đãi được thực hiện, doanh nghiệp Việt sẽ có thể đẩy mạnh xuất khẩu, giảm lượng tồn kho tiêu thụ.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Sưa, doanh nghiệp không thể ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ và ưu thế về thuế suất mà bản thân phải có sự đầu tư, cải tiến về kỹ thuật để tăng năng suất, giảm được giá thành sản phẩm và quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm phải đảm bảo. Việc quảng cáo, xúc tiến thương mại cũng phải được quan tâm để hình ảnh sản phẩm thép Việt Nam được các thị trường mới biết đến.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch hội Đúc luyện kim Việt Nam, cho rằng TPP được ký kết, mức thuế suất được giảm bằng hoặc gần bằng 0% sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ngành thép xuất khẩu sản phẩm tới các nước tham gia hiệp định. Việc tiếp cận thị trường lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm tạo đầu ra cho việc đẩy mạnh sản phẩm trong nước, nhất là khi hầu hết các sản phẩm thép Việt Nam có công suất dư thừa so với nhu cầu thực tế 2-3 lần.
Ngoài ra, hiện việc tiếp cận với các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia còn khiêm tốn vì có nhiều rào cản. Do vậy, TPP ký kết, với thị trường rộng lớn của các nước tham gia TPP chiếm gần 800 triệu dân và các rào cản được xoá bỏ, sẽ tạo thuận lợi cho việc đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại. Doanh nghiệp thép sẽ được mua nguyên liệu với chi phí thấp do được giảm thuế như quặng sắt, than từ Australia...
Theo đó, giá thành thép sẽ giảm và sức cạnh tranh nâng cao khi sản phẩm xuất khẩu. Nhưng khi TPP được ký, việc giảm thuế sẽ khiến thép nước ngoài vào Việt Nam, cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn. Các doanh nghiệp yếu, công nghệ lạc hậu, chi phí lớn sẽ bị thôn tính vì không đủ sức cạnh tranh. Ngoài ra, hiện nay, hàng xuất khẩu chủ yếu nguyên liệu thô, chưa qua sơ chế hoặc gia công, đã khiến việc cạnh tranh về giá cả, chất lượng, giá trị tăng thêm của hàng hóa Việt yếu. Giải quyết tốt khâu này, doanh nghiệp xuất khẩu mới bền vững.
Thay đổi cách sản xuất
Với sản phẩm xuất khẩu chính là nước ép trái cây cô đặc, ngoài xuất khẩu sang thị trường chính là EU (chiếm 70%), CTCP Nafoods Group còn xuất khẩu sang các thị trường khó tính Hoa Kỳ, Nhật Bản.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Nafoods Group, cho rằng TPP sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội tiến sâu hơn vào các thị trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng như các nước khác. Với mức thuế ưu đãi TPP mang lại, doanh nghiệp sẽ có thêm khả năng cạnh tranh tốt hơn. Bởi thuế luôn là vấn đề quan tâm nhất đối với doanh nghiệp khi mở cửa thị trường.
Ông Hoàng Mạnh Ánh, Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Văn phòng phẩm Hồng Hà, cho biết sản phẩm như vở gáy xoắn của đơn vị đã có mặt tại thị trường Hoa Kỳ, nay sẽ càng có nhiều cơ hội tốt thâm nhập thị trường này cũng như các nước có liên quan. Tuy nhiên, trước những thách thức đặt ra, doanh nghiệp phải chuẩn bị tinh thần để đối phó giúp sản phẩm tiếp tục đứng vững tại thị trường này, đồng thời mở rộng sang các thị trường khác.
Đối với ngành chăn nuôi, bên cạnh những thuận lợi khi hội nhập TPP, ngành chăn nuôi nói chung, ngành chăn nuôi gia cầm nói riêng được các chuyên gia trong ngành nhận định sẽ gặp khó khăn bởi sự cạnh tranh của gia cầm nhập ngoại, đây là ngành yếu thế nhất.
Ông Quách Thước, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm và trang trại nông nghiệp Thái Bình, cho biết năm 2014 Việt Nam nhập khẩu 400 triệu USD thịt các loại, riêng gia cầm và các phụ phẩm gia cầm chiếm 120 triệu USD. Khi TPP có hiệu lực, nếu ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng không thay đổi cách sản xuất chỉ có phá sản.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam, để giảm giá thành sản phẩm gia cầm cần phải thay đổi quan điểm chăn nuôi nói chung và gia cầm nói riêng. Theo đó, chuyển đổi chăn nuôi quá nóng sang chăn nuôi bền vững hơn.
Thí dụ, gà thả vườn, gà chất lượng cao tiếp tục phát triển bởi đây chính là dòng sản phẩm đang chiếm khoảng 70% giá trị sản xuất chăn nuôi gia cầm. Bên cạnh đó, thay vì tập trung sản xuất cho nội tiêu phải hướng tới xuất khẩu một số sản phẩm Việt Nam lợi thế, như trứng muối, trứng chất lượng, thịt gà chất lượng cao... mới có khả năng cạnh tranh được với các dòng sản phẩm là gà công nghiệp nhập khẩu.