Phép thử sinh động

Nhưng phía cơ quan quản lý nhà nước lại lo ngại và cho rằng Uber đang hoạt động trái phép. Thậm chí, có địa phương như TPHCM đã bắt đầu tiến hành xử phạt loại hình kinh doanh này (với mức phạt 3-4 triệu đồng với cá nhân, 6-8 triệu đồng đối với tổ chức).
 

Những ngày gần đây, tính pháp lý của phương thức vận tải hành khách trên nền tảng phần mềm Uber đang trở thành chủ đề nóng trên nhiều diễn đàn. Về phía người tiêu dùng, sử dụng Uber mang lại nhiều tiện ích như giá rẻ, mô hình kinh doanh hiện đại.

Nhưng phía cơ quan quản lý nhà nước lại lo ngại và cho rằng Uber đang hoạt động trái phép. Thậm chí, có địa phương như TPHCM đã bắt đầu tiến hành xử phạt loại hình kinh doanh này (với mức phạt 3-4 triệu đồng với cá nhân, 6-8 triệu đồng đối với tổ chức).

 Để sử dụng dịch vụ taxi Uber, khách hàng chỉ việc cài đặt phần mềm ứng dụng Uber vào điện thoại, sau đó thực hiện đặt lịch trình và dịch vụ Uber sẽ tự động liên kết với một chủ xe có tham gia mạng để báo giá cũng như thông tin qua lại cho đôi bên. Chủ xe ô tô khi tham gia vào mạng lưới Uber rất đa dạng, thậm chí có cả loại xe cao cấp như Mercedes, BMW...

Điểm khác biệt của dịch vụ Uber là không cần trụ sở, tổng đài, các phương tiện tham gia dịch vụ Uber không cần lắp đặt bảng giá cước phí, đồng hồ tính cước, phù hiệu, hộp đèn, logo, kể cả giấy phép đăng ký kinh doanh vận tải. Đây chính là lý do vì sao giá cước của taxi Uber rẻ hơn taxi truyền thống.

Mới đây, Hiệp hội Taxi TPHCM đã kiến nghị cơ quan quản lý xem xét làm rõ tính pháp lý của xe Uber. Tại cuộc họp hôm 1-12 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường cho rằng hoạt động vận tải có thu tiền trực tiếp của người dân không thông qua đơn vị kinh doanh vận tải như mô hình Uber là trái với quy định của pháp luật. Việc taxi Uber không đăng ký, không đóng thuế, giảm tối đa giá thành đã gây thiệt hại cho Nhà nước và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng.

Tuy nhiên, chỉ 1 ngày sau, trong cuộc họp khác, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng lại mở ra một “cánh cửa” để hợp pháp hóa Uber. Theo Bộ trưởng, loại hình kinh doanh Uber có giá thấp hơn so với taxi thông thường và người dân thấy lợi nhờ sử dụng dịch vụ này.

Trên thế giới đã có một số nước ứng dụng công nghệ Uber. Vì vậy, các cơ quan chức năng phải nghiên cứu, tạo điều kiện để taxi Uber được hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, bằng cách bổ sung quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GTVT phải làm sao để thúc đẩy ngành GTVT phát triển theo hướng năng suất và chất lượng cao hơn, đem lại sự hài lòng hơn cho người dân và doanh nghiệp, giảm chi phí quốc gia. Vì vậy, thể chế chính sách phải thật đơn giản, bỏ ngay tư tưởng không quản được thì cấm”.

Trên thực tế, việc Uber có trái luật hay không vẫn là vấn đề gây nhiều tranh luận. Một loại hình kinh doanh mới có trái luật hay không cần phải xem luật có quy định không. Nếu luật có quy định nhưng Uber không phù hợp với quy định của luật mới có thể kết luận là trái luật. Còn nếu luật chưa có quy định, không thể gọi là kinh doanh trái luật được.

Xét cụ thể ở mô hình Uber, chủ xe ô tô tham gia mạng lưới này có thể vi phạm về điều kiện kinh doanh taxi, nhưng phía Uber không vi phạm vì chủ thể này chỉ có vai trò trung gian công nghệ để kết nối nhu cầu, không cung cấp dịch vụ vận tải. Vấn đề đặt ra, nếu không quản lý Nhà nước sẽ mất thuế và bản thân người sử dụng dịch vụ cũng dễ gặp rủi ro. Tất nhiên, đây không phải là việc dễ dàng, bởi không chỉ ở Việt Nam, Uber cũng đã bị phản đối ở nhiều nước trên thế giới.

Mới đây, Cục Giao thông đường bộ Malaysia đã lên tiếng cảnh báo công chúng rằng Uber không có bảo hiểm trong trường hợp tai nạn xảy ra. Trong khi Indonesia cho biết sẽ bắt giữ lái xe Uber nếu mô hình này tiếp tục hoạt động trong tình trạng không có giấy phép. Thái Lan cũng vừa tuyên bố Uber hoạt động bất hợp pháp, còn Singapore đang soạn lại các quy định để đưa Uber vào vòng kiểm soát...

Có một sự trùng hợp là tranh cãi về tính pháp lý Uber nổ ra đúng dịp Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi). Nội dung cơ bản nhất của 2 đạo luật mới này là thay đổi phương pháp tiếp cận. Phương pháp trước đây là “chọn cho”, có nghĩa trong luật quy định những lĩnh vực được phép đầu tư kinh doanh. Lần này, luật sửa đổi thay bằng phương pháp minh bạch và rõ ràng hơn là “chọn bỏ”.

Đây là phương pháp khó trên thế giới không phải nước nào cũng dám áp dụng. Nhưng để cải cách môi trường kinh doanh, Quốc hội đã quyết định áp dụng phương pháp này. Đó là cái gì cấm, cái gì hạn chế thì ghi vào trong luật. Và những gì luật pháp không cấm người dân, doanh nghiệp được tự do đầu tư, kinh doanh.

Việc kiểm soát Uber thay vì cấm đoán, có lẽ là một phép thử sinh động cho những tư tưởng mới trong 2 đạo luật mang tính cải cách đột phá này: người dân được làm những gì pháp luật không cấm.

Các tin khác