Vấn đề xử lý nợ hiện nay vẫn còn khá nhiêu khê trong khâu khởi kiện, thu giữ, bán, phát mãi tài sản nên rất khó thu hồi được nợ, vì thời gian thủ tục ra tòa rất phức tạp. Theo các chuyên gia, cần có sự thay đổi trong một số điều luật cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành có liên quan để đảm bảo thực thi quyền thu giữ, phát mãi tài sản trong quá trình xử lý nợ nhanh chóng, thuận tiện hơn.
Mua dễ
Mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm nay của NHNN được đánh giá là có cơ sở, bởi nếu nhìn vào con số thống kê, tính đến thời điểm cuối tháng 11-2014, nợ xấu theo báo cáo của các TCTD là 167.861 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,8%; tỷ lệ nợ xấu theo kết quả phân loại dựa trên thông tin tín dụng của CIC là 5,3%. Giai đoạn 2012-2014, các NHTM đã tự xử lý được 54% nợ xấu.
Điều này cho thấy xu hướng nợ xấu trong hệ thống NH Việt Nam đã giảm và sức khỏe của ngành NH cũng phần nào được cải thiện. Tuy nhiên, đó chỉ mới xét về mặt con số tổng thể nợ xấu của ngành. Nhưng nếu xét về thực tế, bản thân các NH đã được cải thiện hơn hay chưa, chưa thể đưa ra nhận định. Bởi lẽ các thông tin được công bố từ các NH còn thiếu tính minh bạch và không đầy đủ, trong đó có tỷ lệ nợ xấu.
Kế hoạch năm 2015, VAMC mua khoảng 80.000 tỷ đồng nợ gốc. Vì vậy, NHNN đã áp chỉ tiêu nợ xấu phải bán cho VAMC xuống các NHTM ngay từ quý I. Việc áp chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC xuống các NH cũng là chuyện bình thường và đây còn là giải pháp tốt cho các NH trong việc xử lý nợ.
Bởi trên cương vị nhà điều hành, chủ quản hệ thống, NHNN sẽ nhìn thấy rõ bản chất của từng NHTM cũng như khoản nợ xấu của các NH đó và mục tiêu của NHNN kiểm soát nợ xấu cuối năm nay về mức dưới 3%. Chính vì vậy, để kiểm soát nợ xấu toàn ngành về con số này vào cuối năm nay, cách tốt nhất là các NH phải đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC. Nhưng một khi con số nợ xấu VAMC mua về từ các NHTM ngày một lớn dần, việc tìm đầu ra trong xử lý nợ xấu là cần thiết để có thêm điều kiện mua thêm nợ xấu mới.
Bán vướng
Nợ xấu đang là vấn đề được dư luận quan tâm trong suốt thời gian qua. Mặc dù hệ thống NH đã vào cuộc tích cực và đạt kết quả khá khả quan, nhưng muốn xử lý nợ xấu nhanh, dứt điểm và hiệu quả không thể trông chờ vào nỗ lực riêng của ngành NH mà còn cần sự tham gia tích cực của các bộ, ngành liên quan, đặc biệt liên quan đến hành lang pháp lý xử lý tài sản bảo đảm... TS. Trần Thị Hồng Hạnh, |
Theo đánh giá của chuyên gia tài chính - NH, ông Huỳnh Bửu Sơn, việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định 34 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 53 về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC có hiệu lực từ ngày 5-4-2015, được cho là cần thiết đối với việc xử lý nợ xấu.
Mục tiêu của Nghị định 34 là tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc mua bán, xử lý nợ xấu và cụ thể là việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường. Nghị định 34 cũng bổ sung quy định xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu VAMC đã mua.
Thế nhưng, để xử lý việc mua - bán nợ theo cơ chế thị trường, ai là người chấp nhận lỗ trong việc xử lý nợ xấu. Theo kinh nghiệm từ các nước, Hàn Quốc bán nợ xấu thu lại 45%; Trung Quốc thu lại 40%. Nhưng đối với Việt Nam, hiện sau khi mua nợ xấu từ các NHTM, VAMC muốn bán lại nợ xấu theo giá thị trường cũng là điều hết sức khó khăn, vì sợ thất thoát vốn.
Thêm vào đó, vấn đề xử lý nợ xấu bằng cách phát mãi tài sản không dễ. Vì thế, để giải quyết được nợ xấu và mua bán nợ theo cơ chế thị trường cần phải có sự quyết liệt và mạnh mẽ cũng như hy sinh. Đồng thời, để có thể giải quyết được nợ xấu cần phải có nguồn lực thật cho VAMC hoặc phía các NH cũng phải chịu lỗ.
Thời gian qua, VAMC đã mua nợ xấu của các NH với giá khá cao, mức chiết khấu chỉ dưới 10%. Vì thế, theo các chuyên gia, để bán lại theo giá thị trường không dễ. Bởi thông thường khi mua nợ thường được mua với giá hợp lý, giá rẻ sau đó mới dễ dàng bán lại. VAMC thời gian qua đã mua nợ xấu với giá trị khoảng 80-90%. Như thế, khó bán nợ theo cơ chế giá thị trường để xử lý triệt để các khoản nợ xấu đã mua.
Lo ngại nợ xấu phát sinh
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc xử lý nợ xấu đang bắt đầu có dấu hiệu tích cực hơn khi thị trường bất động sản có dấu hiệu hồi phục ở phân khúc nhà ở. Bởi lẽ nợ xấu chủ yếu nằm ở lĩnh vực bất động sản, nên khi bất động sản ấm lên sẽ là cơ hội để xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, quá trình tái cấu trúc ngành NH Việt Nam trong thời gian qua đã có những thành công nhất định, như giảm số lượng các NH nhỏ, yếu kém, xóa dần tình trạng sở hữu chéo trong ngành.
Tuy nhiên, điều đó chỉ mới tác động đến tâm lý của nhà đầu tư khi họ cho rằng việc sáp nhập NH yếu lại với nhau hoặc NH yếu vào NH lớn để giảm số lượng, lành mạnh được hệ thống và NH sẽ phát triển lành mạnh hơn sau thời gian tái cấu trúc. Còn thực tế, nếu so với việc đẩy mạnh tái cơ cấu chưa thể đạt mục tiêu như kỳ vọng và hoạt động của các NH vẫn đang giai đoạn tái cơ cấu, xử lý nợ xấu cao.
Đến nay có thể nói VAMC đã thành công bước đầu trong việc gom nợ xấu, làm sạch sổ sách cho các NH. Với vai trò đặc biệt của mình, tính từ khi VAMC bắt đầu mua nợ đến cuối năm 2014 đã đạt khoảng 125.000-130.000 tỷ đồng nợ gốc, với giá mua xấp xỉ 105.000 tỷ đồng. Riêng năm 2014, VAMC đã mua khoảng 90.000-95.000 tỷ đồng nợ xấu với giá mua trên 70.000 tỷ đồng.
Tuy vậy, số xử lý nợ xấu thực chất của VAMC năm qua mới đạt 4.000 tỷ đồng. Mặt khác, VAMC đẩy mạnh mua nợ xấu của NH, nhưng đó là nợ xấu trong quá khứ, tức nợ xấu đã phát sinh.
“Chúng ta không thể khẳng định, nợ xấu của NH sẽ không còn phát sinh trong vòng 5 năm tới, ngược lại nợ xấu của NH khả năng sẽ còn gia tăng và chúng ta cũng không loại trừ trường hợp sẽ có NH lặp lại tình trạng nợ xấu tăng cao như thời gian qua. Lúc đó, việc xử lý nợ xấu sẽ càng khó khăn” - một chuyên gia tài chính cảnh báo.