Nới lỏng visa, có hút được khách du lịch quốc tế?

(ĐTTCO) - Chính sách visa thông thoáng hơn được đánh giá sẽ làm tăng tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực. Song đây mới chỉ là điều kiện cần để ngành du lịch bứt phá thu hút du khách quốc tế.
Việt Nam đã bắt đầu nới lỏng visa, có thể cấp visa điện tử cho khách du lịch quốc tế. Ảnh: H.DƯỠNG
Việt Nam đã bắt đầu nới lỏng visa, có thể cấp visa điện tử cho khách du lịch quốc tế. Ảnh: H.DƯỠNG

Tin vui sau thời gian dài mong ngóng

Sáng 24-6, Quốc hội thông qua Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh của người nước ngoài tại Việt Nam. Thời hạn thị thực điện tử (e-visa) sẽ được nâng từ 30 lên 90 ngày.

Sau khi được cấp thị thực điện tử trong 90 ngày, người nước ngoài được nhập, xuất cảnh không giới hạn số lần, không phải làm thủ tục cấp thị thực mới. Luật cũng cho phép công dân của những nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 45 ngày (quy định trước đó là 15 ngày), và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.

Chia sẻ với ĐTTC về chính sách visa mới này, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc Tiếp thị Công ty du lịch Vietravel cho rằng, điều này góp phần nâng cao tính cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực trong việc thu hút khách du lịch quốc tế, tạo sự thuận tiện để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn trước đây.

Bên cạnh đó, đây cũng là điều kiện thuận lợi và hợp lý để Vietravel có thể linh hoạt sắp xếp lịch trình du lịch dài ngày cho khách quốc tế dễ dàng tham quan theo tuyến du lịch nghỉ dưỡng, hoặc khám phá xuyên Việt 3 nước Đông Dương (Việt Nam - Lào - Campuchia), từ đó tăng ngân sách chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam.

Đồng tình với nhận định này, phía Lữ hành Saigontourist đánh giá chính sách visa mới sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc phát triển sản phẩm nghỉ dưỡng dài ngày cho khách hàng lớn tuổi, về hưu.

Có thể thấy, với hầu hết những người làm du lịch, nhất là nhóm doanh nghiệp chuyên đón khách nước ngoài, thì chính sách visa mới thực sự là một tin vui bởi sau bao năm “trường kỳ” chờ đợi nay cũng được thỏa lòng.

Tuy nhiên, khi nói về tác động của chính sách này, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vietcircle, chia sẻ chính sách mới sẽ chưa tác động ngay trong năm nay mà sẽ có tác động trong những năm tới. Nguyên nhân năm nay tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, khách du lịch có xu hướng tiết kiệm chi phí, ngoài ra cuộc xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định du lịch của du khách châu Âu - một trong những nhóm khách mà du lịch Việt hướng tới đẩy mạnh thu hút khi chính sách visa mới có hiệu lực.

Cũng theo ông Huê, chính sách visa mới sẽ tạo thiện cảm tốt hơn cho du khách, nhưng để có những tác động đồng bộ hơn Việt Nam nên mở rộng danh sách các nước được miễn thị thực. Hiện nay Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho công dân 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương, chỉ bằng 1/3 số quốc gia được miễn thị thực khi vào Thái Lan, 1/5 của Malaysia, 1/6 của Indonesia, và chưa bằng 1/7 của Singapore.

Một số doanh nghiệp cũng cho rằng sớm nhất cũng phải đến mùa du lịch năm 2024 chính sách visa mới thực sự phát huy tác dụng kích cầu du lịch quốc tế đến Việt Nam. Thời điểm quý III và IV năm nay, các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá.

Hoàn thiện điều kiện đủ

Thực ra chính sách visa mới chỉ là điều kiện cần để thu hút khách du lịch, bởi chúng ta đã bỏ bớt rào cản khiến khách e ngại khi lựa chọn điểm đến trong những hành trình dài ngày của mình. Nhưng để thực sự thu hút được du khách đến, lưu trú dài ngày và chi tiêu nhiều hơn, câu chuyện lại nằm ở nội tại của ngành. Đó là du lịch Việt Nam cần phải có sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn để cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực. Đây đều là những điểm yếu cố hữu của ngành du lịch.

Nói về điều này, ông Phan Đình Huê nhấn mạnh, Việt Nam có tài nguyên thiên nhiên phong phú, lại nằm ở vị trí trung tâm của Đông Nam Á, nhưng chúng ta lại thiếu đi những sản phẩm dịch vụ như sản phẩm ban đêm, các sản phẩm du lịch giải trí, những điểm mua sắm, ăn uống… để kết hợp tạo thành một chuỗi sản phẩm phục vụ du khách. Vì thế Việt Nam phải có những chính sách phát triển sản phẩm đồng thời phải có những chương trình xúc tiến quảng bá hiệu quả tới du khách.

Thực tế hiện nay Việt Nam vẫn còn khá bị động trong việc xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch của mình, nhất là với các thị trường trọng điểm. Ngay với thị trường Trung Quốc, thị trường khách chính của Việt Nam, đồng thời cũng là nguồn khách được đặt nhiều kỳ vọng sau dịch sẽ trở lại mạnh mẽ chúng ta cũng không có nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá.

Tương tự thị trường Đông Nam Á, hay rộng hơn là thị trường châu Á đang là nguồn khách chính của Việt Nam trong những tháng đầu năm nay, nhưng hoạt động quảng bá ở những thị trường này dường như vẫn chưa thực sự ấn tượng. Chúng ta có vẻ vẫn còn chưa tỉnh giấc khỏi những bảng xếp hạng tìm kiếm du lịch nơi Việt Nam được đứng thứ hạng cao trong tìm kiếm của du khách.

Phân tích thêm về câu chuyện xúc tiến quảng bá, ông Huê cho rằng khi chính sách visa mới có hiệu lực, Việt Nam có thể triển khai những tour du lịch kết hợp 3 nước Đông Dương. Lúc này chúng ta có thể tính đến phương án tiếp thị chung 3 quốc gia một điểm đến nhằm thu hút nhiều hơn nữa các du khách thường chọn các tour dài ngày. Song hành với câu chuyện chung của cả ngành du lịch, thì ở mỗi doanh nghiệp cũng cần nỗ lực đổi mới để tận dụng cơ hội từ chính sách visa mới.

Bà Vân Khanh nhấn mạnh: Chính sách visa vừa là yếu tố quan trọng vừa là tiền đề để tạo sức hút điểm đến. Nhưng việc thu hút khách du lịch quốc tế còn dựa trên nhiều yếu tố cộng hưởng khác như: sản phẩm du lịch đa dạng, mới mẻ; điểm đến hấp dẫn, chất lượng phục vụ nhiệt tình, thân thiện… Đó là những yếu tố cốt lõi mà Vietravel đang tập trung xây dựng, phát triển nhằm khai thác tối đa yếu tố thuận lợi từ chính sách visa mới này.

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy tính đến hết tháng 6, khách quốc tế đến nước ta ước đạt gần 5,6 triệu lượt người, gấp 9,3 lần cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn chỉ bằng 65,7% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Trong đó thị trường châu Á vẫn là thị trường khách chính với hơn 4,1 triệu lượt khách đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023.

Năm nay toàn ngành đặt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế, một con số khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực.

Chính sách visa mới chỉ là điều kiện cần để thu hút khách du lịch, tức bỏ bớt rào cản khiến khách e ngại khi lựa chọn điểm đến trong những hành trình dài ngày của mình. Điều kiện đủ là du lịch Việt Nam cần phải có sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn để cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực.

Các tin khác