PCI 2013: Nặng phí lót tay, nhiêu khê thủ tục

Hôm nay 20-3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2013. Một trong những điểm đáng chú ý trong đó là cảm nhận của 1.609 doanh nghiệp FDI (PCI-FDI) đến từ 49 quốc gia, hoạt động trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố của Việt Nam có mật độ doanh nghiệp FDI tập trung cao nhất.

Hôm nay 20-3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2013. Một trong những điểm đáng chú ý trong đó là cảm nhận của 1.609 doanh nghiệp FDI (PCI-FDI) đến từ 49 quốc gia, hoạt động trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố của Việt Nam có mật độ doanh nghiệp FDI tập trung cao nhất.

Xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh

Năm 2013, dù nền kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp FDI vẫn được ghi nhận tốt hơn so với 2012. Doanh thu ở mức ổn định, lợi nhuận doanh nghiệp tăng nhẹ. Doanh nghiệp FDI trong điều tra PCI-FDI có tổng doanh thu 2 triệu USD - gần bằng mức năm 2012 và giảm so với năm 2011.

Mặc dù đây là những con số do doanh nghiệp tự báo cáo, nhưng so với năm 2012, hiệu quả hoạt động kinh doanh đã bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc. Năm 2013, 64% doanh nghiệp FDI báo cáo có lãi, tăng 4% so với năm 2012, trong đó 10,7% doanh nghiệp cho biết lợi nhuận của họ lớn hơn 5%; chỉ 24% doanh nghiệp báo lỗ.

Về rủi ro bị thu hồi tài sản, nhà đầu tư cảm thấy tự tin hơn nhiều nếu đầu tư tại Việt Nam so với các địa điểm khác: 75% cho rằng tại Việt Nam họ ít phải đối mặt với rủi ro bị thu hồi tài sản hơn so với Trung Quốc. Đặc biệt, khi 71% xếp hạng Việt Nam cao hơn Thái Lan, đã phần nào phản ánh quan ngại của doanh nghiệp về các rủi ro bất ổn chính trị.

Theo nhóm nghiên cứu, báo cáo năm nay đã đưa ra cách tiếp cận khác để đo cảm nhận của doanh nghiệp trong việc tại sao lựa chọn Việt Nam là điểm đến trong đầu tư, thông qua việc so sánh môi trường kinh doanh của Việt Nam với các nước mà họ từng cân nhắc yêu cầu địa điểm đầu tư.

Kết quả cho thấy 54% doanh nghiệp FDI, trước khi lựa chọn Việt Nam, đã từng cân nhắc đầu tư vào nước khác (Trung Quốc chiếm 11,1%, Thái Lan 10,6% và Campuchia 7,7%). Năm 2011 và 2012, tỷ lệ doanh nghiệp FDI cân nhắc các địa điểm đầu tư khác chỉ 32%.

“Con số này tự thân nó là chỉ báo quan trọng về thứ hạng của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Việt Nam không còn là điểm đến đầu tư được ưu ái nhất như giai đoạn 2007-2010, mà đang phải cạnh tranh với các đối thủ truyền thống trong khu vực (Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia) và một số nước mới nổi. 3 gương mặt trước đây chưa được coi là đối thủ cạnh tranh về vốn đầu tư FDI đối với Việt Nam là Lào, Philippines và Myanmar, nay đã xuất hiện trong danh mục quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài” - báo cáo nhận định.

Khảo sát PCI-FDI đưa ra một góc nhìn chính xác hơn về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong tương quan với các đối thủ cạnh tranh lớn. Cụ thể, trong so sánh với các nền kinh tế khác, Việt Nam được đánh giá khá tốt về rủi ro bị thu hồi tài sản (64% đánh giá tốt hơn); về độ ổn định chính sách (60%); vai trò của doanh nghiệp trong quá trình hoạch định các chính sách có ảnh hưởng đến chính họ (59%); được đánh giá khá tốt về mức thuế so với các đối thủ cạnh tranh (52%).

Về mức độ ảnh hưởng chính sách, doanh nghiệp FDI cho rằng tại Việt Nam, họ có tiếng nói hơn trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật liên quan đến hoạt động so với các đối thủ cạnh tranh. So sánh về tính ổn định trong quy định và chính sách, doanh nghiệp FDI đánh giá chính sách của Việt Nam ổn định và dễ đoán hơn Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia và Lào, nhưng kém hơn so với Indonesia, Malaysia và Đài Loan.

Các kết quả được nhìn nhận là quan trọng bởi doanh nghiệp FDI luôn coi trọng khả năng dự báo chính sách trong tương lai để từ đó xây dựng chiến lược dài hạn. Ngoài ra, đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao, tính ổn định chính sách còn quan trọng hơn nữa bởi tính chất của ngành công nghệ cao là thời gian sinh lợi lâu hơn và rủi ro đầu tư lớn hơn.

Tham nhũng, thủ tục hành chính và cơ sở hạ tầng

Doanh nghiệp FDI chia sẻ chung cảm nhận môi trường kinh doanh của Việt Nam kém hấp dẫn hơn nhiều về chi phí không chính thức, gánh nặng thủ tục hành chính, quy định pháp luật, chất lượng dịch vụ hành chính công (giáo dục, y tế) và chất lượng của cơ sở hạ tầng. Nhà đầu tư xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam ngang bằng với các nước Campuchia và Lào.

Nhưng đối với lĩnh vực tham nhũng và gánh nặng quy định pháp luật, Việt Nam còn bị đánh giá thấp hơn nhiều so với 2 nước này. Kết quả này tương đối nhất quán với kết quả xếp hạng của Việt Nam trong Chỉ số Năng lực cạnh tranh Toàn cầu (GCI) được công bố mới đây khi Việt Nam đứng ở thứ hạng 98/148 nước về trục “Thể chế” - sự sụt giảm thứ hạng lớn nhất trên 12 trục của GCI. Cụ thể, trong tiêu chí “Thể chế”, Việt Nam đứng thứ 116 về tham nhũng và 106 về gánh nặng hành chính.

Doanh nghiệp FDI vẫn chưa lạc quan về quỹ đạo tăng trưởng của nền kinh tế và hoạt động của chính doanh nghiệp. Cụ thể, năm 2013, chỉ 33% doanh nghiệp tuyển thêm lao động, giảm so với 50% ghi nhận trong năm 2010; 5% doanh nghiệp FDI tăng vốn đầu tư. Tâm lý này vẫn tiếp tục bao trùm trong vòng 2 năm tới. Năm 2010, tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh 68%; năm 2013 chỉ 28% lạc quan về triển vọng này.

Điểm thú vị trong khảo sát là những quan điểm của doanh nghiệp trong lựa chọn địa phương để đầu tư. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể lựa chọn Việt Nam bất chấp hạn chế về cơ sở hạ tầng và dịch vụ hành chính công so với các nước khác đã cân nhắc đầu tư. Nhưng khi phải so sánh, lựa chọn tỉnh, thành phố để đầu tư, doanh nghiệp lại coi trọng chất lượng cơ sở hạ tầng và dịch vụ hành chính công hơn.

Nghĩa là doanh nghiệp biết trở ngại lớn nhất khi đầu tư vào Việt Nam là cơ sở hạ tầng, nên họ sẽ lựa chọn nơi nào có cơ sở hạ tầng tốt nhất như một biện pháp giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra, với tỷ lệ chỉ 50% doanh nghiệp đồng ý, thuế lại là yếu tố ảnh hưởng ít nhất đến quyết định lựa chọn tỉnh đầu tư của doanh nghiệp.

Theo kết quả nghiên cứu, có thể chia các tỉnh thành 3 nhóm: nhóm tỉnh nhà đầu tư nhìn chung hài lòng, với tỷ lệ tán thành trên 70%; nhóm tỉnh nhà đầu tư không hài lòng về 1 hoặc 2 tiêu chí (thường là liên quan đến chi phí không chính thức và gánh nặng thủ tục hành chính) với tỷ lệ trung bình 57-67%; còn lại là nhóm tỉnh nhà đầu tư không hài lòng về lựa chọn đầu tư của mình so với các tỉnh khác. Đáng chú ý là Hà Nội nằm trong danh sách nhà đầu tư FDI đánh giá không cao về môi trường kinh doanh.

Dùng thuế chống chuyển giá

Điểm đáng lưu ý trong báo cáo PCI-FDI 2013 là hoạt động chuyển giá. Thông qua các mẫu câu hỏi, những phân tích, đánh giá, nhóm nghiên cứu đã đưa ra tỷ lệ ước tính doanh nghiệp thực hiện chuyển giá dựa trên hiệu quả hoạt động. Theo đó, 65% doanh nghiệp có mức lợi nhuận rất cao (trên 20%) thừa nhận có chuyển giá.

Tương tự, 44% doanh nghiệp kinh doanh có lãi cao, 12% doanh nghiệp lãi trung bình và 9% doanh nghiệp hoạt động khả quan nhưng lãi rất ít cũng thực hiện chuyển giá. Nhìn chung, doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ không cần phải sử dụng kỹ thuật chuyển lợi nhuận. Song cũng có một ngoại lệ: khoảng 30% doanh nghiệp lỗ ít (0-5%) thừa nhận chuyển giá.

Hoạt động chuyển giá thường phản ánh phản ứng từng doanh nghiệp trước cảm nhận về rủi ro đối với chính doanh nghiệp, dựa trên các cơ hội doanh nghiệp có, căn cứ vào cấu trúc doanh nghiệp (sở hữu chuỗi sản xuất đa quốc gia hay không) và mức độ quan trọng của các tài sản vô hình, như quyền sở hữu trí tuệ trong mô hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến cho rằng để chống chuyển giá các doanh nghiệp FDI nên xem xét hạ mức thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến cho rằng để chống chuyển giá các doanh nghiệp
FDI nên xem xét hạ mức thuế thu nhập doanh nghiệp.

Các ngành có sự tham gia của các chuỗi sản xuất toàn cầu, trong đó hàng hóa, dịch vụ đầu vào do các công ty con trực thuộc các tập đoàn đa quốc gia cung cấp thường có hoạt động chuyển giá. Các ngành này bao gồm dệt may, linh kiện ô tô, nhựa và cao su, vật liệu may mặc và đồ gỗ (đặc biệt gỗ nguyên liệu được nhập khẩu chủ yếu từ các nước lân cận Lào và Campuchia).

Ngoài ra, có thể nhìn thấy bằng chứng rõ ràng về chuyển giá tại các ngành mà tài sản vô hình và tài sản khó định giá có vai trò cực kỳ quan trọng. Các ngành tài chính và bảo hiểm, thông tin viễn thông và linh kiện ô tô có hàm lượng sở hữu trí tuệ và chuyên môn cao, dựa khá nhiều vào đội ngũ chuyên gia và máy móc thiết bị trong chính nội bộ doanh nghiệp, trong khi các yếu tố này thường không có giá trị ngang giá tương đương. Do đó thực sự khó đánh giá chính xác và phù hợp các giá trị so sánh để ước tính ra giá trị chuyển giá nhằm các mục đích liên quan đến thuế.

Kết quả phân tích hoạt động chuyển giá mang thông điệp rõ ràng dành cho các cơ quan quản lý. Đó là hạ thấp mức thuế thu nhập doanh nghiệp ngang bằng với mức thuế doanh nghiệp được hưởng tại nước xuất xứ sẽ làm giảm động cơ chuyển giá.

Phần lớn hoạt động chuyển giá đang diễn ra có vẻ xuất phát từ việc doanh nghiệp muốn chuyển lợi nhuận về nước để được hưởng thuế suất thấp hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi mức thuế không có thay đổi lớn, nếu cơ quan quản lý có thể đảm bảo cho doanh nghiệp lộ trình tăng thuế có thể dự đoán được, giúp doanh nghiệp có thể ước lượng một cách đầy đủ gánh nặng thuế của mình trong tương lai, động cơ thực hiện chuyển giá của doanh nghiệp sẽ giảm bớt.

Điều này giúp Việt Nam tăng thu ngân sách và sử dụng nguồn thu nhập này để đầu tư, khắc phục các yếu kém trong dịch vụ hành chính công và cơ sở hạ tầng, vốn bị các nhà đầu tư coi là những điểm yếu chiến lược quan trọng nhất của Việt Nam.

Các tin khác