Theo đó, Quốc hội đồng ý kéo dài thời hạn thị thực (visa) từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần. Quốc hội cũng đồng ý nâng thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội đối với luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho hay, có ý kiến đề nghị rà soát quy định về thời hạn thị thực điện tử để đảm bảo phù hợp với các điều ước quốc tế và nguyên tắc có đi có lại với các nước nhằm thu hút khách du lịch và phát triển kinh tế - xã hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, luật đã nâng thời hạn thị thực điện tử lên đến 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư, nhất là các trường hợp có nhu cầu đi đến nhiều nước trong khu vực và quay lại Việt Nam để đánh giá, so sánh về khả năng mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Với việc nâng thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực, một số ý kiến đề nghị làm rõ căn cứ của quy định 45 ngày; đề nghị tăng lên 60 hoặc 90 ngày để thuận lợi nhất cho nước ta và người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Về vấn đề này, UBTVQH cho biết, các nước như Thái Lan, Singapore... đang áp dụng chính sách miễn thị thực với thời hạn tạm trú đến 45 ngày, 90 ngày. Việc nâng thời hạn đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày là đạt mức trung bình trong khu vực, qua đó, sẽ nâng cao tính cạnh tranh trong khu vực của Việt Nam trong thu hút du khách; tạo thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch quốc tế, giúp họ chủ động thời gian, lịch trình tham quan, nghỉ dưỡng dài ngày ở Việt Nam.
Liên quan tới Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Quốc hội đã thông qua đề nghị bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu phổ thông. Một số ý kiến đề nghị thay thông tin “nơi sinh”, “quê quán” bằng “nơi đăng ký khai sinh” cho thống nhất với dự thảo Luật Căn cước đang sửa đổi.
Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng, nơi sinh và nơi đăng ký khai sinh trong nhiều trường hợp không cùng một nơi và việc ghi thông tin về “nơi sinh” trên hộ chiếu là phù hợp với khuyến cáo và thông lệ quốc tế. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình.
Cùng với đó, UBTVQH cho bổ sung thêm “thông tin khác do Chính phủ quy định” vào luật để bảo đảm linh hoạt trong thực tiễn khi có tình huống phát sinh.