Bộ NN-PTNT cho biết, ngay sau khi có thông tin gần 100 container nhân điều xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam có dấu hiệu bị lừa, bộ đã có cuộc họp với lãnh đạo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) để hỗ trợ doanh nghiệp xử lý vụ việc. Thông tin từ kết quả cuộc họp cho biết, thông qua Công ty môi giới Kim Hạnh Việt, 5 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nhân điều của Việt Nam đã ký hợp đồng với một số khách hàng Italy để xuất khẩu nhân điều sang nước này. Tổng lượng hàng xuất khẩu là 74 container. Các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện hợp đồng với phương thức thanh toán nhờ thu, hay còn gọi là “trả tiền nhận chứng từ D/P”.
Cụ thể, sau khi làm thủ tục xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ lấy được bộ chứng từ từ hãng vận chuyển. Các chứng từ này sau đó được chuyển cho ngân hàng của bên bán tại Việt Nam. Ngân hàng phía Việt Nam chuyển phát nhanh bộ chứng từ này cho ngân hàng của nhà nhập khẩu ở châu Âu. Nhà nhập khẩu sẽ tiến hành thanh toán cho ngân hàng nhập khẩu và nhận bộ chứng từ. Với bộ chứng từ này, người mua có thể nhận hàng tại cảng và ngân hàng nhập khẩu tiến hành chuyển giao tiền cho ngân hàng phía Việt Nam.
Tuy nhiên, sự cố xảy ra khi bộ chứng từ gốc từ Việt Nam chuyển qua châu Âu đã thất lạc. Với các bộ chứng từ gửi tới ngân hàng tại Thổ Nhĩ Kỳ, theo hướng dẫn của người mua hàng, nhà xuất khẩu nộp hồ sơ gốc bao gồm cả vận đơn đường biển bản gốc cho ngân hàng phía Việt Nam để nhờ thu tiền bán hàng. Sau đó, ngân hàng phía Việt Nam đã gửi bộ chứng từ gốc cho ngân hàng thanh toán tại Thổ Nhĩ Kỳ của bên mua qua dịch vụ chuyển phát nhanh DHL. Sau khi nhận được bộ chứng từ từ DHL, ngân hàng phía Thổ Nhĩ Kỳ thông báo cho ngân hàng phía Việt Nam rằng người mua không phải khách hàng của họ và thông báo đã gửi trả lại bộ chứng từ cho ngân hàng phía Việt Nam.
Nhưng, khi ngân hàng Việt Nam tra soát với Công ty DHL về tình trạng giao phát theo số vận đơn AWB do ngân hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp thì được phản hồi rằng số AWB này không thuộc về các ngân hàng phía Việt Nam. Ngân hàng phía Việt Nam đã gửi nhiều điện để hỏi về tình trạng bộ chứng từ trả về nhưng không nhận được phản hồi. Với các bộ chứng từ gửi đến các ngân hàng tại Italy, các ngân hàng tại Italy đều thông báo cho ngân hàng Việt Nam rằng họ đã nhận được bộ chứng từ từ DHL nhưng là các bản photocopy, không phải bản gốc hoặc có trường hợp là giấy trắng, không đủ điều kiện để thanh toán.
Sau khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng thu hồi các bộ chứng từ gốc. Theo báo cáo của doanh nghiệp, tính đến ngày 15-3, còn 36 trong tổng số 74 container hàng với giá trị 162 tỷ đồng đang thất lạc chứng từ. Trong số đó, có 8 container hàng đã cập cảng Genova của Italy; các container hàng còn lại sẽ đến cảng của Italy vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4. Đối với 36 lô hàng này, phía doanh nghiệp Việt Nam không còn quyền kiểm soát container hàng. Theo pháp lý quốc tế, các hãng tàu bắt buộc phải giao hàng cho người nhận khi họ cung cấp đầy đủ chứng từ (bản chứng từ gốc mà các doanh nghiệp Việt Nam đang thất lạc) và nộp phí nhận hàng. Đối với các container đã thu hồi được bộ chứng từ gốc, các doanh nghiệp đang tìm kiếm đối tác tại châu Âu để bán lại nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Theo Bộ NN-PTNT, hiện Văn phòng luật sư Davide Gallasso (đơn vị được doanh nghiệp Việt Nam thuê) đang phối hợp với bộ phận Thương vụ Việt Nam tại Italy để xử lý vụ việc. Phía luật sư cho biết đã làm việc với công an, hải quan, các hãng tàu và lấy phán quyết từ tòa án để các lô hàng không được thông quan dù họ có trong tay bộ giấy tờ gốc. Phía luật sư cũng đang tiếp tục làm việc với các ngân hàng để xem ai là người chịu trách nhiệm vụ việc này, đồng thời sẽ làm việc để lấy lại quyền sở hữu hàng hóa cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Trên cơ sở tình hình xử lý vụ việc đến thời điểm này, Bộ NN-PTNT cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương và Vinacas theo dõi sát vụ việc, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ. Bộ NN-PTNT chỉ đạo Vinacas và các doanh nghiệp tiếp tục làm việc với Văn phòng luật sư Davide Gallasso và Đại sứ quán Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Italy để đề nghị các cơ quan thẩm quyền của Italy chưa thông quan 36 container hàng đang mất chứng từ gốc hoặc chỉ cho thông quan khi có xác định của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam (bên bán).
Bộ NN-PTNT đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT làm việc với các hãng tàu vận tải 36 container đang thất lạc hồ sơ gốc để phối hợp giữ hàng, tạo điều kiện cho bên luật sư xử lý dứt điểm vụ việc. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm việc với các ngân hàng thương mại (là ngân hàng thực hiện nghiệp vụ nhận tiền cho công ty xuất khẩu) rà soát lại quá trình thực hiện giao dịch với ngân hàng của bên mua hàng để xác định nguyên nhân và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xử lý hồ sơ của những lô hàng đang thất lạc hồ sơ gốc. Bộ Công an cũng sẽ tìm hiểu vụ việc, nếu phát hiện có yếu tố phạm pháp là các tổ chức, cá nhân trong nước thì xử lý theo quy định pháp luật Việt Nam; nếu là các tổ chức, cá nhân nước ngoài thì cần làm việc với Interpol để xử lý theo quy định quốc tế.