“Muốn ăn cơm trắng, cá trê
Muốn đội nón lá thì về làng Chuông”
Nằm bên dòng sông Đáy hiền hòa thuộc huyện Thanh Oai (Hà Nội), có một ngôi làng chuyên nghề làm nón - làng Chuông. Nón làng Chuông nổi tiếng từ cách đây vài thế kỷ. Xưa kia, nón Chuông là vật tiến cống cho hoàng hậu và công chúa, đồng thời cũng là thứ trang sức cho các bà, các chị, nhất là thiếu nữ.
Nón lá làng Chuông nổi tiếng dày, bền chắc và mũi khâu đều nhưng rất mềm mại. Đến nay, những nét đẹp đó vẫn còn được gìn giữ như một biểu tượng văn hóa đặc sắc của người Việt Nam nói chung và người dân làng Chuông nói riêng.
![]() |
Nón lá làng Chuông được tạo tác công phu. |
Vật liệu làm nón là loại lá cây có tên du quy diệp và bồ quy diệp mọc trong rừng sâu, núi cao được người dân mang về trồng ở vườn. Để làm ra một chiếc nón người thợ phải bỏ ra nhiều công sức và thời gian, bao gồm 15 khâu: hái, sấy, mở, ủi, chọn, xây độn vành, chằm, cắt lá; nức vành, cắt chỉ...
Bà Lưu Thị Thóc (77 tuổi) một thợ lão luyện trong làng đã giảng giải về sự công phu của nghề nón: Đầu tiên là chọn lá. Lá lụi (thường gọi là lá nón) lấy trong Quảng Bình, được đem về vò trong cát rồi phơi nắng cho đến khi màu xanh của lá chuyển sang trắng bạc, sau đó phơi lá trong sương đêm cho bớt độ giòn.
Mỗi nhành gồm nhiều lá được tõe ra, cắt bỏ phần cuối rồi đặt chiếc lá lên mặt chiếc lưỡi cày cũ đã được nung nóng, dùng một cục vải miết đi miết lại thật nhanh, sao cho lá phẳng như tờ giấy. Những chiếc lá phẳng được đưa lên khuôn.
Khuôn làm nón giống như kim tự tháp Ai Cập, có 6 cây sườn chính, khoảng cách đều nhau để gài lên khung, lần lượt từ trên xuống 16 chiếc vành nón (bằng tre, nứa, giang, vầu...) được vót tròn, không chắp, không gợn, vành cuối cùng gọi là vành cái, lớn gấp nhiều lần các vành trên để tạo độ cứng.
![]() |
Angelina Jolie mang nón lá cùng Brad Pitt thăm Côn Đảo. |
Bước tiếp theo là chằm. Đầu tiên xếp một lớp mo tre tạo độ bền nhưng vẫn mềm mại, có tác dụng chống mưa, nắng. Sau đó người thợ xếp từng chiếc lá bao lớp mo tre, lá nọ gối lên lá kia với một khoảng cách nhất định, phía trên chóp phải dùng cước khâu túm lại.
Lựa những lá đẹp để làm phần ngoài của nón. Dùng sợi dây gai buộc vào vành cứng, chằng phía ngoài giống như hình ngôi sao sau khi đã lợp xong 3 lớp lá cho khỏi tuột. Lúc này, người thợ có thể dùng cước để khâu. Khâu cũng là công đoạn đòi hỏi phải có tay nghề cao, bởi không khéo lá sẽ rách, không những không xuôi, phẳng mà còn dúm dó.
Bàn tay người thợ cầm kim đưa nhanh thoăn thoắt, mềm mại từng mũi khâu thẳng đều từ vòng trên xuống vòng dưới. Khi đã khâu hết 16 vòng thì tháo khỏi khuôn (ở khâu này cũng cần phải có nghệ thuật, nếu không vành nón có thể gãy, lá bị rách).
Theo đó, người thợ dùng kéo cắt tròn đều quanh nón phần lá thừa, chừa ra chừng 1-2mm rồi dùng cước nức cạp (như cạp rá, rổ). Chiếc nón hoàn chỉnh được hơ bằng hơi diêm làm cho màu nón trở nên trắng muốt, không mốc. Cuối cùng phết một lớp dầu bóng ngăn nước mưa thấm qua các lỗ kim vào bên trong...
Hiện nay, làng Chuông cung cấp cho thị trường khoảng 3 triệu chiếc nón mỗi năm. Không chỉ vậy, những năm gần đây nón làng Chuông đã theo các đoàn khách du lịch Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Công, lãnh thổ Đài Loan... ra nước ngoài.
Sẽ khó thấy hết được vẻ đẹp duyên dáng của những chiếc nón lá ẩn sau ngôi làng yên bình, dân dã ấy. Để rồi tại Hội nghị APEC lần thứ 14 (năm 2006) được tổ chức tại Việt Nam, hình ảnh chiếc nón khổng lồ bất ngờ xuất hiện đã khẳng định chiếc nón lá thân thương, bình dị của dân tộc sẽ không bao giờ phai nhạt nhờ bàn tay tài hoa và lòng nhiệt huyết của những con người làng Chuông.