1. Mỗi vụ lúa nhà mình kiếm được bao nhiêu chị Ba? “Cứ 1 công được 700kg lúa, 180 công 126 tấn; với giá lúa khô hiện nay (7.800 đồng/kg) bả thu về khoảng 940 triệu đồng. Trừ 450 triệu chi phí cũng bỏ túi tròm trèm 500 triệu. Bà Ba làm 2 vụ nên mỗi năm kiếm được cả tỷ bạc?” - Phó Chủ tịch UBND xã Long Phú (huyện Long Phú, Sóc Trăng) Kim Chí Thiện tính xong quay sang hỏi.
![]() |
Bà Ba Cương cùng con rể bên chiếc xe du lịch đời mới. Ảnh: V.T.N |
Ngồi trên salon, bà Ba Cương nheo mắt, cười xòa. Mọi năm ruộng bà Cương trồng hai loại lúa chất lượng cao là OM 6976 (dẻo) và OM 4900 (thơm nhẹ) nhưng năm nay bà chỉ làm OM 6976 do năng xuất cao. Đầu ra cho hạt lúa của bà cũng nhẹ nhàng, “cần bán chỉ nhấc điện thoại là biết giá.
Lái mua lúa ở khắp đồng bằng, toàn chỗ thân quen không à”. Bà Ba Cương “thị trường” lắm, đầu vụ tới giờ chỉ bán ra 40 tấn, còn lại sấy khô dồn kho trữ lại, khi nào giá lên tính tiếp.
Có điều kiện sao chị không mua máy gặt, “khép kín” luôn quy trình? Bà Cương giãy nảy: Cái máy cả mấy trăm triệu mà mỗi vụ chỉ làm khoảng 10 ngày thì không kinh tế.
Mang máy đi xa lại chịu nhiều phụ phí, chi bằng gởi ngân hàng chắc ăn hơn. Làm lúa vụ 3 ở đây không sợ lũ chỉ sợ nước mặn. Năm nay nước lớn tràn đẩy được xâm nhập mặn nên có thể làm được...
Đã 60 tuổi nhưng bà Cao Thi Cương, gốc Khmer ở ấp Nước Mặn vẫn nhanh nhẹn, làm ăn lẹ làng, hiệu quả. Đã hàng chục năm chân trần bám ruộng làm lúa bà Ba Cương “không rớt năm nào, chỉ thắng ít hay nhiều tùy giá lên hay xuống mà thôi”.
Cũng nhờ làm lúa và biết tích cóp mà nhà cửa khang trang, 6 người 5 xe gắn máy, và là hộ đầu tiên trong xã sắm xe hơi riêng (xe du lịch đời mới trị giá 37.000USD). “Phải biết cách làm để thắng, phải biết chỗ ngặt để qua” là bí quyết của bà.
2. Hành trình từ 17 công đất (năm 1990) trở thành chủ của 180 công là một quá trình gian nan. “Muốn mở rộng làm ăn phải có cái nền. Nền muốn chắc phải dựa vào chính mình, cái nghề mình am hiểù” - bà Ba Cương chia sẻ. Bà bám vào cái nghề trồng lúa, cái nghề bà đã sống và lăn lộn với nó từ nhỏ.
Giống nào hợp với vùng đất gần biển, năng suất cao; giống nào ngắn ngày, thơm, hợp xuất khẩu... bà nắm rất rõ. Ban đầu chỉ trồng một vụ mùa trong năm, sau mày mò nâng lên 2-3 vụ lúa ngắn ngày. Thắng năm này bà lại cắc củm tích cóp dành ra một ít.
Khi phong trào trả đất gốc, phân hộ A hộ B nhiều gia đình không thường làm ruộng hoặc không muốn làm, đất ít công nhiều... nên cầm cố, bán đất chuyển nghề khác, bà lấy “của để dành” ra mua lại. Cứ tỷ mẩn, cặm cụi cho đến năm 1994 trong tay bà đã có 80 công đất.
Con gái lấy chồng, ra riêng, bà cho cặp vợ chồng trẻ đứng tên gần nửa số đất hiện có... Đã thành tỷ phú nhưng cái tính điềm đạm, bình dị lại hay chăm lo, “bao đồng” chuyện xã hội nên bà được mọi người thương mến.
“Ai cũng thấy bà Ba Cương tính chuyện mần ăn lớn. Nhà có đủ máy sới, máy cắt, lò sấy, kho trữ... Chủ động từ khâu chọn giống, gieo mạ, để phân cho đến xuồng ghe, xe vận chuyển... Ở vùng sâu này cũng có nhiều nông dân “ăn nên làm ra” nhưng phụ nữ như bà chưa thấy” - Phó Chủ tịch xã Kim Chí Thiện khẳng định.