Nông sản và cà-phê đón nhận lực mua tích cực

(ĐTTCO)-Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa đóng cửa ngày giao dịch ngày 21/2 với diễn biến giá phân hóa. Năng lượng là nhóm duy nhất chịu sức ép bán trong khi lực mua chiếm ưu thế đối với 3 nhóm mặt hàng còn lại.
Nông sản và cà-phê đón nhận lực mua tích cực

Chốt ngày, chỉ số MXV- Index tăng nhẹ 0,23% lên 2.378 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 3.200 tỷ đồng.

Giá cà-phê Arabica chạm mức cao nhất 4 tháng

Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/2, sắc xanh áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý, cà-phê Arabica ghi nhận phiên tăng thứ 3 liên tiếp với mức tăng mạnh 2,21% trước bối cảnh giá tăng vọt trên thị trường vật chất khi các nước cung ứng chính hạn chế bán hàng.

Theo Hiệp hội những nhà xuất khẩu cà-phê Brazil (Cecafe), trong 20 ngày đầu tháng 2 nước này chỉ đẩy ra thị trường 1,3 triệu bao Arabica, giảm mạnh 30,48% so mức 1,87 triệu bao của cùng kỳ tháng trước. Điều này làm gia tăng lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn, từ đó hỗ trợ giá tăng mạnh trong phiên hôm qua.

Nhờ hỗ trợ từ Arabica, Robusta tăng 0,76% khi kết thúc phiên hôm qua. Số liệu xuất khẩu trong 15 ngày đầu tháng 2 tại Việt Nam suy yếu gần 2% so cùng kỳ tháng trước đã hỗ trợ giá duy trì được sự khởi sắc. Tuy vậy, tồn kho Robusta trên Sở ICE London nối tiếp đà tăng lên mức 63.540 tấn, đã phần nào gây sức ép khiến mức tăng bị điều chỉnh nhẹ lại.

Dầu cọ quay đầu suy yếu trong phiên hôm qua với giảm 0,62%. Với việc giá liên tục tăng trong 3 phiên trước đó, động lực tăng đến từ tình hình xuất khẩu tích cực của Malaysia trong tháng 2 đã yếu dần và áp lực bán chốt lời của các nhà đầu tư chiếm ưu thế hơn trong phiên hôm nay và giá dầu cọ đóng cửa với mức giảm 0,62%. Công ty khảo sát hàng hóa Societe Generale de Surveillance (SGS) ước tính, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ trong 20 ngày đầu tháng 2 của Malaysia đạt 712.740 tấn, tăng 8,8% so mức 653.888 tấn cùng kỳ tháng trước.

Nhóm đậu tương đồng loạt tăng giá

Quay trở lại giao dịch sau phiên nghỉ lễ, lực mua hoàn toàn áp đảo trên thị trường đậu tương. Giá bật tăng mạnh ngay khi mở cửa và đà tăng vẫn tiếp tục được duy trì trong phiên tối khiến giá đậu tương ghi nhận mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 6 năm ngoái. Trong bối cảnh thị trường không xuất hiện thêm yếu tố cơ bản mới, những số liệu cập nhật về tình trạng kém khả quan của mùa vụ ở Nam Mỹ đã khiến giá quay trở lại đà tăng sau tuần điều chỉnh trước đó.

MXV dẫn tin từ công ty tư vấn kinh doanh nông nghiệp AgRural cho biết, tiến độ thu hoạch đậu tương niên vụ 22/23 tại Brazil đạt 25% kế hoạch tính tới thứ 5 tuần trước, đánh dấu mức tăng 8% so 1 tuần trước đó. Tuy vậy, tiến độ năm nay vẫn chậm hơn so mức 33% cùng kỳ năm trước.

Theo MXV, mưa liên tục ở các bang Parana và Mato Grosso do Sul khiến hoạt động sản xuất bị trì hoãn và gây ra một số lo ngại về chất lượng mùa vụ. Theo đó, dự báo sản lượng đậu tương năm nay của Brazil hạ xuống còn 150,9 triệu tấn, từ mức 152,9 triệu tấn ước tính trước đó. Nguy cơ sản lượng đậu tương của Brazil tiếp tục bị thiệt hại trong thời gian thu hoạch tới đã thúc đẩy giá bật tăng mạnh. Bên cạnh đó, dự báo thời tiết khô hạn vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở Argentina trong tuần này, khiến cho những kỳ vọng của thị trường về khả năng cây trồng cải thiện gần như bị xóa bỏ và cũng góp phần hỗ trợ giá đậu tương.

Ngoài ra, báo cáo của Bộ Nông nghiệp cho thấy, Mỹ đã xuất khẩu hơn 1,5 triệu tấn đậu tương tính đến hết tuần trước và với tốc độ này, dự kiến khối lượng đậu tương xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm có thể đạt mức kỷ lục 14 triệu tấn. Nhu cầu đối với nguồn cung từ Mỹ gia tăng đã thúc đẩy đà tăng của giá đậu tương CBOT.

Tương tự như đậu tương, giá khô đậu cũng bật tăng mạnh khi mở cửa nhưng thị trường diễn biến rung lắc hơn. Tuy nhiên, triển vọng nguồn cung thắt chặt ở 2 quốc gia ép dầu lớn tại Nam Mỹ vẫn là yếu tố cơ bản đủ mạnh để giúp giá khô đậu vẫn đóng cửa phiên với mức tăng hơn 1% và giá dầu đậu quay trở lại mức cao nhất trong 1 tháng vừa qua.

Giá nguyên liệu đầu vào tăng trong khi giá thịt heo thành phẩm đi ngang trên toàn quốc

Trên thị trường nội địa, theo sát diễn biến giá thế giới, ghi nhận trong sáng nay, giá chào bán nông sản nhập khẩu, nguyên liệu đầu vào chính của ngành thức ăn chăn nuôi tăng nhẹ đối với các kỳ hạn giao hàng từ tháng 2 đến tháng 7 năm nay. Tại cảng Vũng Tàu, giá đậu tương Mỹ được chào bán trong khoảng 15.550 đồng/kg đối với kỳ hạn giao tháng 3 và khoảng 8.500 đồng/kg đối với ngô cùng kỳ hạn. Còn tại cảng Cái Lân, giá chào bán nhỉnh hơn một chút so với cảng Vũng Tàu, giá chào đậu tương ở khoảng 15.600-15.650 đồng/kg và 8.600 đồng/kg đối với giá ngô.

Trong khi đó, giá heo hơi thành phẩm đồng loạt chững lại trên diện rộng. Ghi nhận trên toàn quốc, giá heo hơi sáng nay dao động trong khoảng 48.000-53.000 đồng/kg.

Các tin khác