Hơn 49% trái phiếu DN bất động sản
Lãnh đạo Vụ Tài chính ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian qua, số lượng và loại hình DN tham gia phát hành TPDN ngày càng đa dạng, bao gồm khối sản xuất, dịch vụ và xây dựng.
Trong đó, nhóm DN bất động sản huy động lượng vốn lớn nhất trên thị trường trái phiếu trong 4 tháng đầu năm 2020, chiếm tới 49,1% trong tổng số 58.000 tỷ đồng TPDN được phát hành (tăng mạnh so với mức khoảng 16% của cùng kỳ năm trước).
Không chỉ dư nợ trái phiếu cao mà lãi suất huy động bình quân của các DN bất động sản cũng ở mức cao, đạt trên 11%/năm, so với mức bình quân chung toàn thị trường là 9,63%/năm. Có những DN được ghi nhận dư nợ trái phiếu phát hành cao hơn từ 30 - 47 lần vốn tự có.
Trong khi đó, năm 2019, hoạt động TPDN bất động sản đạt 106.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 38%. Trong đó, 84,2% DN phát hành trái phiếu có tổng giá trị dưới 3 lần vốn chủ sở hữu, lãi suất bình quân 10,3% nên có thể đảm bảo được yếu tố an toàn và hợp lý.
“Hiện chúng tôi rất khó vay vốn tín dụng vì ngân hàng đang siết cho vay lĩnh vực bất động sản. Do đó, DN buộc phải tìm cách huy động vốn từ các nguồn khác để đáp ứng nhu cầu kinh doanh”- vị này cho hay.
Báo cáo mới đây của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng cho biết, lượng trái phiếu DN phát hành thành công trong tháng 4-2020 đạt hơn 30.120 tỷ đồng. Trong khi đó, cả quý 1-2020 là hơn 47.000 tỷ đồng. Đặc biệt với các DN bất động sản, trái phiếu DN là kênh huy động vốn hiệu quả khi ngân hàng kiểm soát chặt tín dụng.
Thực tế cho thấy, trong tháng 4-2020, DN bất động sản có lượng phát hành TPDN lớn, với hơn 9.650 tỷ đồng, lũy kế 4 tháng đầu năm dòng vốn huy động qua kênh trái phiếu của nhóm này đạt trên 29.200 tỷ đồng.
Nhà đầu tư cá nhân tăng
Khảo sát từ Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam cho biết, mặc dù nhóm nhà đầu tư có tổ chức vẫn là nhóm đầu tư chính trên thị trường TPDN, chiếm gần 74%, nhưng có sự gia tăng mạnh của nhóm nhà đầu tư cá nhân.
Cụ thể, năm 2019, nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường sơ cấp (thị trường phát hành) chiếm khoảng 8,8% tổng khối lượng phát hành, nhưng trong 4 tháng đầu năm 2020, con số này đã tăng lên gần 30%.
Mặc dù không mời chào liên tục như thời gian trước, nhưng nếu hỏi bất cứ công ty chứng khoán nào, nhân viên cũng sẵn sàng chào bán cho nhà đầu tư cá nhân TPDN bất động sản. Lý do, lãi suất TPDN bất động sản thường cao nhất, chênh lệch khoảng 3-4%/năm, so với gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng.
Cụ thể, Công ty Chứng khoán BV đang phát hành trái phiếu Công ty Bất động sản H.Đ với lợi suất đầu tư 1-3 tháng là 8,5%/năm, 4-6 tháng là 9%năm, 7-12 tháng là 9,5% và trên 12 tháng là 10,5%/năm.
Công ty Chứng khoán TV cũng rao bán trái phiếu Công ty S.G - công ty thuộc 100% vốn sở hữu của một tập đoàn - với lãi suất lần lượt 3, 6 và 12 tháng là 8,8%, 9,2% và 9,8%…
Chị M. môi giới Công ty Chứng khoán TV cho hay, hiện khá nhiều nhà đầu tư đầu tư vào kênh TPDN, vì đây là kênh đầu tư hưởng lãi suất cố định hiệu quả nhất với lãi suất lên đến 11%/năm, cao hơn ngân hàng.
Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành TPDN vừa được Bộ Tài chính hoàn tất và đang trình Chính phủ đã đề xuất lãi suất phát hành TPDN không được vượt quá 20%/năm. Căn cứ để đưa ra đề xuất này là đối với lãi suất vay vốn, Luật Dân sự năm 2015 quy định, mức lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm. Theo Bộ Tài chính, khi áp dụng cơ chế mới này sẽ hạn chế DN phát hành với lãi suất quá cao, tránh tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường. |
Nhân viên một NHTM có rất nhiều sản phẩm TPDN cho biết, đa số nhà đầu tư cá nhân chọn mua trái phiếu DN chủ yếu do mặt bằng lãi suất hấp dẫn hơn, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng dịch Covid-19. Các NHTM đang giảm lãi suất đầu vào để có điều kiện giảm lãi suất cho vay theo chủ trương của Chính phủ và NHNN nhằm hỗ trợ DN vượt qua dịch bệnh.
Nhận định về thị trường TPDN hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, việc phát triển thị trường TPDN đã giúp DN, đặc biệt là DN bất động sản tiếp cận kênh huy động vốn thời gian qua, thay thế kênh vay tín dụng của ngân hàng trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng bất động sản. Tuy nhiên, với sự gia tăng của các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, thì rủi ro tiềm ẩn không chỉ đến với chính các nhà đầu tư mà cho cả cho thị trường.
Cảnh báo rủi ro
Chị A. cho biết, trong tháng 2-2020, theo lời mời của nhân viên ngân hàng T. chị đã mua TPDN của một DN mà không được tiết lộ tên, với lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi khoảng 4 điểm % lúc bấy giờ; lãi suất được trả định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/lần, giúp khách hàng có dòng tiền đều đặn và có thể sinh lời kép trên số tiền lãi định kỳ nhận được. Có thể chọn thêm các gói thanh khoản kỳ hạn hoặc sử dụng dịch vụ kết nối trực tuyến để bán lại dễ dàng, mà vẫn duy trì lợi suất đầu tư tốt.
Ngoài ra, TPDN này còn có thể được cầm cố để vay tại ngân hàng T. trong trường hợp cần tiền nhưng chưa muốn bán TPDN. Tuy nhiên, sau khi mua, do cần tiền nên chị nhờ nhân viên rao bán lại, nhưng rao hoài không bán được, việc cầm cố cũng không dễ dàng. Phải mất hơn gần 4 tháng, chị A. mới “đẩy” được gói TPDN mua với giá 200 triệu đồng và phải chịu lỗ gần 10 triệu đồng, vì phải hạ giá xuống mới có người mua.
Một chuyên gia trong ngành cho biết, kênh đầu tư này khác với tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng và chỉ phù hợp với nhà đầu tư chuyên nghiệp, có khả năng phân tích và đánh giá rủi ro. Chính vì thế, Luật Chứng khoán năm 2019 có hiệu lực thi hành từ 1-1-2021, cũng đã quy định rõ, TPDN riêng lẻ chỉ phát hành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Nhà đầu tư không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao.
Với việc nhà đầu tư cá nhân có xu hướng tăng mua TPDN, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản khuyến nghị việc đầu tư cần được cân nhắc kỹ và thận trọng. Cơ quan này cũng khuyến nghị nhà đầu tư cần phân biệt rõ phương thức phát hành trái phiếu ra công chúng và trái phiếu riêng lẻ. TPDN phát hành ra công chúng phải tuân thủ nguyên tắc công bố thông tin, làm thủ tục đăng ký chào bán và phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận.
Trong khi đó, để phát hành trái phiếu DN riêng lẻ, DN chỉ cần đáp ứng điều kiện phát hành, công bố thông tin trực tiếp cho bên mua và cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Bộ Tài chính cũng cảnh báo, nhà đầu tư phải hết sức thận trọng với cam kết mua lại của tổ chức bảo lãnh, phân phối trái phiếu (ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán…) do có rủi ro là các tổ chức này có thể không thực hiện được cam kết mua lại, vì phải đáp ứng các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định của pháp luật, hoặc không mua lại được do có khó khăn về tài chính.
Khả năng trả nợ của DN phụ thuộc rất lớn vào tình hình tài chính và kết quả kinh doanh. Nếu không hiểu rõ bản chất, người mua TPDN dễ nhầm lẫn sản phẩm này là một khoản đầu tư an toàn, vì cam kết trả lãi của người đi vay. Với một nhà đầu tư cá nhân điển hình, việc dành thời gian nghiên cứu các doanh nghiệp đi vay khá khó khăn và không khả thi, vì thiếu thông tin đánh giá. Hiện nay, thị trường vẫn chưa có các tổ chức định mức tín nhiệm giúp nhà đầu tư có cơ sở đánh giá chất lượng trái phiếu. Vì vậy, nhà đầu tư cá nhân nên chọn tổ chức trung gian uy tín, đóng vai trò bộ lọc rủi ro cho mình. CÔNG TY CP CHỨNG KHOÁN VNDIRECT |