Nhiều doanh nghiệp sản xuất, trung tâm thương mại, siêu thị lớn đang nỗ lực bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu để đồng hành cùng người tiêu dùng “vượt bão”.
Người dân mua bánh ú lá tro tại siêu thị WinMart Cộng Hòa (quận Tân Bình), trưa 2-6
Nhiều mặt hàng phục vụ Tết Đoan Ngọ tăng giá
Ghi nhanh trong ngày 2-6, một số mặt hàng phục vụ Tết Đoan Ngọ (mùng 5-5 âm lịch) như bánh ú nước tro, cơm rượu… đều tăng giá so với cùng kỳ năm ngoái từ 5-20%, tùy nơi bán. Chẳng hạn, tại điểm bán trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận Tân Bình, TPHCM), bánh ú có nhân ở mức 95.000-125.000 đồng/10 cái, bánh không nhân 60.000-75.000 đồng/10 cái, tăng 5.000-15.000 đồng so với Tết Đoan Ngọ năm trước.
Theo chị Hương Ngọc, chủ cửa hàng chuyên kinh doanh đặc sản các loại trên đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, nhu cầu đặt mua bánh tăng khoảng 40-50% so với các năm trước. “Sức mua tăng nhưng giá nguyên liệu như đậu xanh, trứng muối, nếp… đều tăng 20-30%, nên tính ra không có lời bao nhiêu”, chị Hương Ngọc cho biết.
Anh Văn Hùng, chủ cửa hàng thực phẩm A.H trên đường Dương Thị Mười (quận 12, TPHCM) nhẩm tính, đến chiều 2-6 đã có gần 100 đơn hàng của khách quen đặt bánh, trái cây tươi, cơm rượu các loại. Theo anh Hùng, sức mua năm nay cải thiện đáng kể do dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhóm khách hàng đặt mua trực tuyến tăng cao.
Chủ một cửa hàng bán đồ ăn trực tuyến tại quận Gò Vấp (TPHCM) cho hay, dịp Tết Đoan Ngọ nên bánh ú tro, rượu nếp than, nếp hương… được khách đặt mua nhiều. Thậm chí, do lượng khách quá đông, phải “khóa sổ” từ chiều 2-6 (mùng 4-5 âm lịch). “Đặt cận ngày quá sẽ không làm kịp để giao cho khách. Nếu lấy nơi khác về bán, chất lượng sẽ không đồng đều, chưa kể giá tăng, dễ làm mất uy tín thương hiệu”, vị chủ cửa hàng nói.
Để phục vụ Tết Đoan Ngọ, năm nay, Công ty TNHH Thực phẩm Đại Phát bán ra thị trường 2.000 hộp bánh bào ngư cao cấp, với mức giá 720.000 đồng/hộp 6 bánh. So với sản phẩm bánh ú truyền thống, bánh ú bào ngư đòi hỏi tỉ mỉ trong quá trình sản xuất cũng như lựa chọn nguyên liệu. Song song đó, công ty cũng cung ứng các loại bánh ú nước tro truyền thống, giá từ 180.000 đồng/hộp trở lên.
Nỗ lực bình ổn giá
Hiện tại, hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra đang đưa lên quầy kệ gần 1.000 tấn vải thiều Hải Dương nhằm cung ứng cho người tiêu dùng cả nước. Riêng dịp Tết Đoan Ngọ, các hệ thống siêu thị này sẽ tăng 30-40% mặt hàng trái cây và nông sản nội địa so với ngày thường để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh của khách hàng, gồm bưởi, cam, chôm chôm, nho, vải, quýt... Tương tự, các hệ thống siêu thị khác như MM Mega Market, Go!, Satramart… cũng bày bán rất nhiều trái cây tươi, bánh ú nước tro đủ loại…
Ông Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Sunfood Đà Lạt, một trong những đơn vị cung ứng rau củ quả cho hệ thống siêu thị Winmart ở TPHCM khẳng định, các sản phẩm rau tươi ngon, đảm bảo an toàn luôn được bán với mức giá hợp lý. Hơn 5 năm qua, sản phẩm tại hợp tác xã hầu như không tăng giá, nhằm hỗ trợ, chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng.
Tại các chợ đầu mối nông sản thực phẩm như chợ Thủ Đức, chợ Hóc Môn, hàng hóa về nhiều, đủ cung ứng cho người tiêu dùng TPHCM với mức giá tốt.
Cụ thể, tại chợ đầu mối Hóc Môn, lượng hàng về chợ vào rạng sáng 2-6 ở mức 2.793 tấn, trong đó chủ yếu rau củ, trái cây. Riêng nhóm mặt hàng rau củ, nấm rơm tăng giá từ vài ngày trước, nay đều đã hạ nhiệt. Cụ thể, su su có giá 5.000 đồng/kg; nấm rơm (trắng, đen) có giá 55.000-60.000 đồng/kg, đã giảm 15.000-20.000 đồng/kg so với ngày 30-5; bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc lần lượt có giá 30.000 và 45.000 đồng/kg.
“Mức giá này đến tay khách lẻ ở các chợ truyền thống sẽ tăng thêm 10.000-15.000 đồng/kg, tùy loại, nhưng hoàn toàn chấp nhận được”, chị Lan, tiểu thương tại chợ đầu mối Hóc Môn, nhận định.