Tại tổ đại biểu (ĐB) Quốc hội số 10, thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp phiên chuyên đề cho ý kiến về luật này ngày 12-4 và đã ra thông báo kết luận.
“Dự thảo trình Quốc hội lần này chưa thể hiện hết các yêu cầu của UBTVQH”, ông nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định |
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, khái niệm “kinh doanh” phải được sử dụng thống nhất trong toàn bộ hệ thống pháp luật, nhưng dự thảo luật đã dùng không chính xác. Cần phân biệt rất rõ hành vi trao đổi, mua bán theo pháp luật dân sự với hoạt động mua bán bất động sản chuyên nghiệp, do chủ thể kinh doanh thực hiện.
Tổ chức, cá nhân có quyền mua bán bất động sản, nhưng để trở thành chủ thể kinh doanh thì phải lập doanh nghiệp, đáp ứng những điều kiện nhất định, được pháp luật công nhận thì mới được. Tương tự, với đối tượng kinh doanh, không phải bất động sản nào được đem mua bán cũng là đối tượng của luật này.
“Cái nhà đang ở được một cá nhân bán đi, một doanh nghiệp giải thể, phá sản, bán trụ sở đi thì những bất động sản này không phải đối tượng của luật”, ông nói. Chính vì đã có sự nhầm lẫn về khái niệm và khoanh định không đúng phạm vi, đối tượng, nên dự án luật nhìn chung còn rất nhiều điều phải chỉnh lý.
ĐB Phan Đức Hiếu (Thái Bình) chia sẻ quan điểm của Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định, chỉ ra nhiều khoảng chồng chéo với Luật Nhà ở do các khái niệm không được xác định rõ. ĐB đề nghị, tất cả những hoạt động liên quan đến hoạt động chuyên nghiệp để tìm kiếm lợi nhuận trong lĩnh vực bất động sản thì quy định trong luật này.
ĐB Hoàng Ngọc Định (Hà Giang). Ảnh: QUANG PHÚC |
ĐB Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) bày tỏ quan tâm đến quy định bắt buộc mua bán bất động sản qua sàn giao dịch. ĐB cho rằng đây là quy định không hợp lý, vì sẽ làm phát sinh chi phí, tăng giá bán (người mua phải chịu). Trong khi đó, hồ sơ dự án chưa có đánh giá tác động của việc bắt buộc mua bán qua sàn.
“Nội dung này từng bị bãi bỏ, nay khôi phục lại, trong khi Bộ luật Dân sự cũng không quy định và chưa chắc đã giúp tăng tính đảm bảo pháp lý, hạn chế tiêu cực trong lĩnh vực này”, ĐB nhấn mạnh. Trong khi đó, theo ĐB, quy định cần thiết hơn là công chứng các giao dịch bất động sản, thì lại không bắt buộc.
“Thủ tục công chứng bắt buộc là quy định rất phổ biến, được nhiều quốc gia phát triển trên thế giới lựa chọn và ưu tiên sử dụng mà không có ngoại lệ về mặt chủ thể. Trong bối cảnh cơ sở dữ liệu công chứng quốc gia đang được xây dựng, hoàn thiện, chất lượng hoạt động công chứng ngày càng tốt hơn thì việc công chứng tỏ ra hiệu quả hơn nhiều trong việc ngăn ngừa các hành vi gian lận, tiêu cực”, ĐB nhận xét.
ĐB Hoàng Ngọc Định khái quát: “Sàn giao dịch thiên về môi giới, trong khi công chứng có ý nghĩa đảm bảo tính pháp lý. Công chứng không thay thế sàn, ngược lại, sàn cũng không thay được công chứng. Chỉ mua bán qua sàn giao dịch thì không đủ đảm bảo tính pháp lý”.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đồng tình với quan điểm này. Ông nói thêm: “Sàn giao dịch bất động sản trong nhiều trường hợp còn là sân sau của chủ đầu tư. Tôi đề nghị tất cả các giao dịch đều phải qua công chứng, chứng thực, trừ khi 2 bên mua bán đều là tổ chức”.