(ĐTTCO)- Ngày 27-4, PGBank đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016. Tại đại hội, lãnh đạo NH đã trình cổ đông về việc chưa tiến hành bầu Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ mới, HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2010-2015 sẽ tiếp tục hoạt động cho đến PGBank hoàn thành sáp nhập vào VietinBank.
![]() |
Theo tờ trình này, HĐQT và BKS hiện tại của PGBank có nhiệm kỳ từ 2010-2015 được bầu theo Nghị quyết ĐHĐCĐ số 02/2011/ĐHCĐ-PGB ngày 16-4-2011. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 43 và Khoản 4 Điều 44 Luật các TCTD 2010, nhiệm kỳ của HĐQT và BKS không quá 5 năm.
Do đó, PGBank sẽ phải tiến hành hành bầu lại HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015. Tuy nhiên, PGBank đang trong quá trình xin chấp thuận của NHNN về việc sáp nhập vào Vietinbank, dự kiến quá trình sáp nhập sẽ hoàn thành trong quý II-2016. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, ĐHĐCĐ cũng đã thông qua việc chưa bầu lại HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2010-2015.
Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo của ban lãnh đạo PGBank, tính đến ngày 31-12-2015, tổng tài sản trên 24.600 tỷ đồng, giảm 4,3% so với năm trước. Tổng huy động đạt trên 20.900 tỷ đồng, giảm 5%. Tín dụng đạt 15.883 tỷ đồng, chỉ đạt 84% kế hoạch, tăng 9,5% (nếu tính cả phần bán nợ cho VAMC tăng trưởng tín dụng đạt 14%).
Lý do là NH cạnh tranh về lãi suất với các khoản vay ngắn hạn của các khách hàng có dư nợ lớn, nhiều trường hợp phải áp dụng lãi suất thấp hơn lãi suất huy động kỳ hạn tương ứng. Nhu cầu vay cũng có cải thiện, đặc biệt là bán lẻ, nhưng các NH có lợi thế chi phí vốn áp dụng lãi suất rất cạnh tranh để lôi kéo khách hàng, thậm chí giảm lãi suất để mua lại nợ của NH khác.
Đồng thời, quá trình sáp nhập kéo dài ảnh hưởng đối với cả khách hàng hiện hữu cũng như công tác tiếp thị khách hàng mới. Công tác chuẩn bị sáp nhập, bàn giao, đào tạo cho cán bộ PGBank theo chương trình của Vietinbank, cộng với tâm lý dao động của một số cán bộ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phát triển kinh doanh trong quý III. Từ quý IV-2015 cùng với việc thúc đẩy công tác kinh doanh, điều chỉnh chính sách cho vay cạnh tranh hơn nên tín dụng mới tăng trưởng.
Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế năm 2015 của PGBank chỉ đạt 30% kế hoạch với con số 52,3 tỷ đồng. Nguyên nhân là do tăng trưởng tín dụng bình quân trong năm thấp, tăng trưởng tín dụng bán lẻ đạt tốt và có lợi nhuận biên cao nhưng do phải khuyến mãi, giảm lãi suất trong 6-12 tháng đầu nên chưa mang lại hiệu quả ngay trong năm 2015; tăng trưởng tín dụng DN chủ yếu tăng vào một số khách hàng lớn với lãi suất cạnh tranh nên chênh lệch lãi biên đạt thấp.
Chênh lệch lãi suất cho vay và huy động bình quân đạt 3,1% thấp hơn kế hoạch đề ra là 3,5%. Đồng thời, do thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng theo CIC và phương án rà soát số liệu để sáp nhập với VietinBank tại thời điểm 31-12-2015 nên phải giảm thu nhập lãi và tăng trích lập dự phòng.
Năm 2016, PGBank đặt mục tiêu tổng tài sản 31.201 tỷ đồng, tăng 26%. Huy động vốn thị trường 20.470 tỷ, tăng 21%, cho vay khách hàng 19.613 tỷ, tăng 23%. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 277 tỷ đồng, tăng 530% so với năm 2015, tương ứng tỷ suất trước thuế trên vốn bình quân 9,2%.
Kế hoạch kinh doanh năm 2016 đưa ra trên cơ sở đánh giá tổng thể nguồn lực thực hiện với một số yếu tố như: (1) chênh lệch lãi suất huy động và cho vay năm 2016 sẽ thấp do cạnh tranh lãi suất giữa các NH. PGBank sẽ tiến tới áp dụng theo chính sách cho vay của Vietinbank trong khi huy động vốn của PGBank có chi phí cao hơn, (2) kết quả kinh doanh của NH tiếp tục phụ thuộc nhiều vào việc xử lý, thu hồi nợ, dư nợ bán cho VAMC lớn nên trích lập dự phòng năm 2016 là 203 tỷ đồng.
Tại đại hội, PGBank cũng trình cổ đông thông qua đơn từ nhiệm của ông Võ Văn Hiệp, thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2010-2015 về việc từ nhiệm chức danh thành viên độc lập từ ngày 20/7/2015.