Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) vừa phát hành bản tin nợ công số 14 của Việt Nam giai đoạn 2017-2021. Số liệu thống kê năm 2021 có thể sẽ được chỉnh lý sau khi quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 được Quốc hội phê chuẩn.
Theo thông tin từ Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam có xu hướng giảm dần thời gian qua. Tính đến hết năm 2021, nợ công tương đương 43,1% GDP. So với GDP, nợ nước ngoài tính đến hết năm 2021 khoảng 38,4% GDP.
Tính đến hết năm 2021, thứ nhất, nợ Chính phủ lên đến gần 3,3 triệu tỷ đồng, tăng hơn 160 nghìn tỷ so với thời điểm cuối tháng 6/2021.
Trong đó, vay nước ngoài khoảng 1,075 triệu tỷ đồng (giảm khoảng 33 nghìn tỷ so với cuối tháng 6/2021); trong khi đó, vay trong nước tăng lên hơn 2,2 triệu tỷ đồng (tăng trên 190 nghìn tỷ đồng), chiếm 67,2% dư nợ Chính phủ.
Tính riêng tổng trả nợ trong kỳ đạt gần 370 nghìn tỷ đồng, gồm 262 nghìn tỷ để trả nợ gốc và hơn 107 nghìn tỷ để trả lãi và phí.
Phân theo từng bên cho vay, chủ nợ song phương lớn nhất của Việt Nam là Nhật Bản hơn 316 nghìn tỷ, Hàn Quốc, Pháp và Đức lần lượt cho vay hơn 32 nghìn tỷ, 30 nghìn tỷ và 14 nghìn tỷ đồng.
Tính theo đối tác đa phương, Ngân hàng Thế giới đứng đầu danh sách chủ nợ với hơn 380 nghìn tỷ, tiếp đến là Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) với hơn 188 nghìn tỷ...
Thứ hai, dư nợ được Chính phủ bảo lãnh tính đến cuối năm 2021 đạt khoảng 320 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nợ nước ngoài khoảng 168 nghìn tỷ đồng; nợ trong nước.
Tổng trả nợ trong kỳ đạt gần 89 nghìn tỷ đồng, gồm 74 nghìn tỷ trả nợ gốc và hơn 14 nghìn tỷ trả lãi và phí.
Thứ ba, dư nợ của chính quyền địa phương khoảng 51 nghìn tỷ đồng.
Tổng trả nợ trong kỳ đạt gần 5,7 nghìn tỷ đồng, gồm hơn 4 nghìn tỷ trả nợ gốc và khoảng 1,5 nghìn tỷ trả lãi và phí.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay các khoản vay trong nước của Chính phủ có xu hướng tăng nhanh và chiếm vai trò chủ đạo. Ngược lại, dư nợ vay vốn nước ngoài của Chính phủ chỉ chiếm khoảng 10% tổng giá trị hằng năm và đang có xu hướng giảm dần, giúp làm giảm rủi ro về tỷ giá, đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia. |
Về kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022, kế hoạch vay của Chính phủ tối đa 673.546 tỷ đồng, gồm: vay cho cân đối ngân sách trung ương tối đa 646.849 tỷ đồng, trong đó vay bù đắp bội chi ngân sách trung ương tối đa là 450.700 tỷ đồng, vay để trả nợ gốc không quá 196.149 tỷ đồng; vay về cho vay lại 26.697 tỷ đồng.
Trả nợ của Chính phủ khoảng 335.815 tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 299.849 tỷ đồng, trả nợ của các dự án cho vay lại 35.966 tỷ đồng.
Liên quan đến Chiến lược nợ công đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 460/QĐ-TTg tháng 4 vừa qua, một số mục tiêu đáng chú ý như phấn đấu nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước.
Việc xây dựng Chiến lược nợ công đến năm 2030 kế thừa vai trò tích cực của chính sách quản lý nợ công giai đoạn vừa qua, góp phần tăng cường ổn định vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, tăng cường kỷ luật kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều thách thức, tác động sâu rộng tới việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong nước, các cơ quan, tổ chức, các địa phương cần sớm nghiên cứu, quán triệt đầy đủ và đề ra kế hoạch, lộ trình chi tiết đối với từng mục tiêu, phân công nhiệm vụ cụ thể tại từng cơ quan, tổ chức, địa phương, tổ chức thực hiện các giải pháp huy động, quản lý và sử dụng vốn vay nợ công để triển khai Chiến lược nợ công đến năm 2030 một cách hiệu quả, thiết thực.