Và cũng như VN, thức ăn của người Thái khá đa dạng với hương vị vùng miền khác nhau trải dài từ Nam ra Bắc.
Ẩm thực vùng miền Thái Lan
Những ngọn đồi ở vùng Sankambeng cùng những dòng sông nhỏ xuyên qua khiến miền đông Thái Lan đầy trĩu những vườn cây ăn trái, đặc biệt là sầu riêng. Và thức ăn cũng ngọt ngào như hương vị cây trái nơi đây. Biển Azure của miền đông Thái Lan cung cấp lượng cá tươi cùng với hoa cỏ thảo mộc trên đồi núi thường được đưa vào bữa ăn hằng ngày.
Người miền đông Thái Lan khá cầu kỳ trong cách trang trí các món ăn và nổi tiếng nhất là món xôi sầu riêng. Cơm nếp dẻo được gói ghém rất khéo vào bên trong múi sầu riêng, bên trên rắc thêm một ít mè đen rang và trên cùng là nước cốt dừa. Khao lam, món cơm nếp nấu trong ống tre với hương vị nếp thơm lạ cũng không nên bỏ qua.
Ai đó nói rằng: “Nếu bạn chưa thử qua món khao yum, nghĩa là bạn chưa từng đặt chân đến miền Nam nước Thái”. Món ăn khao yum truyền thống chỉ có 3 thành phần cơ bản: tôm, ớt và nước dừa nhưng đủ nói lên tính cách con người của vùng biển. Nghệ là hương liệu không thể thiếu trong nấu ăn của người phương nam và cái màu vàng tươi óng ánh này luôn được tìm thấy trong các món ăn.
Vùng đất phương nam còn là nơi sinh sống của người gốc Ấn theo Hồi giáo, vì vậy du khách có thể tìm thấy những chiếc bánh mì roti ăn kèm với cà ri. Nhưng tôi không thể bỏ qua món salad mà có thể tìm thấy trong bất cứ nhà hàng nào, được trộn từ những chiếc lá điều non (cashew) với dầu dừa, có hương vị rất ngon. Và như một điều tất yếu, du khách khó từ chối thử qua các loại hải sản tươi bởi phương nam Thái Lan được bao bọc bởi vịnh Thái Lan và biển Andaman.
Những ngọn núi cao chứa đầy khoáng chất và những thung lũng xanh rì là hình ảnh của miền tây Thái Lan. Có 2 sản vật mà du khách không thể quên khi lưu trú tại đây: hạt tiêu Ka Leang với vị cay xé gấp đôi ớt bình thường và nấm mối Het Khone của vùng Kanchanaburi với độ mềm, giòn, hương vị như thịt gà. Cà ri xanh và đỏ là món ăn truyền thống của vùng đất phương tây. Cà tím là thành phần không thể thiếu để tạo nên hương vị của những tô cà ri.
Miền trung lại bị ảnh hưởng nhiều của người Hoa và Myanmar trong văn hóa ẩm thực. Nơi đây từng là vùng đất thần kinh của nhiều vương triều nên người miền trung khá cầu kỳ trong việc trang trí lẫn cách nấu các món ăn. Cà ri xanh (kaeng khieo wan) và món súp tom yam luôn được yêu chuộng trong các bữa ăn gia đình.
Ngoài ra, món kem dừa, thịt gà hầm, tom kha kai cũng được đưa vào trong sự chọn lựa. Một điểm đặc biệt ở miền trung Thái Lan: món omelettes không thể thiếu trong bữa cơm gia đình. Omelettes có thể chiên ăn không, hoặc cho vào xúc xích heo, cà chua và hành trắng. Canh khoai mỡ cũng khá được ưa chuộng ở đây.
Món Khao soi và Khao Gan Jin của người Chiang Mai
Người Thái gọi Chiang Mai là “đóa hồng của vùng đất phương bắc” bởi sâu thẳm trong những bức tường thành rêu phong cổ kính của pháo đài sót lại dọc theo bờ sông Ping là những làng nghề truyền thống còn giữ được cho đến ngày nay hay một khí hậu se se lạnh vừa đủ cho những đóa hồng bung cánh giữa những khu sinh thái trong trẻo tự nhiên trên rẻo cao...
Sự nồng ấm, thân thiện và hiếu khách của người Chiang Mai đã được tôi bắt gặp từ cô chủ của căn nhà trọ nhỏ khi cô nhất định nấu cho tôi thử qua món xôi sầu riêng miễn phí theo cách người miền đông Thái Lan cho bữa ăn sáng hôm sau. Cuộc trò chuyện với cô trong bữa ăn sáng lại giúp tôi hiểu được ẩm thực của “đóa hồng phương bắc”. Cùng ảnh hưởng văn hóa ẩm thực của người Hoa và người Myanmar, nhưng ẩm thực phương bắc đa dạng hơn miền trung Thái Lan và sự đa dạng ấy có thể được nhìn thấy qua những bộ dụng cụ để nấu phục vụ trong các bữa ăn. Người phương bắc thường sử dụng nhiều nước tương và gừng khi ướp thức ăn.
Những gia vị cay nồng truyền thống của người Thái được người phương bắc thay thế bằng nước cốt dừa, giò tôm (tôm quết nhuyễn) và dầu cá. Giữ hồn cho bữa ăn của người phương bắc chính là hương vị của cơm. Lúa địa phương được cấy ở đây có thời gian sinh trưởng 6 tháng, hạt cơm dẻo như nếp và rất thơm. Người phương bắc thường sử dụng tay để bốc khi ăn. Cơm được nấu trên bếp lửa riu riu ăn cùng với những miếng thịt heo dày luộc đủ chín chấm mắm thường thấy xuất hiện trong bữa ăn gia đình.
Trong hơn 10 món ăn nổi tiếng của vùng đất phương bắc, khao soi và khao gan jin là hai món ăn nức tiếng của người Chiang Mai bởi Khao soi là sự hỗn hợp của ba nền văn hóa Myanmar, Trung Hoa và Thái, trong khi khao gan jin là món ăn mang bản sắc rất riêng của người Chiang Mai.
Tô mì cà ri gà khao soi với hương vị nhẹ nhàng của cà ri và beo béo nước cốt dừa được tôi dùng ngay buổi chiều hôm đó. Khao soi còn được gọi là sự hỗn hợp văn hóa bởi người Chiang Mai áp dụng cách thức nấu cà ri của người Myanmar nên không quá đậm mùi như người Ấn, trong khi sợi mì vàng là của người Trung Hoa và gia vị nấu cà ri như gừng, lá chanh, sả cây… là của Chiang Mai.
Gọi khao gan jin là món ăn bản sắc của người Chiang Mai bởi đây là món cơm đỏ hồng màu huyết lợn được dân tộc thiểu số Tai Yai sinh sống ở miền bắc Thái Lan sáng chế để dâng cho các vị vua thuộc vương triều Lanna. Tiết lợn nóng hổi thu được từ một chú lợn vừa bị thịt rưới lên lớp gạo dẻo trộn ít thịt ba rọi băm vụn và gói lại bằng lớp lá chuối xanh để hấp cách thủy. Cái cay cay của một trái ớt hiểm cùng với vị nồng hăng của hành tím và một ít dưa leo sẽ tạo vị giác rất ngon khi dùng chung với cơm dẻo khao gan jin.