Toàn cầu hóa hội nhập kinh tế quốc tế đang là xu thế nổi bật của thế giới hiện nay nhưng quá trình hội nhập và mở cửa thị trường đã đặt các ngành sản xuất trước những thách thức cạnh tranh lớn hơn đến từ hàng nhập khẩu.
Vì vậy, các biện pháp phòng vệ thương mại có xu hướng được nhiều quốc gia sử dụng để bảo vệ sản xuất trong nước.
Trong khi đó, dịch bệnh COVID-19 khiến thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp buộc các quốc gia đẩy mạnh hơn nữa phòng vệ hàng hóa.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) về những giải pháp hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp trước những va chạm lợi ích trong phòng vệ thương mại.
- Những năm gần đây, nhiều nước đã và đang gia tăng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Ông lý giải thế nào về hiện tượng này?
Ông Lê Triệu Dũng: Đến nay, Bộ Công Thương đã xử lý 204 vụ việc phòng vệ thương mại do 21 quốc gia/vùng lãnh thổ khởi xướng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và tập trung nhiều vào mặt hàng thép, sợi, nông sản, thủy sản. Hoa Kỳ là nước điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với 40 vụ việc, chiếm gần 1/5 tổng số vụ việc.
Lý do chính gia tăng vụ việc phòng vệ thương mại của các nước áp dụng là do xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh trong thời gian vừa qua. Đây là xu thế chung đối với phần lớn các nước trên thế giới.
Hơn nữa, do tác động của việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhiều mặt hàng đã tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nhập khẩu khiến ngành sản xuất nước này phải đề nghị Chính phủ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Cùng với đó, căng thẳng thương mại giữa một số nền kinh tế lớn gia tăng cũng là nguyên nhân mà doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.
Ngoài ra, dịch COVID-19 cũng khiến nhiều ngành phải thu hẹp sản xuất, sa thải công nhân và xu thế bảo hộ xuất hiện tại một số nước, khu vực. Vì vậy, nhiều nước đã gia tăng điều tra phòng vệ thương mại để bảo hộ sản xuất.
- Dù được ví như “phao cứu hộ” cho doanh nghiệp khi ra "biển lớn" nhưng dường như doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá mơ hồ trong việc sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại. Theo ông đâu là nguyên nhân của vấn đề này?
Ông Lê Triệu Dũng: Các biện pháp phòng vệ thương mại đã có lịch sử gần 100 năm, nhiều nước phát triển đã thiết lập được nền tảng vững chắc về phòng vệ thương mại như hệ thống pháp luật, thể chế, cơ quan điều tra, nguồn nhân lực...
Hơn nữa, cộng đồng doanh nghiệp ở các nước này cũng quen với việc sử dụng hay ứng phó với công cụ phòng vệ thương mại và coi đây là một phần quan trọng trong môi trường kinh doanh.
Tuy nhiên tại Việt Nam, đây là lĩnh vực khá mới mẻ, phức tạp, nhất là với cộng đồng doanh nghiệp, đòi hỏi các ngành, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan phải quan tâm và dành nguồn lực để đảm bảo không bị động cũng như ứng phó hiệu quả khi tham gia thương mại quốc tế.
Thông thường một vụ việc điều tra thương mại kéo dài 12 tháng và có thể gia hạn tới 18 tháng, sau đó doanh nghiệp còn phải đối phó với nhiều lần rà soát thuế và thời gian áp thuế trừng phạt có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, thậm chí đến 20 năm. Do đó, chi phí và nguồn lực để theo đuổi vụ việc, kể cả chi phí thuê luật sư tư vấn của doanh nghiệp là rất lớn.
Thế nhưng, đáng mừng là nhận thức về phòng vệ thương mại của doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Vì thế, nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp dần quen và biết cách vượt qua rào cản thương mại để ổn định và tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu.
Không ít doanh nghiệp đã có bộ phận chuyên xử lý các vụ kiện về phòng vệ thương mại của nước ngoài, nhất là các ngành xuất khẩu quan trọng như: thủy sản, thép, dệt may...
Trên thực tế, sự quan tâm cũng như mức độ nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, hiệp hội ngành nghề có liên quan đã có diễn biến tích cực.
Theo thống kê, năm 2013 có tới 16% doanh nghiệp được khảo sát không biết thông tin về phòng vệ thương mại, 19,8% có tìm hiểu sơ qua, gần 65% có nghe nói nhưng không hiểu và chỉ có gần 2% là đã tìm hiểu kỹ và đã từng tham gia vụ việc.
Tuy nhiên, đến năm 2019 chỉ còn 11% doanh nghiệp không biết; 36% có nghe nhưng không hiểu sâu; 36% đã tìm hiểu về biện pháp và 17% đã tìm hiểu kỹ và là bên liên quan.
Điều này cho thấy hiệu quả truyền thông về các biện pháp phòng vệ thương mại cũng như sự chủ động của doanh nghiệp trong việc tìm hiểu và sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Dù vậy, vẫn còn một số doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa nhận thức được tầm quan trọng của công cụ phòng vệ thương mại và cho rằng các biện pháp này không trực tiếp tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng cung cấp thông tin về phòng vệ thương mại cho nhóm các doanh nghiệp này.
- Để hạn chế thấp nhất việc bị khởi kiện phòng vệ thương mại, theo ông các doanh nghiệp nên tự bảo vệ bằng cách nào?
Ông Lê Triệu Dũng: Đầu tiên là doanh nghiệp phải có nhận thức về các biện pháp phòng vệ thương mại và nâng cao qua việc tìm hiểu kỹ quy định về phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu, nhất là các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Canada, Liên minh châu Âu… và thậm chí cả các nước ASEAN.
Đặc biệt, trong bối cảnh tự do hóa thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại là một thực tế phổ biến trên thế giới, nhất là các doanh nghiệp, nhiều khả năng sẽ phải đối diện.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần tính tới các phương án dự phòng trong chiến lược phát triển sản xuất và xuất khẩu để ứng phó với phòng vệ thương mại từ các nước nhập khẩu.
Cùng với đó, khi có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, doanh nghiệp phải phối hợp với Bộ Công Thương cũng như cơ quan điều tra của nước ngoài.
Bởi kinh nghiệm cũng như thực tiễn cho thấy sự phối hợp, cung cấp thông tin của doanh nghiệp, ngành sản xuất trong quá trình ứng phó với điều tra của nước ngoài là yếu tố quyết định có giảm thiểu tác động bất lợi của biện pháp phòng vệ thương mại hay không.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần lưu ý đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường vì điều này có thể tạo ra cơ sở cho các nước khởi kiện.
Cuối cùng, trong quá trình điều tra các biện pháp phòng vệ thương mại, các nước nhập khẩu tìm hiểu rất kỹ về nguồn nguyên liệu cũng như chuỗi sản xuất của sản phẩm. Do đó, để có thể giảm thiểu các tác động tiêu cực, Việt Nam cần phát triển các chuỗi giá trị, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước.
Ngoài ra, doanh nghiệp không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Bởi nếu phát hiện các hành vi này, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài “trừng phạt” rất nặng, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sẽ “mất” toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan.
Nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra, ngăn chặn và tránh để hành vi của một vài doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
- Xin ông cho biết Bộ Công Thương đã và đang thực hiện các biện pháp gì để phát huy vai trò của phòng vệ thương mại nhằm đảm bảo môi trường thương mại công bằng và hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi chính đáng?
Ông Lê Triệu Dũng: Xuất phát từ việc kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh cộng với chính sách bảo hộ của một số thị trường ảnh hưởng từ tình hình kinh tế thế giới sẽ khiến số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam dự kiến cũng sẽ lớn hơn trong giai đoạn sắp tới.
Chính vì vậy, Bộ Công Thương sẽ triển khai vận hành hệ thống cảnh báo sớm để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại cũng như ứng phó kịp thời với các biện pháp phòng vệ thương mại do nước ngoài áp dụng.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp hạn chế những rủi ro, Bộ Công Thương đang phối hợp các bộ, ngành liên quan hoàn thiện Đề án về nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới.
Mặt khác, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước về phòng vệ thương mại, phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến xuất xứ hàng hóa, nhất là hàng hóa lưu thông trong nước.
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ hoàn thành các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đang diễn ra nhằm kịp thời có các biện pháp phòng vệ để đảm bảo môi trường thương mại công bằng cho các ngành sản xuất trong nước.
- Xin trân trọng cảm ơn ông.