(ĐTTCO) - LTS: Lịch sử cận đại Việt Nam ghi nhận về một nhân vật tuổi Thân: “Là một tấm gương sáng trong phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX, là một nhà nho yêu nước có nhiều suy nghĩ tiến bộ. Có thể xem ông là người có tư tưởng dân chủ sớm nhất trong số các nhà nho yêu nước tiến bộ đầu thế kỷ XX”. Đó là Phan Châu Trinh (1872-1926). Cách đây 90 năm, khi ông qua đời, 20 ngàn người không phân biệt chính trị-đảng phái, tôn giáo đã đưa linh cữu của ông về nơi an nghỉ cuối cùng ở nghĩa trang Hội Gò Công tương tế (quận Tân Bình, TPHCM ngày nay).
Đau đáu với non sông
Phan Châu Trinh (còn gọi là Phan Chu Trinh) sinh ngày 9-9-1872, người làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ (nay là huyện Phú Ninh), tỉnh Quảng Nam. Ông còn có hiệu là Tây Hồ, Hy Mã; tự là Tử Cán; là một nhà thơ, nhà văn, một chí sĩ thời cận đại trong lịch sử Việt Nam.
Cha ông là Phan Văn Bình, làm chức Quản cơ sơn phòng (quan võ trông coi biên giới vùng núi), sau tham gia phong trào Cần Vương, phụ trách việc quân lương. Mẹ ông là Lê Thị Trung, con gái nhà vọng tộc, thông thạo chữ Hán. Lên 6 tuổi, Phan Châu Trinh mất mẹ, quê nhà bị quân Pháp đốt trong cuộc trấn áp phong trào Cần Vương, ông theo cha, được cha dạy chữ và dạy võ. Năm 16 tuổi cha mất, ông trở về quê sống với anh là Phan Văn Cừ, tiếp tục đi học.
Phan Châu Trinh nổi tiếng học giỏi, được tuyển vào trường tỉnh, học chung với Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Quang, Phạm Liệu… Năm 1900, ông đỗ cử nhân, năm sau triều đình mở ân khoa, ông đỗ phó bảng, đồng khoa với Ngô Đức Kế, Nguyễn Sinh Sắc. Đến năm 1903, Phan Châu Trinh được bổ làm Thừa biện bộ lễ. Năm sau, ông từ quan vì không muốn làm việc trong bộ máy cai trị nô lệ.
Là người có học vấn, tiếp xúc nhiều người có tư tưởng cách tân, năm 1905 Phan Châu Trinh cùng 2 người bạn là Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng (đều mới đỗ tiến sĩ năm 1904) làm một cuộc Nam du với mục đích xem xét dân tình, sĩ khí và tìm bạn đồng chí hướng. Đến Bình Định, gặp kỳ khảo hạch thường niên của tỉnh, ba lần ông vào vai các khóa sinh. Vào trường thi, Phan Châu Trinh làm bài thơ “Chí thành thông thánh” còn 2 bạn thì làm chung một bài phú. Cả 3 đều ký tên giả là Đạo Mộng Giác, nội dung kêu gọi sĩ tử đang đắm đuối trong khoa trường và danh lợi hãy tỉnh dậy lo giải phóng giống nòi thoát khỏi cảnh lao lung.
Cả hai tác phẩm này đều gây tiếng vang. Các quan Nam triều hoảng sợ, trình sự việc tới quan công sứ Pháp, đồng thời ra lệnh truy tìm tác giả nhưng 3 ông đã rời khỏi Bình Định, tiếp tục đi vào các tỉnh phía Nam.
Sau cuộc Nam du, Phan Châu Trinh trở ra Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nội gặp gỡ, đàm đạo với các sĩ phu tiến bộ; rồi lên căn cứ Đề Thám xem xét tình hình, đều thấy tình thế bế tắc, phong trào khó có thể tồn tại lâu dài. Năm 1906, ông bí mật sang Quảng Đông gặp Phan Bội Châu, rồi cùng sang Nhật Bản tiếp xúc với nhiều nhà chính trị và xem xét thực tế công cuộc duy tân ở Nhật.
Bế tắc đường lối cứu nước
Từ thực tế tìm hiểu đất nước và xu hướng chính trị đương thời cũng như bối cảnh quốc tế, ông bài bác con đường Phan Bội Châu đã chọn với một nhãn quan sâu sắc: “Phan Bội Châu nhận hẳn rằng người Pháp quyết không có thiệt lòng khai hóa cho người Nam, nên nói việc khai hóa, trước phải tìm cách đánh đổ chính phủ Pháp. Mà muốn đánh đổ chính phủ Pháp, không nhờ cậy thế lực một nước mạnh ngoài, thì tự người Nam không làm gì được. Hiện nay nước mạnh duy nhất có Nhật Bản là nước đồng văn, đồng chủng nên cầu viện với Nhật Bản… Tôi bác cái thuyết trên của Sào Quân (Sào Nam - Phan Bội Châu), lấy lẽ rằng, người nước Nam rui rúc dưới chính thể chuyên chế đã trên ngàn năm, chưa có tư cách quốc dân độc lập, dẫu có cậy sức nước ngoài, chỉ diễn cái trò “đổi chủ làm đầy tớ thứ hai”, cũng không có ích gì!”.
Phan Châu Trinh cho rằng: “Khi dân trí đã mở, trình độ ngày một cao là các nền độc lập ngày sau ở đấy. Còn theo chính kiến “cậy sức nước ngoài” thì nó quanh co khúc chiết, mình không tự lập, ai là kẻ cứu mình. Triều Tiên, Đài Loan, các gương rõ ràng, người Nhật chắc gì hơn người Pháp… Sào Quân không nghe cũng không nhận là phải, phủi áo ra đi, làm theo ý kiến mình”.
Về đường lối cứu nước, Phan Bội Châu (1867-1940) chủ trương cầu viện Nhật để đánh đuổi Pháp, bởi ông cho rằng người Nhật cùng là người châu Á “máu đỏ da vàng”, cùng có kẻ thù chung với người châu Âu “da trắng tóc vàng”. Nhưng thực tế, đế quốc Nhật Bản là một nước đi theo chủ nghĩa quân phiệt, đang tích cực bành trướng thuộc địa như thực dân châu Âu. Đến thời điểm đó, Nhật Bản đã xâm chiếm và đô hộ Triều Tiên, lấy Đài Loan làm bàn đạp chuẩn bị chiếm Trung Quốc. Do vậy, chủ trương của Phan Bội Châu là không thực tế, và nếu có thành công thì Việt Nam lại phải đối diện với mối nguy thực dân Nhật. Vì lẽ ấy, cũng như Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc dù khâm phục lòng yêu nước của Phan Bội Châu, đã nhận xét đường lối cầu cứu ngoại viện của ông giống như “đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau”.
Mùa hè năm 1906, Phan Châu Trinh về nước. Việc làm đầu tiên của ông là gửi một bức thư chữ Hán (Đầu Pháp chính phủ thư) cho Toàn quyền Paul Beau vạch trần chế độ phong kiến thối nát, yêu cầu nhà cầm quyền Pháp phải thay đổi thái độ đối với Nhân dân, sĩ phu nước Việt, sửa đổi chính sách cai trị để giúp người Việt từng bước tiến lên văn minh. Lời kêu gọi của ông không được đáp ứng, nhưng có thể nói Phan Châu Trinh là người đặt nền móng của “chủ nghĩa quốc gia”.
Khởi xướng phong trào Duy Tân
Là một người học rộng, có nhãn quan nhạy bén, trong số các sĩ phu đương thời, Phan Châu Trinh thấy rất rõ những nhược điểm của xã hội - con người Việt Nam. Để tiến tới độc lập, tự chủ, ông chủ trương phải thay đổi từ gốc rễ bằng cách nâng cao trí tuệ - khí phách người Việt, bằng cách phát triển kinh tế - văn hóa, học tập tư tưởng tiến bộ phương Tây, từ bỏ phong tục tập quán lạc hậu. Ông cho rằng Việt Nam phải phát triển kinh tế và giáo dục để tiến lên tự lực, tự cường, hội nhập thế giới văn minh đòi mưu cầu độc lập, chứ không cầu viện ngoại bang dùng bạo lực giành độc lập.
Tầm vóc vĩ đại của Phan Châu Trinh, theo tôi, là do ông thể hiện được một chân dung đáng chú ý nhất trong lịch sử văn hóa-chính trị Việt Nam đầu thế kỷ XX. Bởi ông đã xác định một cách rành mạch, sáng rõ nhất những nan đề (les problematimaques) đặt ra lâu dài mà các thế hệ người Việt Nam sẽ phải và mãi mãi còn phải đảm nhận. |
Sau đó, với phương châm “tự lực khai hóa” và tư tưởng dân quyền, Phan Châu Trinh cùng Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đi khắp các tỉnh Trung bộ để vận động công cuộc Duy Tân. Phương thức hoạt động của phong trào là bất bạo động, công khai hoạt động nhằm khai hóa dân tộc, giáo dục ý thức công dân, tinh thần tự do, pháp quyền, dân quyền, dân chủ, công bằng, bình đẳng, bác ái; cải cách trên mọi lĩnh vực… khẩu hiệu của phong trào lúc bấy giờ là: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.
Khai dân trí là việc bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy quốc ngữ cùng kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục xa hoa. Chấn dân khí là thức tỉnh tinh thần tự lực, tự cường; giác ngộ quyền lợi mỗi người đi đôi với nghĩa vụ công dân, giải thoát bóng tối chuyên chế. Hậu dân sinh là phát triển kinh tế, cho dân khai hoang làm vườn, lập hội buôn, phát động sản xuất hàng nội hóa… Trong thời gian này Phan Châu Trinh viết bài “Tỉnh quốc hồn ca”, kêu gọi mọi người Duy Tân theo hướng khai minh và phát triển thực nghiệp. Hưởng ứng lời kêu gọi, ở Quảng Nam và các tỉnh, nhiều trường học, thư xã, thương hội… lần lượt được lập ra. Phan Châu Trinh liên tục đi các nơi để diễn giảng, cùng các đồng chí mở được 40 trường học, cơ sở kinh tế như trường Dục Thanh ở Phan Thiết, xưởng nước mắm Liên Thành…
Học giả Nguyễn Hiến Lê viết: “Cụ Tây Hồ là người mở đường cho phong trào Duy Tân ở nước ta. Lập nghĩa thục, một phần công lớn là của Cụ, gây tư tưởng mới ở Quảng Nam là Cụ, đi khắp nơi diễn thuyết là Cụ, khuyên quốc dân cắt tóc cũng là Cụ, bỏ tục nhuộm răng, vận âu phục bằng nội hóa thì người đầu tiên cũng là Cụ”.
Vào tù ra khám
Ảnh hưởng của phong trào Duy Tân ngày càng lớn khiến thực dân Pháp lo sợ. Tháng 3-1908, phong trào chống sưu thuế Trung kỳ nổ ra bị triều Nguyễn và chính phủ bảo hộ Pháp đàn áp dữ dội. Phan Châu Trinh cùng nhiều thành viên phong trào Duy Tân bị nhà cầm quyền buộc tội đã khởi xướng phong trào, nên đều bị bắt. Thực ra phong trào này do quần chúng tự phát thực hiện, mặc dù có ảnh hưởng về tư tưởng dân quyền của Duy Tân nhưng không do Phan Châu Trinh trực tiếp lãnh đạo, phát động.
Phan Châu Trinh bị bắt ở Hà Nội, giải về Huế. Tòa khâm sứ Huế và Nam triều đều muốn khép ông vào tội chết. Nhờ sự can thiệp của những người Pháp tiến bộ và Hội Nhân quyền Hà Nội, chính quyền bù nhìn đành phải kết án “trảm giam hậu, lưu tam thiên lý, ngộ xá bất nguyên” (tội chém nhưng chỉ giam lại, đày xa ba ngàn dặm, gặp ân xá cũng không cho về), rồi đày đi Côn Đảo vào ngày 4-4-1908.
Dư luận bất bình bản án này, và nhờ sự vận động của Hội Nhân quyền Pháp, mùa hè năm 1910, Thống đốc Nam kỳ theo lịnh của Toàn quyền Đông Dương ra Côn Lôn thẩm vấn riêng Phan Châu Trinh, sau đó đưa ông về đất liền. Tại Sài Gòn, hội đồng xử lại bản án, ông được ân xá nhưng buộc xuống Mỹ Tho chịu quản thúc. Trong cảnh “cá chậu chim lồng”, ông viết thư cho Toàn quyền Đông Dương đòi được sang Pháp hoặc trở lại Côn Lôn, nhất định không chịu giam lỏng ở Mỹ Tho. Nhân có nghị định của Chính phủ Pháp về việc lập một nhóm giảng dạy tiếng Hán tại Pháp, năm 1911 Chính quyền Đông Dương lập một đoàn giáo dục Đông Dương sang Pháp; trong đó có cả Phan Châu Trinh và con trai là Phan Châu Dật.
Sang Pháp, việc đầu tiên của ông là đưa cho Hội Nhân quyền Pháp bản điều trần về vụ trấn áp những người dân chống sưu thuế ở Trung kỳ; tố cáo tình trạng các tù nhân ở Côn Lôn bị đối xử tàn tệ; nhờ các tổ chức xã hội can thiệp nhằm giảm án cho các đồng chí của mình. Ông cũng đã tiếp xúc nhiều lần với giới lãnh đạo cấp cao ở Bộ Thuộc địa Pháp, đưa ra những dự án cải tổ nền chính trị Việt Nam nhưng đều… không có kết quả.
Ngày 28-7-1914, liên minh Áo-Hung tuyên chiến với Serbia, mở màn thế chiến thứ nhất. Ngày 3-8, Đức tuyên chiến với Pháp. Nhân cơ hội này, nhà cầm quyền gọi ông và Phan Văn Trường - một luật sư, nhà báo người Việt chống thực dân-đi lính. Hai ông phản đối, vì cho mình không phải là công dân Pháp. Hai ông không phải đi lính nhưng bị buộc tội là gián điệp Đức, bị bắt giam từ tháng 9-1914. Do bị bắt giam nên tiền trợ cấp giảng dạy của Phan Châu Trinh bị cắt, con ông vừa đi học vừa làm. Cũng vào năm này, vợ ông là bà Lê Thị Tỵ qua đời ở quê nhà. Tháng 7-1915, do không đủ bằng chứng buộc tội, chính quyền Pháp trả tự do cho hai ông.
Là một người cùng khổ ở trời Âu, sau khi ra tù, mất chỗ dạy, Phan Châu Trinh học nghề sửa ảnh, làm thuê để kiếm sống. Cả hai cha con sống rất cơ cực, nên Phan Châu Dật bị bệnh đường ruột, bỏ học về nước và qua đời tại Huế năm 1921. Trong hoàn cảnh rất khốn khó nhưng Phan Châu Trinh vẫn tiếp tục hoạt động, luôn hướng về đất nước. Tháng 6-1919, ông cùng Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành cùng soạn bản “Yêu sách của dân An Nam” gửi cho Hội nghị Versailles, ký tên chung là Nguyễn Ái Quốc, đã gây được tiếng vang trong dư luận. Thấy hoạt động ở Pháp ít tác động đến bên nhà, Phan Châu Trinh nhiều lần yêu cầu chính phủ Pháp cho ông trở về quê hương nhưng đều không được chấp thuận. Mãi đến năm 1915, khi thấy sức khỏe ông quá suy yếu, nhà cầm quyền mới cho phép ông về nước. Cũng thời gian này ông hoàn thành cuốn “Đông Dương chính trị luận”.
Đấu tranh đến hơi thở cuối cùng
Là một người luôn đau đáu với quê hương đất nước, năm 1922 khi vua Khải Định sang Pháp dự đấu xảo Marseille, ông viết bức thư dài buộc tội vua Khải Định 7 điều (Thất điều trần), khuyên vua về nước gấp, không làm nhục quốc thể. Phan Châu Trinh còn viết bài Tỉnh quốc hồn ca, nêu thực trạng tăm tối xã hội thực dân phong kiến và những thủ đoạn tàn bạo của chính sách thuộc địa ở Việt Nam; đề ra đường lối cải cách dân chủ.
Tháng 6-1925 Phan Châu Trinh cùng nhà cách mạng Nguyễn An Ninh về đến Sài Gòn. Ông Ninh đưa ông vê thẳng khách sạn Châu Nam Hầu của cha mình là ông Nguyễn An Khương. Mấy ngày sau ông về nhà riêng của ông Khương ở Hóc Môn để tiện tiếp đón bạn bè, trao đổi công việc. Tuy bị bệnh nặng nhưng Phan Châu Trinh vẫn tổ chức diễn thuyết, kêu gọi lòng yêu nước của Nhân dân. Hai bài diễn thuyết nổi tiếng của ông là “Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa”, “Đạo đức và luân lý Đông Tây”, có tác động không nhỏ đến thế hệ thanh niên Sài Gòn. Các buổi diễn thuyết của Phan Châu Trinh đã lôi cuốn hàng ngàn người tham dự.
Ngày 24-3-1926, Phan Châu Trinh đang nằm trên giường bệnh thì hay tin Nguyễn An Ninh bị mật thám Pháp vây bắt. Cũng ngay đêm hôm đó, ông qua đời, hưởng dương 54 tuổi. Cả đời ông hoạt động vì dân vì nước, không có nhà cửa, phải ở nhờ bạn bè hoặc quần chúng có cảm tình với cách mạng. Vì vậy khi Phan Châu Trinh mất không có chỗ để an táng. Rất may nhờ bà Phạm Thị Quý - là một người giàu có, ngưỡng mộ Phan Châu Trinh, lại có nghĩa trang riêng nên đã đưa cụ về an táng ở nghĩa trang Gò Công.
Phan Châu Trinh qua đời, trở thành một sự kiện lớn. Một ủy ban tổ chức lễ quốc táng chí sĩ Phan Châu Trinh gồm nhiều nhân sĩ, tri thức đã hình thành ngay trong đêm. Rất nhiều cá nhân, tổ chức gửi câu đối, thơ văn đến đám tang. Bài điếu văn của Huỳnh Thúc Kháng - bạn thân thiết Phan Châu Trinh, phản ánh rõ nét cuộc đời chí sĩ: “Thôi, đất vàng một nắm, giấc mộng ngàn thu, sự nghiệp anh hùng, ngày nay hết cuộc. Chúng tôi chỉ mong mai sau này những người kế chí tiên sinh, làm cho vẻ vang dân tộc Việt Nam ta. Thì linh hồn tiên sinh sẽ được yên ổn mà ngậm cười nơi suối vàng”.
Báo chí lúc ấy đã viết về đám tang Phan Châu Trinh: “Ngày đi chôn, dân chúng sắp hàng dài đi dọc đường Pellerin, qua Norodom, quẹo Paull Planchy đến Phú Nhuận rồi thẳng lên Tân Sơn Nhất. Hàng chục ngàn người nghiêm trang, tay đeo băng tang xếp hàng đi… Một đám tang lớn chưa từng có ở Sài Gòn, đám tang thể hiện sự giác ngộ của quần chúng, là tấm lòng của đồng bào đối với nhà ái quốc suốt đời chỉ nghĩ đến Nhân dân”.
Sau đó, bất chấp sự ngăn cản của chính quyền thực dân, phong trào làm lễ truy điệu Phan Châu Trinh đã dấy lên rộng rãi khắp cả 3 kỳ, trở thành một sự kiện chính trị nổi bật. Khu mộ ông hiện ở quận Tân Bình, TPHCM; được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia.