Quyết định này cũng có thể giúp kéo giá dầu Brent giảm khoảng 15% vào cuối năm 2022.
Hôm thứ Tư (1/9), OPEC+ cho biết sẽ giữ nguyên thỏa thuận đã đưa ra vào tháng 7 nhằm nâng sản lượng tổng thể lên 400.000 thùng/ngày mỗi tháng kể từ tháng 8 và các cắt giảm sản lượng đã đưa ra vào năm ngoái để bù đắp nhu cầu yếu hơn do các hạn chế kinh tế liên quan đến đại dịch.
OPEC+ cho biết: “Trong khi những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tiếp tục gây ra một số bất ổn, các nguyên tắc cơ bản của thị trường đã được củng cố và tồn trữ dầu của OECD tiếp tục giảm khi sự phục hồi tăng tốc”, OPEC+ cho biết trong một tuyên bố khi đề cập đến Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). OPEC+ sẽ có cuộc họp tiếp theo vào ngày 4/10.
Caroline Bain, nhà kinh tế trưởng Capital Economics cho biết, OPEC+ đã phải đối mặt với “một số áp lực mâu thuẫn” trước cuộc họp, bao gồm áp lực từ chính quyền Biden với kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng nhanh hơn so với kế hoạch hiện tại trong nỗ lực giảm giá xăng dầu.
Bà Caroline Bain cho biết trong một bài bình luận sau cuộc họp OPEC+ rằng, cũng có những lo ngại về sự “sụt giảm” nhu cầu dầu do sự lan rộng nhanh chóng của biến thể Delta ở châu Á.
Với chính sách không thay đổi của OPEC+, Capital Economics dự kiến sự trở lại dần dần của nguồn cung dầu OPEC+ trong năm tới sẽ gây “áp lực giảm giá”. Thị trường có thể sẽ tiếp tục thâm hụt trong quý IV năm nay, sau đó chuyển sang dư cung vào đầu năm sau.
Trong một báo cáo hôm thứ Ba (31/9), Ủy ban Kỹ thuật hỗn hợp OPEC+ dự báo thâm hụt nguồn cung dầu toàn cầu 900.000 thùng/ngày trong năm nay trong bối cảnh nhu cầu dầu phục hồi.
Reuters cho biết báo cáo ban đầu dự báo thặng dư 2,5 triệu thùng/ngày vào năm 2022, nhưng sau đó đã được điều chỉnh thành thặng dư 1,6 triệu thùng/ngày do nhu cầu mạnh hơn.
Với kỳ vọng dư cung trong năm tới, Capital Economics dự báo giá dầu thô Brent sẽ giảm xuống 60 USD/thùng vào cuối năm 2022 so với mức giá hiện tại khoảng 71 USD/thùng.u