Thấy tôi có ý định mua một cặp thỏ về nuôi chơi, Khoa - chuyên săn lùng các loại vật nuôi hiếm, độc - cản: "Nuôi chó, mèo, thỏ quá thường. Bây giờ chơi bò sát mới gọi là “pet” (thú cưng) vì "độc và lạ"". Như để chứng minh, Khoa kéo tôi đi tham gia các buổi giao lưu của những người chuyên chơi “pet” ở TPHCM. Những tưởng thú chơi lạ và mới ít người tham gia, nào ngờ số người đam mê các loài sinh vật này không ít….
Thạch sùng cũng làm pet
Một số loài bò sát đang trở thành thú cưng của người dân đô thị. |
Rất thản nhiên với con kỳ nhông gốc Nam Mỹ (còn gọi là Iguana) trên vai, Hùng - người chơi bò sát ở quận 10, TPHCM, cho biết khi thấy tôi lạ lẫm: “Chỉ đơn giản là thích nuôi một con vật lạ, rồi thấy con kỳ nhông cũng đáng yêu, vậy là em quyết định chơi. Trông nó xù xì gai góc vậy nhưng hiền lắm”.
Nói xong, Hùng nhẹ nhàng nhấc nó khỏi vai và đặt vào tay tôi. Nó nằm yên không động đậy có vẻ ngoan hiền nhưng tôi vẫn có cảm giác mát lạnh đến rờn rợn.
Chơi bò sát thực sự không phải là thú chơi lạ hay mới. Từ lâu nay, người chơi trăn hay rắn đã quá phổ biến và chuyện họ coi chúng như vật nuôi trong nhà là bình thường. Tôi đã nghĩ như vậy trước khi gặp hội những người chơi pet lạ ở TPHCM.
Thế nhưng, trong giới chơi bò sát, họ không chỉ nuôi rắn hay trăn, mà tất cả những loài thuộc lớp bò sát đều được những người “hâm mộ” kiếm về nuôi làm... bạn: kỳ đà, kỳ nhông, kỳ tôm (rồng đất - loài bò sát giống như kỳ nhông, nhưng to hơn, người dân đảo Phú Quốc thường bắt làm đặc sản đãi khách), tắc kè…, thậm chí những con vật không ai nghĩ đến như thạch sùng cũng được các tay chơi nuôi nấng, chăm sóc tỉ mỉ.
Đa số bò sát đều là những con thoạt trông đã thấy ghê ghê, vậy nên số người chơi loại này hầu hết đều là nam giới và cũng phải có sự đầu tư cơ bản cả về tài chính, công sức lẫn thời gian cho nó.
"Thoạt nhìn, chơi bò sát có vẻ không sang, lại toàn những con vật có hình dáng không dễ gần, nhưng những người chơi loại này hầu hết đều là dân nhà giàu cả đấy!" - Khoa ghé tai tôi giảng giải.
Những người chơi bò sát có khi không ngần ngại chi cả ngàn USD chỉ để có được một con trăn hay con Tegu (thằn lằn Nam Mỹ) theo ý muốn, phổ biến là đặt hàng tận nước ngoài. Nói vậy không có nghĩa chỉ người có tiền mới chơi được bò sát.
Cũng có những loài chỉ cần từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng người chơi đã có thể sở hữu chúng. Đa phần những loại bò sát giá rẻ, dễ chơi đều là giống trong nước, có thể tìm được ở trên núi hoặc trong rừng. Ví như thằn lằn ở núi Bà Đen - Tây Ninh hay kỳ tôm, kỳ đà vân. Lạ lùng nhất vẫn là những con thạch sùng núi (to gấp đôi thạch sùng nhà) cũng được nuôi như một loài thú cưng.
Ở TPHCM hiện nay, do nhu cầu nuôi, chăm sóc… gia tăng, nên nhiều nơi người chơi đã tập họp lại thành hội, câu lạc bộ để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về pet và mua bán, trao đổi chúng.
Tuấn, thành viên của một hội chơi bò sát tại quận Gò Vấp, đem đến tụ điểm của người chơi mấy loài, nhưng ai cũng tò mò về những con thạch sùng của anh.
Tuấn bảo, nếu chăm sóc, cư xử với chúng như chó hay mèo, chúng cũng được thuần phần nào và quen chơi với chủ. Sau mỗi ngày làm lụng đầy áp lực, về nhà chơi với chúng như có thêm những người bạn. Có nuôi pet mới biết chúng thú vị không kém bất cứ loài vật nào.
Thú chơi của lòng đam mê
Những người chơi bò sát, nhất là loại lạ, độc đáo, hiếm có khó tìm… toàn là dân chịu chơi, phải thực sự đam mê, yêu thích và có điều kiện về kinh tế mới dám gắn bó với thú chơi này. Nuôi bò sát, đặc biệt là những loài được nhập ngoại, phải tạo điều kiện môi trường phù hợp cho nó phát triển, vì vậy muốn nuôi bò sát thành công người chơi phải không ngần ngại đầu tư cả chi phí cho phụ kiện như lồng, chuồng, ánh sáng, môi trường phù hợp...
"Có khi phụ kiện còn mắc gấp đôi, ba lần số tiền dùng để mua một con bò sát. Tuy nhiên, đã mê thì phải chấp nhận theo đến cùng. Nếu không bạn bè cười cho vì không kiên nhẫn hay nghi ngờ mình kinh tế yếu kém" - Thắng, chủ nhân của một con tegu, chia sẻ.
Có phụ kiện rồi, việc cần nữa của người chơi bò sát là phải am hiểu về loài mình nuôi để có thể biết được chúng thích nghi với loại ánh sáng nào, độ ẩm ra sao, thức ăn loại gì, chế độ vệ sinh... Ngay cả những loài như thạch sùng, khi nuôi người chơi phải vệ sinh lồng thường xuyên và cẩn thận. Nếu chăm sóc không khéo, chú pet tính ra cả chục triệu đồng sẽ chết.
Ngoài những con vật xù xì kể trên thì người yêu bò sát còn chơi cả rùa sao Ấn Độ (Indian Star Tortoise) hay rùa Leopard Tortoise, rùa Sulcata Tortoise với màu sắc rất xinh xắn và đáng yêu. Những loài này hợp với người chơi là nữ giới và cách chăm sóc chúng cũng cầu kỳ, tỉ mỉ không khác gì thằn lằn hay kỳ đà.
Chơi bò sát chỉ đạt được mục đích thỏa mãn về sở thích, còn lợi ích kinh tế thì hoàn toàn không. "Chẳng mấy ai chơi bò sát mà kiếm được tiền từ nó đâu. Kiếm tiền được trong lĩnh vực này không ai khác ngoài dân buôn bán pet và phụ kiện" - Hải, người chuyên bán thú lạ cho biết.
Hải giảng giải: Một con kỳ nhông (iguana) hay bearded dragon (rồng Autralia) mua vào có giá thấp nhất là 1 triệu đồng, tegu khoảng 8 triệu đồng, sau một thời gian nuôi và bán ra, có thể giá sẽ cao hơn nhưng tính ra lại không có lãi, thậm chí lỗ. Bởi nuôi và thuần dưỡng loài này đòi hỏi nhiều thời gian, công sức.
Đó là chưa kể đến thức ăn, các loại thực phẩm đặc biệt dành cho bò sát để nó phát triển bình thường. Không giống như một số vật nuôi khác, khi con vật càng được chăm sóc kỹ, được huấn luyện các kỹ năng thì càng có giá, nhưng riêng đối với bò sát, đó là điều không thể.
Bởi vì một số loài bò sát như iguana chỉ gắn bó với người nuôi nó, nếu sang đến tay người khác nó có thể thay đổi tính nết, rất khó bán hoặc nếu bán được giá cũng không cao. Đó là chưa kể phần chi phí tốn kém để nuôi nó, mà không thu lại được.
Hùng chỉ vào con kỳ nhông của mình và giảng giải: Mặc dù tốn nhiều công sức, tiền bạc cho thú chơi này nhưng những người đam mê bò sát lại luôn cảm thấy vui vì sở thích của họ. Niềm vui nuôi pet lắm khi chỉ là phát hiện được chu kỳ lột xác của từng loài, sau mỗi lần lột xác chúng dài ra và màu đẹp hơn 1 chút.
Những điều vui hơn nữa là mình có thể huấn luyện được cho những con vật này biết tạo dáng khi nằm, gọi tên biết nghe, tạo được thiện cảm với người xung quanh, cho họ thấy bò sát thực sự không đáng sợ như vẻ ngoài của nó và hoàn toàn có thể trở thành thú cưng.