Trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 3 vừa diễn ra, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết mặc dù tỷ lệ nợ xấu do các NH công bố hiện là 3,6-3,9%, nhưng theo đánh giá của Thống đốc con số này phải là 7%. Thông tin về tỷ lệ nợ xấu vừa được NHNN đưa ra đã khiến dư luận đặt dấu chấm hỏi về tỷ lệ nợ xấu chính xác của hệ thống NHTM.
Hồi tháng 2, trong Báo cáo triển vọng hệ thống NH năm 2014 do Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's đánh giá tỷ lệ những tài sản chất lượng “có vấn đề” (nợ xấu) của hệ thống NHTM Việt Nam ít nhất phải chiếm 15% tổng tài sản.
Trước Moody’s, một số tổ chức xếp hạng tín nhiệm thế giới cũng cho rằng, tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam cao hơn nhiều con số được NHNN công bố và cũng đánh giá nợ xấu của Việt Nam có thể chiếm tỷ lệ 15%. Sau khi bản báo cáo của Moody’s được công bố, NHNN đã có ý kiến cho rằng, theo số liệu báo cáo của các TCTD tỷ lệ nợ xấu của hệ thống NH Việt Nam tăng từ 4,08% cuối năm 2012 đến 4,73% trên tổng dư nợ tín dụng vào tháng 10-2013.
Khi tình hình kinh tế vĩ mô được cải thiện và dần phục hồi, cộng với những nỗ lực của hệ thống TCTD, diễn biến nợ xấu đã có những tín hiệu khả quan, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống đã giảm mạnh về mức 3,63% tổng dư nợ tín dụng vào cuối tháng 12-2013. Tuy nhiên, nếu tính toán một cách thận trọng, nợ xấu bao gồm cả nợ xấu được cơ cấu lại theo Quyết định 780/QĐ-NHNN thì tỷ lệ nợ xấu cũng chỉ khoảng 9%. Song lần này, NHNN lại cho rằng tỷ lệ nợ xấu mà các NHTM báo cáo khác nhau và tỷ lệ NHNN đưa ra gần gấp đôi so với công bố của NHTM.
Việc đánh giá tỷ lệ nợ xấu, NHNN từng nhận định, mỗi tổ chức đánh giá nợ xấu dựa trên những phương pháp, tiêu chí và thông tin riêng của họ. Số liệu nợ xấu của NHNN được xác định dựa trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành và các thông tin chính thức. Do không có chuẩn mực thống nhất về phân loại nợ nên các cơ quan, tổ chức khác nhau đưa ra số liệu nợ xấu không giống nhau về cùng một số đối tượng là bình thường.
Song số liệu, thông tin về nợ xấu và hoạt động NH do cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm đưa ra là đáng tin cậy và có cơ sở pháp lý hơn. Vì vậy, những thông tin thị trường và những nghiên cứu đánh giá chất lượng tín dụng của các cơ quan, tổ chức không có chức năng quản lý nhà nước chỉ có tính chất tham khảo.
Điều này được nhiều chuyên gia đồng tình, nhưng với trường hợp này, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần phải xem xét lại việc chênh lệch tỷ lệ nợ xấu công bố của NHTM và NHNN. Bởi như vậy đồng nghĩa với việc NHTM đang che giấu nợ xấu để tránh thực thi các giải pháp xử lý nợ xấu mà NHNN đưa ra.
Còn nhớ, trước khi Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) được thành lập, nợ xấu của các NHTM ở mức cao, NH nào thấp nhất cũng 4-5%, thậm chí có NH lên đến 8-9%. Theo quy định của VAMC, các NHTM có nợ xấu từ 3% buộc phải bán nợ cho VAMC. Tính đến nay, VAMC mua được 42.829 tỷ đồng nợ xấu từ 40 TCTD.
Tuy nhiên, vừa qua nhiều NH có tỷ lệ nợ xấu cao thông báo nợ xấu đã được kéo giảm xuống dưới 3% nhờ bán nợ cho VAMC song không công bố rõ ràng là đã bán bao nhiêu nợ, bán khi nào hay bán bao nhiêu lần. Vì không có sự công khai, minh bạch nên con số nợ xấu của các NHTM công bố vẫn không được tin tưởng và vẫn còn nhiều thắc mắc về con số chính xác.
Một số chuyên gia cho rằng, lúc này điều cần làm không phải là quan tâm con số nợ xấu là bao nhiêu mà cần phải quan tâm đến việc xử lý nợ xấu. Điều này đúng nhưng chưa đủ, bởi hiện nay nhiều chuẩn mực áp dụng tại Việt Nam vẫn chưa theo thông lệ quốc tế nên trước áp lực các quy định của NHNN, NHTM vẫn sẽ tiếp tục giấu nợ xấu để lách một số quy định của NHNN, từ đó sẽ khó tạo ra sự công khai minh bạch để lành mạnh hóa hệ thống.
Theo như đại diện của NH Phát triển châu Á, nếu chỉ phụ thuộc vào VAMC để xử lý nợ xấu rất khó lòng xử lý triệt để, muốn quá trình này diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn, Việt Nam phải có những mục tiêu cụ thể chắc chắn và lộ trình rõ ràng trong việc thu hẹp khoảng cách giữa các chuẩn mực quốc tế và quy định trong nước, tạo ra sự công khai, minh bạch trên toàn hệ thống.