Phim chứng khoán

Mùa Tết thường cũng là mùa các rạp chiếu hoạt động hết công suất, các nhà làm phim, phát hành tung ra đủ thể loại từ tình cảm, đến hài, hành động, nước ngoài có, trong nước có… Nhưng tuyệt nhiên chưa thấy phim nào liên quan đến chứng khoán được chiếu trong mùa Tết cả.

Mùa Tết thường cũng là mùa các rạp chiếu hoạt động hết công suất, các nhà làm phim, phát hành tung ra đủ thể loại từ tình cảm, đến hài, hành động, nước ngoài có, trong nước có… Nhưng tuyệt nhiên chưa thấy phim nào liên quan đến chứng khoán được chiếu trong mùa Tết cả.

Có người nói rằng, quanh năm theo sát thị trường chứng khoán (TTCK), Tết đến nên coi phim hài nhảm cho thanh thản đầu óc. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, dân chứng khoán mà được xem phim hay về nghề của mình sẽ cảm thấy một sự đồng cảm, gắn bó, thậm chí là an ủi. Phim liên quan đến chứng khoán thường nằm ở thể loại phim tâm lý (drama), tội phạm (crime), tiểu sử (biography)… thường xuất hiện vào mùa thấp điểm trong năm là mùa thu.

Số lượng phim chứng khoán vốn dĩ rất ít, phải đến vài năm, thậm chí hàng chục năm mới có một phim chứ không đều đặn như các phim hành động, siêu anh hùng, hay tình cảm, hài… Năm 1987, bộ phim Wall Street (Phố Wall) được thực hiện bởi một ê kíp tầm cỡ bao gồm đạo diễn Oliver Stone, Biên kịch Stanley Weiser, diễn viên Michael Douglas đã đạt rất nhiều giải thưởng.

Danh giá nhất là giải Oscar nam diễn viên chính xuất sắc nhất dành Michael Douglas, với vai diễn ông trùm đầu cơ Gordon Gekko. Dù chỉ là một nhân vật hư cấu, nhưng Gordon Gekko lại quá thực bởi những hành động, chiêu trò của nhân vật này như giao dịch dựa vào thông tin nội gián, rồi mua gom cổ phiếu (CP) với lượng lớn để ép đối thủ mua lại với giá cao… đang phổ biến trên thị trường. Thậm chí, đã từng có một khóa học liên quan đến kinh doanh tại Việt Nam còn lấy nhân vật này làm… hình mẫu trong việc tận dụng các cơ hội trên thị trường.

Giờ đây, nếu ai muốn  ngồi xem lại phim Wall Street cũng dám chắc rằng nội dung dù xuất hiện gần 30 năm trước vẫn chưa cũ. Vì sao? Nếu ai đó cho rằng vì TTCK Việt Nam là thị trường đi sau nên chỉ tương đương với các TTCK phát triển như Hoa Kỳ vài chục năm trước sẽ là phiến diện.

Nói một cách công bằng hơn, sự vận động của TTCK dù ở thời điểm nào cũng có những nét tương đồng nhau. Chẳng hạn như đầu cơ, thông tin nội gián, làm giá chứng khoán lúc nào cũng có, nhưng thực hiện ở cấp độ nào, lộ liễu hay kín kẽ… Và ở TTCK Việt Nam  cũng đã xuất hiện.

Phải đợi đến hơn 20 năm sau, phần nối tiếp của Wall Street với cái tên  Money never sleeps (Tiền không bao giờ nằm yên) mới xuất hiện vào năm 2010. Đây cũng là phim chứng khoán được xem nhiều nhất, có công ty chứng khoán còn mua vé theo kiểu “bao rạp” cho nhân viên và khách hàng của mình đi xem. Thậm chí có nhà đầu tư (NĐT) còn thích phim này tới mức đi xem 2-3 lần.

Năm 2011, lại có thêm một phim liên quan tới chứng khoán được Hollywood sản xuất với tên gọi Margin Call (Giải chấp) cũng được phát hành nhưng không nổi như 2 phần của Wall Street. Năm 2013, tài tử Leonardo Di Caprio và đạo diễn nổi tiếng bởi những bộ phim gây tranh cãi là Martin Scorsese, đã hợp tác cùng nhau để tạo nên The Wolf of Wall Street (Sói già Phố Wall).

Khác với những phim trước đó với nội dung hư cấu, Sói già Phố Wall được xây dựng trên nguyên mẫu trùm môi giới Jordan Belfort, từ khi vào nghề cho đến khi sở hữu một công ty môi giới lớn và những chiêu trò kiếm tiền phi pháp. Bộ phim này cũng gây ra một số tranh cãi khi “nhấn” quá nhiều vào hậu trường của dân chứng khoán với những cuộc ăn chơi có mỹ nữ, cần sa và có người cho là cường điệu quá mức.

Như vậy gần 30 năm, số lượng phim về chứng khoán cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân cũng khá dễ hiểu vì chứng khoán là một lĩnh vực phức tạp, chuyên biệt, trong khi đã làm phim phải mang tính đại chúng, làm sao hòa hợp được cả 2 là điều cực kỳ khó.

Còn nhớ, hồi giai đoạn chứng khoán Việt Nam bùng nổ 2006-2007, đã từng có đạo diễn lên tiếng sẽ làm một bộ phim về thị trường trong nước. Nhưng sau đó không thấy tăm hơi bộ phim này đâu và người ta suy đoán có khi chưa kịp làm thì chứng khoán “gãy” trong năm 2008 nên không có tiền, hoặc nguyên nhân khác là ê kíp làm phim không đủ chuyên môn để thực hiện.

Một chuyên viên phân tích chứng khoán kỳ cựu lập luận: Để làm ra một bộ phim hay, một tác phẩm nghệ thuật nào đó liên quan đến chứng khoán, yêu cầu bắt buộc là phải am hiểu sâu ngành này. Thí dụ, trong phim Sói già phố Wall, tay môi giới kỳ cựu Mark Hana đã nói với Jordan Belford khi mới vào nghề về triết lý kiếm tiền của môi giới như sau: “Khách hàng cứ mua, cứ bán, lời lỗ, thực ảo là chuyện của họ, có khi họ chỉ sở hữu những tài sản ảo, còn mức phí chúng ta thu về là thực”.

Hay như trong phim Wall Street, tay trùm đầu cơ đã từng nói: “Thông tin là tài sản đáng giá nhất”. Trong phim Margin Call, vào trước lúc công ty đầu tư phải tiến hành giải chấp tài sản, đã lồng vào một khúc nhạc rất bi ai, mà khúc nhạc này lại là một phần trong bộ Prelude (dạo đầu) của Chopin. Điều này cũng “ngầm” ám chỉ công ty này sắp bước vào một giai đoạn “thảm khốc” trong giải chấp. Thiết nghĩ, chỉ những nhà làm phim kỳ cựu mới có thể “bắt” được những ý như vậy và dàn dựng để vừa thuyết phục được dân chuyên môn nhưng người bình thường xem cũng rất “ngấm”.

Phim chứng khoán ảnh 1

Cảnh trong bộ phim: Money never sleeps (Tiền không bao giờ nằm yên).

Thành thực mà nói, trình của dân làm phim trong nước là chưa đủ. Làm những phim dòng phim phổ biến như tình cảm-hài, hình sự, kinh dị… còn bị chê lên chê xuống thì không thể đùa với phim chứng khoán. Đây rõ ràng là điều đáng tiếc bởi lẽ TTCK Việt Nam đã có 15 năm hoạt động, chưa phải là dài nhưng cũng không phải là quá ngắn và có thể nói là đã có nhiều sự kiện, nhân vật đủ sức trở thành chất liệu cho một bộ phim.

Trong 2 năm rồi, nhìn chung các NĐT dày dạn kinh nghiệm đều có lợi nhuận từ khá đến rất tốt trên thị trường. Trong một buổi tiệc “mừng chiến quả”, một NĐT trẻ tuổi đã cao hứng nói rằng tại sao không đầu tư vào một bộ phim chứng khoán và cũng coi như mua một CP “khó nhằn”, lỗ thì nặng nhưng nếu làm tốt có khi thắng lớn.

Tuy nhiên, một vài đàn anh dày dạn kinh nghiệm đã khoát tay và nói: Hằng ngày, nhìn thị trường cũng như phim rồi, cần gì phải có bộ phim nào nữa. Cứ nhìn những phiên sáng giảm mạnh, chiều tăng mạnh hoặc ngược lại, cảm giác vui/buồn/sướng/khổ là rất “ép phê”. Hay như những CP có biến động giá mạnh, hoặc những phiên giải chấp diễn ra vài ngày thì có khác gì trong phim đâu.

Nói cách khác, cuộc đời của mỗi NĐT dày dạn và trụ được trên TTCK cũng không khác gì một bộ phim, chỉ khác là phim hay, chưa hay và có sinh lời nổi hay không. Có lẽ phim hay nhất là đến Tết, ai đó cũng rủng rỉnh tiền bạc trong túi, đó là cái kết có hậu nhất.

Các tin khác