Nới room liệu có giúp thị trường vốn đỡ "khát"?

(ĐTTCO)-Động thái nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cho thấy chính sách linh hoạt, kịp thời để giải quyết vấn đề thanh khoản của nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp thêm nguồn vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm và đầu năm 2023.
Nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các TCTD theo hướng, các TCTD có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. (Ảnh minh họa)
Nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các TCTD theo hướng, các TCTD có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. (Ảnh minh họa)

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).

Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ…, các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Việc mở rộng tín dụng đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động, đảm bảo khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán.

Cùng với đó, Thống đốc cũng yêu cầu NHNN theo dõi sát diễn biến tình hình, có giải pháp hỗ trợ thanh khoản kịp thời qua các kênh, trường hợp cần thiết hỗ trợ với kỳ hạn dài hơn, kể cả kéo dài thời hạn qua Tết để các TCTD yên tâm hơn khi cấp tín dụng. Đây là những giải pháp linh hoạt trong tình hình hiện nay. Thời gian tới, NHNN sẽ bám sát những dự báo, tình hình, đặc biệt là diễn biến của lạm phát để xây dựng chỉ tiêu định hướng và các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng năm 2023.

Hỗ trợ thanh khoản của nền kinh tế

Theo các chuyên gia, động thái này cho thấy chính sách linh hoạt, kịp thời của NHNN để giải quyết vấn đề thanh khoản của nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp thêm nguồn vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm và đầu năm 2023.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, đánh giá: Việc nới chỉ tiêu tín dụng là một tin vui cho ngân hàng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc sử dụng chỉ tiêu mới trong mấy tuần cuối năm đặt ra nhiều vấn đề mang tính rủi ro hệ thống.

Cụ thể, TS. Nguyễn Trí Hiếu chỉ rõ: Liệu các ngân hàng sẽ phải huy động thêm vốn để cho vay, và do đó đẩy cả lãi suất huy động và cho vay lên cao; tỷ lệ thanh khoản dư nợ/huy động tại nhiều ngân hàng đã vượt mức qui định tối đa 85% và tiếp cận 100% làm tăng rủi ro mất thanh khoản khi nhiều khách hàng vì bất cứ lý do nào rút tiền trước hạn. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp đang kẹt vốn vay trung và dài hạn (từ 1 năm trở đi), nếu ngân hàng cho vay để đáp ứng nhu cầu này nhưng tiền gửi mới chủ yếu là ngắn hạn (dưới 12 tháng, tạo nên sự chênh lệch về kỳ hạn giữa cho vay và huy động quá lớn, làm tăng rủi ro thanh khoản.

“Thị trường tài chính của Việt Nam đang trong giai đoạn khủng hoảng, và mức độ rủi ro có thể lại được tăng thêm do việc sử dụng chỉ tiêu mới mà NHNN vừa ban hành”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm. 

Mặc dù room tín dụng được nới nhưng hệ thống ngân hàng đang gặp khó trong hoạt động cho vay do tăng trưởng huy động thời gian qua thấp, tới tháng 10/2022 mới đạt 4,8% so với mức tăng trưởng tín dụng 11,5%. Nhiều ngân hàng gần đây tăng mạnh lãi suất huy động, từ mức khoảng 5% lên ngưỡng 9-10%/năm.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, các ngân hàng cũng bị hạn chế cho vay trung và dài hạn do quy định của NHNN với tỷ lệ tối đa dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 34%, áp dụng từ ngày 1/10/2022. Các doanh nghiệp bất động sản và các công trình đầu tư dài hạn đang phải chịu tác động bởi quy định này. Đây là lý do khiến nhiều nhà băng phải đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn với lãi suất cao và có thể sẽ phải tăng lãi suất thêm.

Ngân hàng có "dễ thở" hơn?

Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN xây dựng các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ hợp lý theo tinh thần chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả. Bảo đảm thanh khoản, ổn định hệ thống ngân hàng một cách an toàn; tìm điểm cân bằng giữa tỉ giá và lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. 

Tăng hạn mức tín dụng hợp lý, hiệu quả cho các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả, bền vững, đúng pháp luật, đúng mục tiêu, tập trung tín dụng cho 3 đột phá chiến lược, 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.

Chuyên gia tài chính PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thông điệp của Thủ tướng đưa ra vào thời điểm này là rất cần thiết, khi thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Với nội dung không thắt chặt và cũng không nới lỏng chính sách tiền tệ, định hướng của Chính phủ sẽ vừa ngăn ngừa được bong bóng bất động sản, vừa kiểm soát chặt chẽ dòng vốn vào thị trường này. 

Ngoài ra, việc tạo điều kiện về tín dụng cho những doanh nghiệp uy tín, những dự án bất động sản có pháp lý chuẩn chỉ, đủ điều kiện sẽ giúp thị trường có sự thanh lọc rõ rệt, nguồn vốn sẽ chảy vào đúng địa chỉ, tránh tình trạng đầu cơ, gây loạn giá.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, việc NHNN nới room tín dụng lần này được coi là tín hiệu tốt, có thể phần nào "phá băng" cho lĩnh vực bất động sản. Trước hết, thời gian từ nay đến cuối năm chỉ còn chưa đầy 1 tháng và cũng là thời gian chạy nước rút của các doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân, họ cần tiền để thanh toán các khoản mua bán nguyên vật liệu, trả lương nhân công để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong dịp Noel và Tết.

Vì thế, việc NHNN nới room tín dụng đồng loạt sẽ góp phần tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tăng khả năng cho vay đối với các doanh nghiệp trong nền kinh tế, từ đó tạo cho các doanh nghiệp có cơ hội tích trữ hàng hóa cũng như đáp ứng yêu cầu về vốn trong giai đoạn từ nay đến cuối năm.

Trên thực tế, NHNN nới room sẽ giúp các ngân hàng thương mại dễ chịu hơn vì nhiều ngân hàng đã hết room tín dụng từ lâu. Và bây giờ khi nới room tín dụng đồng loạt như thế, có nghĩa là các ngân hàng đều có thể cho vay ra thêm một số nữa so với thời gian trước đây. Việc này tốt cho các ngân hàng và cũng có thể giữ được quan hệ với khách hàng cũng như có vốn để cho vay ra.

Đối với doanh nghiệp, rõ ràng việc có tiền để kinh doanh từ nay đến cuối năm là điều mà doanh nghiệp nào cũng muốn. Tất nhiên, ông Thịnh lưu ý, để được vay thì doanh nghiệp cũng phải đáp ứng được các điều kiện mà ngân hàng thương mại quy định từ trước đến nay.

Các tin khác