Ông chủ “bụi” & cơ ngơi tỷ đô

Áo thun cộc tay cổ tròn, quần jean, giày bảo hộ lao động, lúc nào cũng tất bật, “hầm hố”, “ngầu" và “bụi”… là hình ảnh thường thấy của Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc - Hóa dầu Bình Sơn Nguyễn Hoài Giang (ảnh). Chiếc điện thoại của người đứng đầu công trình Nhà máy lọc dầu Dung Quất trị giá 3 tỷ USD đang xài cũng thuộc “đời cô Lựu”, chiếc xe Toyota Land Cruiser anh đi đã có tuổi trên 10 năm, qua 8 đời tổng giám đốc.…

Áo thun cộc tay cổ tròn, quần jean, giày bảo hộ lao động, lúc nào cũng tất bật, “hầm hố”, “ngầu" và “bụi”… là hình ảnh thường thấy của Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc - Hóa dầu Bình Sơn Nguyễn Hoài Giang (ảnh). Chiếc điện thoại của người đứng đầu công trình Nhà máy lọc dầu Dung Quất trị giá 3 tỷ USD đang xài cũng thuộc “đời cô Lựu”, chiếc xe Toyota Land Cruiser anh đi đã có tuổi trên 10 năm, qua 8 đời tổng giám đốc.… 

Luôn là người trẻ

 Tổng giám đốc Nguyễn Hoài Giang (bên trái) trong một lần tiếp đón Ủy viên Bộ Chính trị - Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang (nay là Chủ tịch nước) thăm trung tâm điều hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: HÀ MINH

Tổng giám đốc Nguyễn Hoài Giang (bên trái) trong một lần tiếp đón Ủy viên Bộ Chính trị -
Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang (nay là Chủ tịch nước) thăm trung tâm điều hành
Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: HÀ MINH 

- Xem ra tất cả các phương tiện phục vụ cho công việc của anh, một “thủ lĩnh” lọc hóa dầu đầu tiên của Việt Nam, đều cũ rất cũ? - tôi mở đầu câu chuyện với anh.

- Bạn nói đúng, nhưng chưa đủ, bởi với mình, có một thứ luôn luôn mới: đó là cách nghĩ và phương pháp xử lý trong công việc. Người trẻ phải gắn liền với cái mới, tiếp cận cái mới nhanh để nắm bắt được cơ hội. Ở tuổi 43, tôi vẫn xem mình còn rất trẻ - Nguyễn Hoài Giang cười. Và như để cho tôi có thời gian chiêm nghiệm điều vừa nói, anh im lặng.

- Cơ hội đến một cách tự nhiên không nhiều, có chăng chỉ là sự tình cờ, gọi là duyên số. Khi đã là duyên số thì không thể muốn là được, không cố gắng mà thành. Từ cách nghĩ này, tôi luôn chủ động tạo cơ hội cho mình - Giang tiếp tục câu chuyện.

Là học sinh chuyên toán của Trường PTTH chuyên Bùi Hữu Nghĩa (TP Cần Thơ). Năm 1986, Nguyễn Hoài Giang thi đỗ thủ khoa khoa Điện tử - Viễn thông của Trường Đại học Bách khoa TPHCM. Thời ấy, người đỗ thủ khoa xem như cầm chắc suất đi học nước ngoài, chủ yếu đến các nước xã hội chủ nghĩa.

Anh được sang học tại khoa điện tử - tự động hóa Trường Đại học Bách khoa Sofia, Bulgaria. Năm 1992, Giang tốt nghiệp thủ khoa của khóa học này và được nhận phần thưởng của Viện Hàn lâm khoa học Bungaria.

Với kết quả này anh được một suất nghiên cứu sinh để lấy học vị tiến sĩ. Thế nhưng, những biến động lớn ở Đông Âu vào thời đó buộc Giang phải gác lại tất cả dự định. Một triết lý sống của Nguyễn Hoài Giang được đúc kết từ kinh nghiệm của chính anh trong thời còn du học khiến tôi phải suy ngẫm: khi vuột mất cơ hội, thông thường nhiều người tiếc nuối, nhưng anh không buông xuôi mà tiếp tục tự tạo cho mình cơ hội khác và kết quả là vị trí anh đạt được tại dự án tỷ đô ngày hôm nay.

Khi biết về những nỗ lực tuyệt vời của anh, tôi mới thấm thía một câu ngạn ngữ phương Tây đại ý con đường thành công thường không phải trải hoa hồng. Anh đã cố gắng “cày” để trở thành thủ khoa trong một kỳ thi đại học và lần tốt nghiệp đại học.

Và như anh nói, nỗ lực ấy thực chất là để tự tạo ra những cơ hội cho mình, chứ hoàn toàn không phải tự nhiên mà có.

- Anh có nghĩ việc không trở thành nhà khoa học mà thành người đứng đầu nhà máy lọc dầu đầu tiên của cả nước là một cơ duyên đầy may mắn không? - tôi hỏi.

- Như đã nói từ đầu, may mắn dù ít nhưng vẫn có, nhưng nếu thiếu sự chuẩn bị chủ động về kiến thức, năng lực tương ứng, dám chấp nhận thử thách…, dù có “duyên” vẫn để vuột mất. Tôi nghĩ rằng, được tham gia và giữ trọng trách đứng đầu nhà máy lọc dầu đầu tiên trong cả nước là sự kết hợp giữa 2 yếu tố đó.

Đo năng lực bằng thử thách

- Đến với nhà máy lọc dầu đầu tiên của cả nước, mọi công việc đều hoàn toàn mới mẻ, có khi nào anh cảm thấy… “run”? - tôi tiếp tục “truy” Nguyễn Hoài Giang.

- Để có được những dòng sản phẩm mang nhãn hiệu Việt Nam như hôm nay, tất cả chúng ta chứ không chỉ riêng tôi đã trải qua những ngày tháng gian nan, thử thách nhất với nhiều bài học đáng giá. Tính tôi thích xông vào những chỗ xương xẩu. Không phải để khoe mẽ, mà để biết thật sự năng lực của mình đến đâu - anh thẳng thắn.

 Nguyễn Hoài Giang tự ví mình như quả bóng, nếu được “bơm” hết cỡ (lên chức tổng giám đốc), có khi bị vỡ. Và anh đã không bị “vỡ” dù suốt 12 năm qua công việc lúc nào cũng đầy căng thẳng.

Trong những ngày nước rút xây dựng nhà máy lọc dầu và thời gian chạy thử, anh thường xuyên có mặt trên công trường, thời gian gần anh em kỹ sư, công nhân và máy móc nhiều hơn gần… vợ.

- Anh nhắc tôi mới nhớ, thì ra mình đã gắn với vùng đất “tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm” ở đông Bình Sơn - Quảng Ngãi này đến 12 năm rồi. Còn nhớ mới ngày nào tôi từ Bungaria về vác túi đi xin việc, giờ đã vượt tuổi “băm” rồi.  Năm 1994, tôi thi vô Vietsovpetro và được nhận vào làm việc trong liên doanh này đến năm 1999.

Suốt 5 năm ấy, cuộc sống của tôi gắn với những chuyến bay ra - vào giàn khoan, lên đến “chức” trưởng ca vận hành sản xuất thuộc giàn nén khí công nghệ trung tâm cơ đấy. Lương bổng không đến nỗi nào, lại gần vợ con, thế nhưng khi nghe nói xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên là người tôi cứ như có kiến đốt. Và rồi tôi lên đường ra Dung Quất, bỏ lại sau lưng tiếng thở dài của vợ.

Sau khi nghe “khoe” về công việc lúc mới ra Dung Quất, vợ tôi thốt: “Phó phòng tự động hóa thì có hơn gì trưởng ca vận hành khí nén ở Mỏ Bạch Hổ - Vũng Tàu?”. Dung Quất ngày ấy còn rất hiu hắt, nhưng tôi phải an ủi vợ rằng đã được làm cái điều mình thích. Biết tính vợ tôi chỉ còn biết ưng thuận - Giang tiếp tục câu chuyện.

- Có người bảo “ông Giang khôn lắm, thế nên từ phó phòng lên luôn phó tổng giám đốc rồi tổng giám đốc trong vòng chỉ có… 7 tháng - tôi khích tướng, nhưng anh không giận mà thẳng thắn bộc bạch khiến những hoài nghi những năm qua trong tôi tan biến.

- Khi anh Trương Văn Tuyến (Trưởng Ban quản lý dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất) gọi tôi lên để giao việc phụ trách công việc cho chạy thử nhà máy, anh ấy hỏi thẳng: “Chú có dám nhận không?”. Tôi đáp: “Ai cũng chê thì em nhận vậy” và hứa dứt khoát sau 3 tháng nữa, nếu nhà máy không cho ra được sản phẩm sẽ xin từ chức - Giang kể.

Nguyễn Hoài Giang nói cứng nhưng lòng lo ngay ngáy. Và anh bắt đầu khoác ba lô xuống công trường, yêu cầu bộ phận hành chính chuẩn bị một nhà tạm, ăn ngủ luôn tại chỗ. Giang kể, đó là quãng thời gian cực nhất của anh. Không đêm nào anh ngủ ngon giấc, có hôm thiếp đi lúc nào không biết, đến nước mưa ngấm cả vào chăn.

Anh chiêm nghiệm, đúng là chỉ trong 7 tháng lên hai ba chức là lên “vù vù”, nhưng cũng… chóng mặt thật. Để có 7 tháng ấy, anh đã phải trả giá trong 9 năm (từ năm 1999-2008). Với Nguyễn Hoài Giang, chức quyền là một thứ công việc và công việc luôn chọn người phù hợp để phó thác. Hơn nữa - như Giang tâm sự - thử thách càng cam go, càng kích thích người đàn ông mạnh mẽ và quyết đoán hơn.

Dám nghĩ, dám làm

Khi nhận nhiệm vụ tại nhà máy lọc dầu, nhiều người cho rằng Nguyễn Hoài Giang “làm liều”, vì một dự án đồ sộ như thế, được Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội và cả nước nhìn vào, giám sát mà một người “non trẻ” như anh dám lãnh.

Ông chủ “bụi” & cơ ngơi tỷ đô ảnh 2Chẳng ai có thể tỏ ra khôn khéo gì trong chuyện này. Trên cái “chảo lửa” Dung Quất, chúng tôi không có đủ thời gian để nghĩ rằng mình đang khôn hay đang dại. Hơn nữa, anh em kỹ sư và công nhân tinh lắm, họ là nhân dân mà! Tôi chỉ có thể “mị dân” bằng cách vờ gắn bó với công nhân vài đêm trên công trường, chứ không thể dối họ suốt 2 năm.
Ông chủ “bụi” & cơ ngơi tỷ đô ảnh 3

Ông NGUYỄN HOÀI GIANG,
Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV
Lọc - Hóa dầu Bình Sơn

- Thật ra họ nói cũng đúng phần nào, vì “liều” là từ tôi thích, ở đời cũng cần có chút “liều” mới được việc. Tuy nhiên, trong trường hợp này, tôi biết việc mình làm. Chẳng hạn lúc còn chưa đầy 1 tháng là đến giờ “G” (27-2-2009) - giờ cho ra sản phẩm đầu tiên của nhà máy - nhưng tồn tại đến 10.000 điểm lỗi.

Mấy ông bên Technip (nhà thầu chính) khuyên không nên “ép” như thế sẽ rất nguy hiểm. Tôi cho cán bộ kỹ thuật kiểm tra lại để tìm ra những chỗ lỗi có ảnh hưởng trực tiếp đến công việc vận hành, để vừa chạy thử vừa điều chỉnh. Khi bộ phận kỹ thuật báo cáo lần nữa, tôi quyết luôn: Kế hoạch không thay đổi, toàn bộ công trường sẽ không có đêm” - anh quả quyết.

Các đồng nghiệp từng lăn lộn trên công trường với anh cho tôi biết rằng, để tỉnh táo làm việc, có lần Nguyễn Hoài Giang đã… liều uống cả vốc thuốc nhức đầu để chống chọi với áp lực công việc.

Anh thừa nhận: “Gần như tôi không ngủ trong gần 1 tháng, đến mức mấy ông Tây nói rằng “ông Giang là con ma nên không biết ngủ!”". Đến hôm cuối cùng trước khi vận hành, Technip mời tôi lần nữa để họp kín, cố thuyết phục anh từ bỏ ý định cho nhà máy vận hành thử đúng lịch trình, nhưng không lay chuyển được Giang. Theo anh, thật ra đó không phải  làm liều như nhiều người tưởng, mà anh đã dựa trên những cơ sở phân tích khoa học.

“Vả lại, không “cứng” lúc đó thì hỏng việc ngay. Tôi cũng xem đó như một cơ hội để thử thách mình. Tôi đã nắm bắt được cơ hội ấy để chứng minh rằng, khi quyết làm việc gì thì phải hết mình với nó” - Nguyễn Hoài Giang chia sẻ.

Các tin khác