Nhiều người hỏi: Tại sao ÔNG quyết định quay về Việt Nam đầu tư? TS. Nguyễn Thanh Mỹ (ảnh), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Mỹ Lan chỉ trả lời đơn giản: “Vì tình yêu quê hương. Tên của tôi xuất phát từ nơi sinh ra: làng Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Cái tên như một định mệnh gắn chặt tôi với vùng đất thuộc diện nghèo nhất cả nước".
Chấp nhận thử thách bản lĩnh
Dù phải vất vả mưu sinh bằng việc bán bánh mì, kem ngay từ nhỏ, cậu học trò nghèo Nguyễn Thanh Mỹ vẫn học giỏi có tiếng tại Trà Vinh và thi đỗ Trường Đại học Phú Thọ (nay là Trường Đại học Bách Khoa TPHCM). Sang Canada năm 1979, chàng thanh niên gốc Trà Vinh làm nhiều nghề, từ rửa chén, phụ bếp, bồi bàn…
Khó khăn buộc ông phải gác lại việc học một thời gian để kiếm sống. Dành dụm được một số tiền, quyết tâm phải đổi đời. Năm 1983, Nguyễn Thanh Mỹ đi học trở lại.
Lịch trình của ông là sáng 8-12 giờ đi học, chiều làm việc từ 14-2 giờ đêm, về nhà học bài 1-2 tiếng mới đi ngủ. Vào đại học, mọi chuyện thuận lợi hơn với sinh viên Nguyễn Thanh Mỹ khi đạt được những học bổng cao nhất của Canada là NSERC và FCAR.
7 năm sau đó, ông tốt nghiệp với bằng tiến sĩ của Trung tâm Nghiên cứu khoa học Năng lượng và Vật liệu INRS-Energie et Materiaux, Varennes, Quebec. Với tấm bằng này, ông lần lượt được các tập đoàn danh tiếng trong ngành điện toán, quang điện tử như IBM, Kodak, Xerox, Sun Chemical… săn đón.
Làm việc tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu, TS. Nguyễn Thanh Mỹ và 2 nhà khoa học khác đã đồng phát minh ra công nghệ in CTP sử dụng tia laser. Đây là công nghệ ứng dụng rộng rãi trong in offset hiện nay.
Tại IBM, với môi trường làm việc thuận lợi, thu nhập tương xứng, nhưng Nguyễn Thanh Mỹ luôn bị thôi thúc bởi mục tiêu cao hơn: Mở công ty riêng để thỏa mãn ước mơ làm khoa học và đưa công trình nghiên cứu vào cuộc sống thông qua con đường kinh doanh.
Năm 1997, khi đang làm cho Tập đoàn Kodak với mức lương thuộc hàng top lúc bấy giờ là 50.000USD/tháng, nhưng Nguyễn Thanh Mỹ quyết định nghỉ việc để thành lập Công ty American Dye Source, Inc (ADS), chuyên nghiên cứu hóa chất, vật liệu ngành in và kỹ thuật quang điện tử. Với uy tín sẵn có khi còn làm việc tại các tập đoàn lớn, Nguyễn Thanh Mỹ nhanh chóng tìm được đối tác.
Thương vụ đầu tiên là việc ông chế tạo thành công một loại bột huỳnh quang dùng trong công nghệ cao và bán được cho đối tác thu về 25.000USD. Tuy bắt đầu bận rộn công việc kinh doanh, nhưng TS. Nguyễn Thanh Mỹ vẫn dành thời gian cho nghiên cứu khoa học và có vài chục công trình được cấp bằng sáng chế.
Tình yêu đặc biệt với quê hương
Năm 1999, nhân sinh nhật cô con gái thứ 2 Mỹ Lan, Nguyễn Thanh Mỹ đưa con về Việt Nam thăm quê. Sẵn mong muốn trở về quê hương làm ăn, lại nghe con gái gợi ý mở doanh nghiệp tại Việt Nam, nên đầu năm 2000 ông mua một mảnh đất tại Bãi Sao, Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang mở quán cà phê lấy tên Mỹ Lan.
Được một thời gian, nhận thấy việc đầu tư vào dịch vụ du lịch không phải sở trường của mình và chưa xứng tầm với ý nghĩ “phải đóng góp điều gì đó cho quê hương”.
Năm 2004, ông Mỹ quyết định đầu tư xây dựng nhà máy công nghệ vật liệu tại khu công nghiệp Long Đức, tỉnh Trà Vinh.
Tôi về Việt Nam không phải để làm giàu, vì tôi không thiếu tiền. Song nhiều lúc cũng thấy nản, muốn trở lại Canada cùng con trai điều hành ADS và thu tiền cho thuê bằng sáng chế hàng chục triệu USD/năm để nghỉ ngơi. Nhưng nhìn những mái nhà tranh, những đứa trẻ buổi sáng đi học, chiều phụ cha mẹ làm lụng cực nhọc… tôi lại dằn mình, quyết tâm xây dựng Tập đoàn Mỹ Lan phát triển để có cơ hội giúp đỡ quê hương. | |
TS. NGUYỄN THANH MỸ |
Tiếng là khu công nghiệp, nhưng mảnh đất Nguyễn Thanh Mỹ thuê chỉ là đất ruộng.
Ông Mỹ nhớ lại: “Đã lường trước nhưng khi làm vẫn phát sinh nhiều khó khăn. Thời điểm xây dựng nhà máy, buổi sáng tôi phải bám trụ với công trình, chiều tối phải đạp xe (do không quen đi xe máy) khoảng 5km từ khu công nghiệp Long Đức lên TP Trà Vinh (bấy giờ là thị xã) tìm nơi nào có internet để gửi email, chat với vợ con”.
Tôi hỏi vợ ông nguyên nhân nào khiến ông Mỹ gắn bó với Trà Vinh như vậy? Bà Bùi Thị Nhàn, nói một cách hóm hỉnh: “Không biết ông ấy có tình yêu gì đặc biệt ở đây mà chịu cực nhọc quá! Nhiều người bạn thuở thiếu thời cũng cắc cớ hỏi ông: Từ Sài Gòn về Trà Vinh mất gần một ngày, ông nghĩ sao lại đi làm công nghệ cao ở đây? Ảnh chỉ trả lời đơn giản: kết quả thực tế sẽ là lời giải thích thỏa đáng”.
Thực tế khi quyết định đầu tư vào Trà Vinh, với cặp mắt của nhà khoa học và doanh nhân, Nguyễn Thanh Mỹ đã nhận ra tiềm năng phát triển và có niềm tin đặc biệt về sự lột xác của vùng đất này. Chính vì vậy, ông không quản ngại gian khó sát cánh cùng công nhân, kỹ sư suốt 2 năm ròng xây dựng nhà máy.
Ngày 1-1-2006, cơ ngơi với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 10 triệu USD của Tập đoàn Mỹ Lan, chuyên về công nghệ ngành in, hóa chất, quang điện tử được khánh thành.
Sau khi đi vào sản xuất sản phẩm đầu tiên là bản kẽm CTP (computer to plate) dùng trong công nghệ in, Nguyễn Thanh Mỹ tiếp tục đối diện với khó khăn khác. Đầu tiên là chuyện làm thủ tục nhập nguyên vật liệu tại hải quan.
Do trước đó ở Việt Nam chưa có ai sử dụng nhôm cuộn để sản xuất bản kẽm in offset nên sản phẩm này không có mã số hàng hóa nhập khẩu. Ông đã vất vả cả năm kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước và được chấp thuận, nhưng có một số lần nhập cùng loại nguyên liệu lại bị áp mã số khác nhau.
“Lúc đó thấy tôi cực quá, nhiều người gợi ý tôi nên “đi đường vòng”, nhưng tôi không chịu vì có làm gì sai đâu!” - ông nhớ lại.
Tạo niềm tin cho cả thầy lẫn thợ
Bất cứ vị khách nào đến với Tập đoàn Mỹ Lan đều có ấn tượng đặc biệt về cơ ngơi xanh, sạch ở đây. 70% diện tích xây dựng của dự án này dành cho cây xanh, ao cá, các loại hoa. Nhưng cũng vì vậy nên Mỹ Lan không ít lần bị hiểu lầm.
Ông Nguyễn Thanh Mỹ cho biết: “Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh luôn nhiệt tình hỗ trợ Mỹ Lan do tập đoàn làm ăn bài bản, biết quan tâm bảo vệ môi trường. Nhưng cũng có giai đoạn một số cơ quan quản lý ở địa phương nhìn Tập đoàn Mỹ Lan với ánh mắt dè chừng, vì cho rằng ngành nghề kinh doanh của Mỹ Lan có liên quan đến hóa chất. Có đoàn đến kiểm tra nhà máy với thái độ quơ đũa cả nắm, xem chúng tôi như tội phạm môi trường. Trong khi những gì chúng tôi xây dựng vượt cả tiêu chuẩn thông thường, nước thải sản xuất và sinh hoạt được hệ thống xử lý đạt tiêu chuẩn quốc tế, thậm chí dùng để tưới tiêu cho cây xanh ở đây. Chúng tôi chưa bao giờ ngại công bố tiêu chuẩn xử lý nước thải, bảo vệ an toàn môi trường. Trước áp lực đó tôi phải đổi tên một công ty trực thuộc, bỏ chữ “hóa chất” để bớt gây “ấn tượng” không tốt”.
Hiện giờ, nơi ở của ông Nguyễn Thanh Mỹ cũng nằm trong khuôn viên Tập đoàn Mỹ Lan để tạo sự gần gũi với nhân viên và thuận lợi trong việc nghiên cứu khoa học, nhưng mặt khác cũng là để chứng minh sự an toàn về môi trường của tập đoàn.
Ấn tượng của Mỹ Lan là 70% diện tích xây dựng dự án dành cho cây xanh và hoa. |
Đến nay, bản kẽm do Tập đoàn Mỹ Lan sản xuất được giới khoa học và ngành in đánh giá vì tính ưu việt trong công nghệ CTP, đã xuất khẩu sang hàng chục quốc gia như Canada, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Trung Quốc…
Tính đến thời điểm này, Tập đoàn Mỹ Lan đã chuyển giao công nghệ cho gần 10 tập đoàn in ấn - xuất bản hàng đầu thế giới. Hiện tại bản kẽm nhiệt CTP của Mỹ Lan đang chiếm khoảng 60% thị phần trong nước.
Nguyễn Thanh Mỹ tự hào: “Việc xuất khẩu công nghệ thể hiện trí tuệ người Trà Vinh nói riêng và người Việt Nam nói chung. Mấu chốt của vấn đề là chúng ta phải biết đầu tư vào nguồn lực con người. Sinh viên Việt Nam trí tuệ không thua ai, nhưng còn kém về sự nhạy bén và làm chủ công việc”.
- Làm thế nào ông thu hút được nhân tài về với một tỉnh vừa nghèo, vừa xa như Trà Vinh? - tôi thắc mắc.
Tôi quen biết TS. Nguyễn Thanh Mỹ từ khi chưa trở thành khách hàng của ông. Ông vừa là một nhà khoa học xuất sắc, vừa là doanh nhân giỏi. Ông luôn giữ gìn và chăm sóc tất cả những gì xung quanh mình: gia đình, nhân viên, đối tác, bạn bè và quê hương. Đây là điều làm tôi nể phục ở ông Nguyễn Thanh Mỹ nhất. | |
Ông DARREN CHEN, |
- Khoảng cách địa lý chỉ là một phần, quan trọng nhất của người làm khoa học, công nghệ là phải được tiếp cận tài liệu mới, có phòng thí nghiệm được trang bị hiện đại để nghiên cứu. Tôi đã tạo một môi trường làm việc theo tiêu chuẩn quốc tế, có phòng thí nghiệm, lab cho sinh viên, chuyên viên.
Đích thân tôi phải đến các trường đại học, tham gia các hội chợ việc làm để giới thiệu cơ hội làm việc tại Mỹ Lan, qua đó tuyển chọn sinh viên và người có tiềm năng đến với tập đoàn.
Những người theo tôi từ ngày đầu đều được thưởng cổ phiếu của tập đoàn. Hàng năm tôi đều mời bác sỹ từ các bệnh viện lớn tại TPHCM về khám sức khỏe cho mọi người.
5 năm nay, TS. Nguyễn Thanh Mỹ là Chủ nhiệm bộ môn Hóa học ứng dụng tại Trường Đại học Trà Vinh. Sinh viên ngành này được tạo điều kiện học tại Tập đoàn Mỹ Lan do chính ông đứng lớp.
Trong thời gian thực hành, sinh viên còn được đài thọ ăn uống và được trả lương 2,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, với uy tín của mình, Nguyễn Thanh Mỹ còn mời nhiều nhà hóa học hàng đầu thế giới đến Trà Vinh giảng dạy, đồng thời gởi sinh viên, nhân viên của mình đi du học.
Nguyễn Thanh Mỹ lý giải: “Môi trường văn hóa của Mỹ Lan được tạo ra trên quan niệm không có gì gắn kết con người bền chặt hơn tình cảm. Dù làm gì, điều quan trọng hơn cả là phải nghĩ cho mọi người.
Lúc mới về Trà Vinh, tôi còn nhận được nhiều ánh mắt hồ nghi của người xung quanh: Không biết ông này có phải Việt kiều “té giếng” không? Nhưng khi thấy Tập đoàn Mỹ Lan phát triển, con em được làm việc, học tập trong một môi trường hiện đại, mọi người hiểu ra và nói vui: Đúng là té giếng, nhưng là giếng… dầu”.