Để DN có thêm thông tin, vai trò của các hiệp hội chuyên ngành, hiệp hội DN, cơ quan truyền thông… hết sức quan trọng. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã trao đổi với ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM.
PHÓNG VIÊN: - Có rất nhiều khảo sát đã chỉ ra những con số đáng báo động khi có tới 60, 70 thậm chí 80% DN thờ ơ với những thông tin về AEC. Là đơn vị thường xuyên tiếp xúc với các DN, ông nhận định thế nào?
Ông PHẠM NGỌC HƯNG: - Cần phải thẳng thắn nhìn nhận thời gian qua khi đi đến nhiều địa phương gặp gỡ các DN nhỏ, điều khiến chúng tôi cảm thấy không vui là hầu như DN không quan tâm đến AEC nói riêng cũng như các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam sẽ ký kết.
Có DN còn chia sẻ làm hàng nội địa chưa xong nghĩ gì đến ra biển lớn. Trong khi đó, một số DN quan tâm tìm hiểu về AEC nhưng loay hoay không biết lấy thông tin ở đâu. Bởi thông tin các phương tiện đại chúng nhiều nhưng hầu như chỉ nêu chung chung, chưa cụ thể. Tại các hội thảo về ASEAN, AEC… nội dung bàn thảo, ý kiến chuyên gia cũng chủ yếu mang tầm vĩ mô.
Thậm chí có DN tìm hiểu trên một website chính thức như của Bộ Công Thương, cũng không phải cứ đọc là hiểu hết. Ngay như dự án hỗ trợ pháp lý cho DN đã được triển khai nhưng đến nay vẫn chưa tới được DN, nên DN muốn hỏi thông tin, nhờ tư vấn vẫn chưa biết tìm đến cơ quan nào.
Hiện nay để tìm kiếm thông tin thường có 2 dạng. Đó là những thông tin được công khai trên các website của các cơ quan, bộ ngành… nhưng thường những thông tin này vẫn chưa đủ. Vì thế DN cần phải mua thông tin từ các đơn vị tư vấn. Điều này ở nước ngoài từ lâu đã trở thành cần thiết đối với các DN, trong khi DN Việt Nam không muốn mất tiền mua thông tin nên vẫn giữ tư tưởng chờ thông tin “chùa”.
- Theo ông cần làm gì để giúp DN muốn tìm hiểu thông tin?
- Với những DN lớn đã có hẳn đội ngũ pháp lý riêng chuyên tìm kiếm thông tin liên quan đến ngành nghề sản xuất của DN mình, nếu cần họ sẽ mạnh dạn mua thêm thông tin từ các đơn vị tư vấn để hoàn thiện chiến lược kinh doanh. Còn với DN muốn biết thông tin nhưng không đủ khả năng như trên, theo tôi cũng có vài cách, như từ các cơ quan truyền thông.
Tôi mong muốn các cơ quan truyền thông sẽ thông tin nhiều hơn, cụ thể hơn theo từng nhóm ngành hàng… để DN dễ dàng nắm bắt. Các cơ quan truyền thông nên là cầu nối giúp DN có nhu cầu tìm thông tin, tư vấn tìm đến đúng địa chỉ.
Ngoài ra, các hiệp hội ngành hàng cần nâng cao vai trò của mình nhằm hỗ trợ các DN hội viên nắm được những thông tin liên quan đến ngành nghề của DN. Bên cạnh đó, các DN cần thông tin có thể tìm đến Trung tâm WTO, tại đây có rất nhiều tài liệu, nhiều chuyên gia có thể hỗ trợ giải đáp những thắc mắc. Hiện nay nhiều DN còn chưa biết đến trung tâm này.
Với riêng Hiệp hội DN TPHCM, năm 2015 chúng tôi lấy chủ đề là năm hội nhập. Theo đó, hiệp hội sẽ có nhiều hoạt động cụ thể hỗ trợ thông tin cho DN, như thông tin trên website của hội; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo với những nội dung cụ thể; mời những chuyên gia am hiểu từng lĩnh vực để thông tin và tư vấn cho DN một cách tốt nhất.
Ngoài ra chúng tôi cũng sẽ tổ chức những đoàn xúc tiến thương mại để cùng DN tìm hiểu thị trường. Kinh nghiệm của DN nhiều nước khi đến Việt Nam làm ăn, đầu tư, họ đã tìm hiểu và có tính toán chi tiết từ trước: khi nào vào, khi nào thực hiện các thương vụ M&A…
- AEC luôn có thách thức và cơ hội song hành, nhưng dường như thách thức đang nhiều hơn cơ hội. Ông nghĩ sao?
Năm 2015 hiệp hội đẩy mạnh hỗ trợ những thông tin thực sự hữu ích giúp DN về hiểu rõ lộ trình các ngành hàng, dòng thuế giảm… Bên cạnh đó, hiệp hội tiếp tục đóng vai trò cầu nối giữa DN và chính quyền. Cụ thể, chúng tôi ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của DN, kịp thời trình lãnh đạo TPHCM hỗ trợ hoạt động DN. |
- Thực tế thách thức sẽ rất lớn, bởi hiện nay nhiều DNNVV của Việt Nam chưa có thương hiệu, chưa có nhiều vốn nên sẽ rất khó cạnh tranh trên thị trường khi hàng hóa từ các nước tràn vào Việt Nam với thuế suất bằng 0.
Trong khi đó các hàng rào thương mại để bảo hộ hàng trong nước vẫn rất lỏng lẻo. Đó là chưa kể DN tại các nước như Thái Lan được vay lãi suất ưu đãi khoảng 6%/năm, trong khi DNNVV tại Việt Nam đang phải vay lãi suất trung và dài hạn lên đến 12-13%/năm…
Tuy nhiên, theo tôi chúng ta cũng không nên quá bi quan, bởi hội nhập cộng đồng kinh tế chung ASEAN sẽ có nhiều cái được. Thí dụ, gia nhập AEC DN sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh mạnh hơn, buộc họ phải cải cách, phải tìm được hướng đi cho mình để tồn tại và phát triển. Cũng phải nhìn nhận DN Việt Nam biết cách xoay trở trong mọi tình huống.
Thí dụ, thời điểm Trung Quốc hạ đặt dàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, rất nhiều hội thảo được các DN tổ chức nhằm tìm kiếm thị trường khác, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và đã có không ít DN làm được điều này trong thời gian ngắn. Thêm vào đó, sức ép hội nhập cũng làm thể chế kinh tế nước ta phải thay đổi cho phù hợp, tạo điều kiện cho DN trong nước phát triển sản xuất kinh doanh, hội nhập, giúp cơ hội tiếp cận công nghệ, khoa học của DN dễ dàng hơn, chi phí rẻ hơn.
Nhìn rộng ra, với các DN xuất khẩu sẽ có cơ hội tham gia thị trường rộng lớn hơn. AEC hình thành sẽ thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nắm bắt được cơ hội chúng ta có thể phát triển mạnh hơn ngành công nghiệp hỗ trợ.
- Xin cảm ơn ông.