Nước giếng Nghè, chè đồi Ninh

Người xưa đã đúc kết: Danh sơn xuất danh tự, danh tự hữu danh trà (núi nổi tiếng có chùa nổi tiếng, chùa nổi tiếng có trà nổi tiếng). Cũng phải thôi, dựng chùa nơi núi cao hoang vắng bớt được bụi trần. Uống trà giúp tăng cường sinh lực, sảng khoái tinh thần, tỉnh táo để giúp sức cho việc tu tập. Mà giống trà thì càng nơi núi cao mây phủ càng tươi tốt, thơm ngon.

Người xưa đã đúc kết: Danh sơn xuất danh tự, danh tự hữu danh trà (núi nổi tiếng có chùa nổi tiếng, chùa nổi tiếng có trà nổi tiếng). Cũng phải thôi, dựng chùa nơi núi cao hoang vắng bớt được bụi trần. Uống trà giúp tăng cường sinh lực, sảng khoái tinh thần, tỉnh táo để giúp sức cho việc tu tập. Mà giống trà thì càng nơi núi cao mây phủ càng tươi tốt, thơm ngon.

Cách trung tâm thành phố Hà Nội 20km về phía Tây Nam, đồi Ninh (hay còn gọi là núi Phượng Hoàng) thuộc địa phận thôn Ninh Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, là một nơi như thế. Lần đầu mỏi gối leo lên đến chùa Linh Thông ngàn tuổi nằm trên đỉnh đồi Ninh, 2 tay chắp trước ngực còn lóng ngóng, miệng còn lấp vấp câu chào A di đà Phật, tôi được vị sư trụ trì mời tẩy trần bằng chén nước trà xanh.

“Nước giếng Nghè, chè đồi Ninh đấy, anh uống xem có hợp. Không say là ở được chùa” - Đại đức Thích Minh Xuân dí dỏm khi trao cho tôi chén trà ở bàn nước bên sân chùa lanh canh tiếng chuông gió. Miệng đã nhấp bao loại trà, hết Tân Cương (Thái Nguyên), shan tuyết (Hà Giang) nước Việt đến Long Tỉnh, thiên trụ, thiết Quan Âm, Vũ Di, Mông Đỉnh… bên Trung Quốc, ấy thế mà vẫn ngỡ ngàng trước chén trà tươi nơi ngôi cổ tự heo hút trên đỉnh đồi này.

Quặn ruột, lâng lâng. Đúng là say thật, say cái thứ nước đặc cắm tăm và óng ánh như mật ong ấy. Thầy cười giòn tan vì phép thử với một đệ tử mới rồi nhân từ bảo: “Tu tập cũng giống như uống nước trà đồi Ninh ấy. Nếu quyết tâm anh sẽ quen, bằng không chỉ một ngày là chán ốm”.

Một ngày, hai ngày, rồi gã nhâng nháo là tôi cũng quen dần câu kinh tiếng kệ, với cuộc sống đạm bạc của chốn già lam nơi đỉnh một quả đồi đất đá ong ngát xanh những nương trà cổ thụ. Chiều chiều, mỗi lúc đi học, đi làm về, tôi còn có thú vui xuống giếng Nghè dưới làng múc đầy một can 20 lít nước giếng mát trong xách lên chùa, đổ vào chum để bà vãi đun nước hãm trà tươi hái ở vườn chùa.

Chùa ở tít trên đỉnh đồi, giếng ở mãi dưới làng, cách có chừng dăm trăm mét nhưng đường đất đồi mòn vẹt, dốc lại cao. Hôm nắng, để mang được can nước lên chùa, tôi cũng mất 30 phút, ngày mưa phải ngót một giờ. Mùa mưa phùn gió bấc, đường trơn như mỡ, tôi phải tay xách can, tay cầm túi trấu, bốc nắm trấu rắc xuống mặt đường đất đồi đỏ quạch, nhão nhẹt rồi đặt chân xuống mới không bị truội đi như trượt ván.

Giếng Nghè là rốn rồng nên chưa bao giờ cạn nước. Cây trà phủ bóng xanh mướt khắp đồi Ninh. 

Giếng Nghè là rốn rồng nên chưa bao giờ cạn nước. Cây trà phủ bóng xanh mướt khắp đồi Ninh.  

Trong một lần nắng xuống chiều lên, 2 thầy trò đi dạo quanh đồi dõi mắt xuống làng xem cảnh sinh hoạt của dương gian như vẫn ngạo, thầy bảo, giếng Nghè là rốn rồng nên chưa bao giờ cạn nước, chả khi nào hết trong mát, dù có năm hạn hán, cả vùng đất đá ong này khô rang.

Rồi thầy cười bảo: “Anh về ở chùa mà rèn được cái thói quen mỗi chiều xuống làng lấy nước giếng Nghè lên hãm trà đồi Ninh là đã công phu được một bậc rồi đấy”. Cả 2 cùng thả điệu cười lan trong gió hòa lẫn tiếng chuông chùa.

Thứ nước giếng thiền thanh đạm này cũng làm chứng cho một cuộc gặp gỡ đặc biệt của cha con tôi. Chả là, nghe bạn bè nói rằng tôi đã dọn lên ở chùa, cha lặn lội dăm chục cây số từ nhà lên xem hư thực thế nào. Chiều ấy, thầy đi vắng, bà vãi xuống làng, 2 cha con đối ẩm bên ấm trà xanh trong cảnh chùa thênh thang gió lộng, thoang thoảng hương trầm.

Giữa những câu chuyện thế thái nhân tình, gia tộc, học hành, công việc là những câu cha dò ý xem tôi có định xuống tóc quy y như lời đồn đại. Đến tận bây giờ, cha vẫn nhắc, lúc cao giọng nói câu: “Chùa chiền hay thì hay thật nhưng chỉ hợp với những ai muốn lánh đời. Mình trai trẻ, được cha mẹ cho ăn học đàng hoàng thì không được nghĩ đến cảnh trốn trong câu kinh tiếng kệ con ạ!”, mà chỉ nhận được có mấy từ ngắn ngủn: “Dạ, bố cứ yên tâm!”, ông lúng trí lắm mà chẳng biết khu xử thế nào. Cũng may lúc ấy tôi đùa: “Con chỉ đi kiểm chứng câu nước giếng Nghè, chè đồi Ninh thôi mà”. 

Giờ thì nhà nho thanh bạch ấy đã mừng vì anh con trai cả của mình không mài dao cắt tóc cạo đầu đi tu. Con đường từ chùa xuống làng đã được phật tử mười phương và dân làng Ninh Sơn góp công góp của phủ bê tông nên mỗi lần về chùa tôi không còn phải chịu cảnh tay xách can tay cầm túi trấu xuống làng lấy nước giếng Nghè nữa.

Ông Nguyễn Văn Tùng, kỹ sư địa chất, nguyên cán bộ của Liên đoàn Bản đồ địa chất, Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam, cho rằng có thể chùa Linh Thông tọa lạc ngay trên miệng núi lửa phun trào khoảng 250 triệu năm trước, vì thế vùng đất bán sơn địa này thích hợp với cây trà nên mấy trăm ha diện tích đồi Ninh đều xanh bóng trà.

Theo các cụ cao tuổi trong làng Ninh Sơn, bà con lấy giống trà từ thị trấn Xuân Mai cùng huyện về trồng xen sắn, sả, mít, nhãn, các loại rau củ quả trên đất này từ dễ đến dăm chục năm nay. Bà Hoàng Thị Hiền, 58 tuổi, trồng 4 sào trà. Ngày hai buổi sáng, chiều bà lên núi hái trà tươi về bán ở các chợ quanh vùng như chợ Chúc Sơn, Phượng (cách dăm ba cây số), Cống (cách hơn chục cây số). Bà cho biết: “Trà trồng ở đây ít phải tưới nước, bón phân mà hái được quanh năm.

Dân làng chỉ hái lá, không hái búp để dưỡng cây, làng cũng không có ai sao trà khô. Ngày thường trà có giá 6.000-15.000 đồng/kg, dịp tết mới bán được 20.000 đồng/kg. Tháng 8 âm lịch, bà con lấy hạt trà, cuốc đất, thả hạt xuống rồi vun đất ấp lại, có mưa, hạt nứt là nảy mầm, lên lộc. Khoảng 1 năm là hái được lá”.

Theo ông Nguyễn Như Thắng, trưởng thôn Ninh Sơn, tuy giá trị kinh tế không cao nhưng mấy chục năm nay dân làng vẫn trồng và nhân giống trà để giữ một sản vật quê hương. Cùng với danh sơn Phượng Hoàng, danh tự Linh Thông, nước giếng Nghè, chè đồi Ninh cũng trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo.

Các tin khác