Phát biểu chào mừng Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Uỷ ban chỉ đạo cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, cho biết văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ phải cao hơn mức tăng của GDP bình quân. Logistics là ngành có giá trị gia tăng cao trong khối ngành dịch vụ cần được quan tâm phát triển nhằm hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất, thương mại.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng chỉ ra một chỉ số “ngược”trong phát triển logistics tại Việt Nam nhiều năm trước đây là đóng góp của ngành này trong GDP còn khiêm tốn, chỉ 3-4%, nhưng ngược lại chi phí của tổ chức, doanh nghiệp bỏ ra cho logistics thì rất cao, hoàn toàn ngược với thế giới.
Nhận định được vai trò của logistics trong nền kinh tế mở, đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 200/QĐ-TTg về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 mở ra một giai đoạn mới cho phát triển logistics ở Việt Nam. Thủ tướng đã đề ra những giải pháp tổng thể, đồng bộ nhằm cải thiện cơ sở vật chất, hạ tầng, phát triển thị trường cũng như nâng cao năng lực quản lý nhà nước của các cấp, các ngành và nguồn lực con người phục vụ trong lĩnh vực này, đặt mục tiêu ngành này tăng trưởng từ 8-10%/năm.
Không chỉ vậy, Nghị quyết số 36-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó cũng nhấn mạnh nhu cầu xây dựng, hoàn thiện hạ tầng logistics, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế. Theo tinh thần của Nghị quyết, các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần được phát triển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng, từng bước gia tăng, chiếm lĩnh thị phần quốc tế.
Sau các Quyết định của Thủ tướng và Nghị quyết của Trung ương, Phó Thủ tướng cho biết logistics bứt phá mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng tăng trưởng. Ba năm qua, ngành này đạt mức tăng trưởng từ 12-14%. Năm 2018, WB đã xếp hạng Việt Nam ở thứ 36/160 quốc gia được nghiên cứu về logistics toàn cầu, tăng 35 bậc so với 2016 và sếp thứ 3 trong các nước ASEAN.
Nhưng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh đòi hỏi của nền kinh tế là lớn hơn so với khả năng cung cấp logistics hiện nay, đặc biệt là phải phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp logistics khi hiện nay cả nước mới chỉ có 3.000 doanh nghiệp, chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với số lượng hiện nay và hầu hết là những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, chưa có các tập đoàn logistics lớn đủ khả năng cạnh tranh ở trong khu vực và trên thế giới.
“Phải mở rộng thị phần trong nước và thâm nhập thị trường quốc tế, làm sao cho đóng góp của ngành này với GDP tăng lên và chi phí cho logistics thấp xuống, theo chủ trương là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế và doanh nghiệp. Chính phủ kỳ vọng vào sự hiến kế của các nhà quản lý, nghiên cứu, các hiệp hội và doanh nghiệp qua Diễn đàn này”, Phó Thủ tướng nói.
Với chủ đề logistics tăng cường kết nối vùng, Phó Thủ tướng cho rằng cần quan tâm tới cả kết nối nội vùng kinh tế động lực. Nhà nước với tư cách kiến tạo, sẽ xây dựng, hoàn thiện quy hoạch phát tiển KT-XH nói chung trong đó có quy hoạch kết cấu hạ tầng và cả phát triển logistics.Trên cơ sở đó, huy động các nguồn lực, các thành phần kinh tế, trong và ngoài nước để triển khai chuỗi giá trị các sản phẩm, dịch vụ logistics.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ, chính quyền địa phương không xây dựng các chuỗi giá trị này mà vai trò, trách nhiệm thuộc về khối doanh nghiệp, tư nhân”.
Phó Thủ tướng cũng đặt ra bài toán cho các ngành, địa phương và doanh nghiệp, Hiệp hội logistics Việt Nam phải phát triển hiện đại và mở rộng quy mô của ngành này trong bối cảnh triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số và thương mại điện tử.
“Chúng tôi sẽ tiếp thu những ý kiến giá trị về phát triển logistics và sẽ thể chế hoá vào Nghị quyết số 01 của Chính phủ năm 2019”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu.
Cần cú hích để tạo ra cuộc đua về logistics
Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione cho rằng Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế “mở” nhất trên thế giới và ngày càng hội nhập nhiều hơn nữa vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Hàng hóa thương mại với giá trị trên 1 tỷ USD đi qua biên giới Việt Nam hằng ngày và khối lượng hàng hóa tăng nhanh với mức trên 10%/năm. Do đó, dịch vụ logistics hiệu quả, kết nối xuyên khu vực và xuyên biên giới đóng vai trò quan trọng trong khả năng cạnh tranh của Việt Nam.
Ông Ousmane Dione đánh giá Chính phủ Việt Nam đã đưa ra những cải thiện về logistics và coi đây là một ưu tiên chính sách với nhiều kết quả tích cực. Điển hình phải kể là việc áp dụng cơ chế một cửa quốc gia và kết nối thủ tục với các nền kinh tế ASEAN khác, xây dựng hệ thống hạ tầng hải quan điện tử, giảm thủ tục, tăng minh bạch. Về phần “cứng”, Việt Nam đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng kết nối trọng yếu, mở rộng đường cao tốc, quốc lộ, xây dựng các cảng biển sâu tạo cửa ngõ giao thương quốc tế thúc đẩy vận tải đường biển trong nước.
“Chúng ta phải có cuộc đua trong logistics và cần có cú hích quan trọng để tạo ra cuộc đua này thông qua tiếp tục đầu tư vào hạ tầng kết nối, tập trung vào đầu tư hiệu quả và thông minh, kết nối chiến lược vận tải đa phương thức ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương”, ông Ousmane Dione nói.