Nỗ lực giải phóng hàng tồn

Theo Bộ Công Thương, để đẩy nhanh việc giải phóng hàng tồn kho, giải pháp quan trọng từ phía Nhà nước là đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, xuất khẩu, miền núi cùng việc tiếp tục thực hiện giải pháp căn cơ là cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bên cạnh đó cần sự nỗ lực từ chính bản thân doanh nghiệp.

Theo Bộ Công Thương, để đẩy nhanh việc giải phóng hàng tồn kho, giải pháp quan trọng từ phía Nhà nước là đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, xuất khẩu, miền núi cùng việc tiếp tục thực hiện giải pháp căn cơ là cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bên cạnh đó cần sự nỗ lực từ chính bản thân doanh nghiệp.

Thúc đẩy xúc tiến thương mại

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh vấn đề giải phóng hàng tồn kho là một trong những trọng tâm quyết sách của Chính phủ, Quốc hội. Trong 5 tháng đầu năm, hàng tồn kho tăng tương đối lớn so với cùng kỳ của năm trước, trong đó nhiều nhất là xi măng, thép, những sản phẩm điện tử dân dụng, một số mặt hàng tiêu dùng.

Tồn kho tăng khoảng 20-25% so với tháng 5-2011. Đây là một trong bức xúc và những việc đòi hỏi giải pháp. Giải pháp trước hết là thực hiện theo Nghị quyết 11 năm 2011 của Chính phủ và gần đây nhất là Nghị quyết 13 (về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường).

Đối với sản phẩm của nông dân, về gạo, cà phê, muối, theo ông Hoàng trong suốt những năm qua Chính phủ rất quan tâm.

Chẳng hạn, về gạo, năm 2012, với diễn biến không được thuận lợi của thị trường gạo thế giới, căn cứ vào tình hình thực tế và đề nghị của Hiệp hội Lương thực Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Thủ tướng đã quyết định cho mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo thực hiện trong thời gian đến ngày 30-4. Điều này đã góp phần giữ  được giá lúa, gạo trong nước, đặc biệt ở ĐBSCL.

Ổn định và đảm bảo được mức 30% tối thiểu có lợi cho người nông dân. Về công nghiệp, Bộ Công Thương đang tích cực thúc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại. Hiện nay chương trình xúc tiến thương mại quốc gia có 3 phần: xúc tiến trong nước, xúc tiến xuất khẩu và xúc tiến thị trường miền núi, biên giới.

“Chúng tôi đang tích cực thực hiện chương trình này để có thể góp phần cho các doanh nghiệp tiêu thụ được sản phẩm” - ông Hoàng nói.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, giải pháp để giải phóng hàng tồn kho nữa là tăng cường thêm hiệu quả thực chất của cuộc vận động "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hạn chế nhập khẩu hàng không cần thiết để các doanh nghiệp có thể tiêu thụ hàng hóa của mình.

Theo Bộ Công Thương, cùng với biện pháp đồng bộ về tài chính, chính sách tài khóa, đầu tư nếu phối hợp đồng bộ thì tồn kho của những mặt hàng này sẽ được giảm dần.

“Chúng tôi nghĩ trách nhiệm xử lý và giải quyết hàng tồn kho không phải riêng trách nhiệm của Chính phủ, trước hết bản thân doanh nghiệp phải chủ động, tìm được biện pháp để tự mình thoát khỏi khó khăn. Tất nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng có thể làm được, các doanh nghiệp vừa rồi rất cố gắng nhưng phải cố gắng hơn nữa. Đó là câu chuyện Nhà  nước, nhân dân, doanh nghiệp cùng phối hợp” - Bộ trưởng Huy Hoàng nói.

Cũng liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương vừa ban hành chỉ thị các đơn vị, doanh nghiệp thuộc bộ quản lý tập trung thực hiện các biện pháp đẩy nhanh việc thực hiện, giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, chương trình trong phạm vi quản lý, nhất là các dự án đầu tư từ ngân sách, vốn trái phiếu chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia…

Trong đó cũng yêu cầu Vụ Chính sách thương mại đa biên có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng, các bộ, ngành, địa phương trong các hoạt động xúc tiến tìm kiếm thị trường cho thương mại, dịch vụ, đầu tư; các Vụ Thị trường ngoài nước nghiên cứu, nắm bắt thông tin, thúc đẩy mở rộng thị trường thương mại sở tại, có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường đối tác…

Nhiều cách làm hiệu quả

Không ngồi chờ sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đưa ra các giải pháp để giải phóng hàng tồn.

Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc CTCP Thép Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết các doanh nghiệp thép đang tích cực đẩy mạnh xuất khẩu. Tính đến tháng 5, sản phẩm sắt thép xuất khẩu cả nước đạt gần 500.000 tấn, tăng 46% so với cùng kỳ. Dù lợi nhuận xuất khẩu thép tại thời điểm này rất thấp nhưng cũng đã giải quyết được lượng thép tồn kho lớn cho ngành thép.

Công ty Fisico là nhà sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ có uy tín của Việt Nam nhiều năm nay nhưng vẫn khó tìm đầu ra cho sản phẩm ở những thị trường truyền thống.

Ông Nguyễn An Điềm, Chủ tịch HĐQT Công ty Fisico, cho biết dù thị trường trong nước không phải là đích ngắm của các sản phẩm gỗ ngoài trời nhưng do xuất khẩu gặp nhiều trở ngại, doanh nghiệp đã quay về tìm đầu ra ở thị trường trong nước bằng việc giảm giá bán sản phẩm.

Còn với Công ty Nông phẩm Xanh, đơn vị chuyên xuất khẩu và cung cấp các loại rau củ quả chất lượng cao ở thị trường phía Nam, đã chọn lựa những đơn hàng ổn định và hợp đồng dài hạn với hệ thống nhà hàng, khách sạn để cung cấp hàng cho họ.

Ông Mai Xuân Phú, Giám đốc Công ty Nông phẩm Xanh, cho hay trong thời buổi kinh tế ảm đạm như hiện nay, để hàng hóa không bị tồn kho doanh nghiệp phải mở thêm kênh tiêu thụ, làm mới hình thức bán hàng, giảm chi phí sản xuất để sản phẩm có giá thành hạ.

Ông Phạm Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết tập trung vào mặt hàng xuất khẩu mới là một trong những biện pháp thúc đẩy sản xuất được Hà Nội triển khai trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, để gỡ khó cho doanh nghiệp, Hà Nội đang triển khai thực hiện hỗ trợ vốn sau đầu tư với lãi suất thấp cho các doanh nghiệp với nguồn vốn dự tính khoảng 60 tỷ đồng. Thành phố cũng đang kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trong những tháng tới còn được tập trung vào các chương trình trọng điểm như phát triển sản phẩm chủ lực, xúc tiến thương mại, xuất khẩu và tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn. Còn tại TPHCM, chương trình bình ổn giá đã được triển khai sớm hơn mọi năm.

Theo ông Huỳnh Khánh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, thành phố đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa. Bắt đầu từ đầu tháng 4, TPHCM đã triển khai chương trình bình ổn thị trường cho tới Tết Quý Tỵ (2013).

Năm nay, lượng hàng hóa các doanh nghiệp tham gia bình ổn tăng 20% so với năm ngoái. Nét mới của chương trình năm nay là các đơn vị tham gia bình ổn giá sữa cho người già và trẻ dưới 12 tháng cam kết giữ ổn định giá cả năm. Sở Công Thương TPHCM cũng tiếp tục đẩy mạnh chương trình đưa hàng Việt về chợ truyền thống, khu công nghiệp và khu chế xuất.

Các tin khác