Phục hồi kinh tế phải chịu áp lực

(ĐTTCO) - Ứng phó tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, Quốc hội đã thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ đề xuất. Tuy nhiên, triển vọng phục hồi kinh tế và ổn định vĩ mô của Việt Nam trong năm 2022 đang chịu một số áp lực từ xung đột quân sự Nga - Ukraine. ĐTTC trao đổi với TS. NGUYỄN ĐỨC ĐỘ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, xung quanh vấn đề này.

Sự gia tăng giá cả hàng hóa trên thế giới sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, điển hình là khâu vận chuyển hàng hóa. Ảnh: VIẾT CHUNG
Sự gia tăng giá cả hàng hóa trên thế giới sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, điển hình là khâu vận chuyển hàng hóa. Ảnh: VIẾT CHUNG
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, việc giá cả hàng hóa cơ bản biến động mạnh như xăng dầu, sắt thép, phân bón… do tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, sẽ ảnh hưởng thế nào tới triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới?
Ông NGUYỄN ĐỨC ĐỘ:
- Sự gia tăng giá các hàng hóa cơ bản trên thế giới tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu qua 2 kênh. Thứ nhất, chi phí sản xuất và vận chuyển hàng hóa sẽ tăng theo, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh đã khó ngày càng khó hơn. Chúng ta biết rằng cầu tiêu dùng trong nước hiện nay vẫn còn yếu.
Các số liệu thống kê cho thấy trong 2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2021, còn nếu loại trừ yếu tố giá sẽ giảm 0,3%. 
Dù chi phí sản xuất gia tăng nhưng nhiều doanh nghiệp chưa thể tăng giá bán hàng, mà phải chấp nhận giảm lợi nhuận. Một số dự án có thể bị đình trệ do chi phí đầu vào tăng, dẫn đến việc triển khai không khả thi.
Tất nhiên, đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất là doanh nghiệp cung cấp hàng hóa và dịch vụ đáp ứng nhu cầu trong nước, điển hình là ngành vận tải. Còn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu mà mặt hàng tiêu dùng có nhu cầu cao và bền vững, họ có thể chuyển một phần đáng kể chi phí cho người dùng.
Thứ hai, đó là việc tăng giá hàng hóa cơ bản làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa tiêu dùng cuối cùng. Điển hình như giá xăng dầu gia tăng mạnh sẽ khiến thu nhập thực tế của người dân bị ảnh hưởng.
Mặc dù họ vẫn phải đi lại, vận chuyển, do đây là nhu cầu thiết yếu, nhưng khi thu nhập thực tế giảm, người dân có thể cắt giảm các nhu cầu không thiết yếu khác, từ đó khiến quá trình phục hồi kinh tế bị chậm lại.
- Thưa ông, liệu có khả năng hoàn thành mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm nay?
- Tôi cho rằng lạm phát trong năm nay vẫn trong tầm kiểm soát. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 mới tăng 1,42%, trong khi lạm phát cơ bản mới ở mức 0,68%. Với cầu tiêu dùng vẫn còn yếu như hiện nay, lạm phát cơ bản nhiều khả năng sẽ ở mức thấp cho đến hết năm nay. 
Còn về giá xăng dầu, có thể đây chỉ là cú sốc trong ngắn hạn. Khi tình hình căng thẳng tại Ukraine hạ nhiệt, giá dầu khả năng cũng sẽ hạ nhiệt theo. Hơn nữa, nếu giá dầu neo ở mức cao trong một thời gian, nguồn cung dầu đá phiến sẽ gia tăng và khiến giá dầu giảm trở lại.
Đó là chưa kể giá dầu cao sẽ khiến tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại và lại làm giảm nhu cầu đối với dầu. Trong lịch sử, giá dầu WTI trung bình có 2 năm 2008 và 2013 tiệm cận mức 100USD/thùng.
Ngay cả khi giá dầu trung bình của năm 2022 đạt mức 100USD/thùng, lạm phát tại Việt Nam vẫn chưa đáng lo ngại. Hãy thử làm phép tính đơn giản. Nếu giá dầu tăng trung bình 50% trong năm nay, giá của nhóm giao thông trong rổ hàng hóa tính CPI sẽ tăng khoảng 15%. Với tỷ trọng khoảng 10%, giá giao thông tăng 15% sẽ khiến CPI tăng thêm 1,5%. Đây là kênh tác động chính.
Như vậy, với lạm phát cơ bản hiện chỉ ở mức dưới 1%, khả năng kiểm soát tốc độ tăng CPI trung bình dưới 4% trong năm nay hoàn toàn khả thi.
- Bên cạnh giá đầu vào, giá vàng, giá USD thời gian qua cũng tăng khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine. Những yếu tố này ảnh hưởng thế nào đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam, thưa ông?
- Trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ đang ở mức cao (7,5%) và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất, đồng USD đang có xu hướng tăng giá trên thị trường quốc tế. Điều này sẽ gây một số bất lợi đối với xuất khẩu của Việt Nam, khi Ngân hàng Nhà nước duy trì tỷ giá VNĐ/USD ổn định. Tuy nhiên, theo tôi, các tác động tiêu cực không nhiều.
Hiện nay, rất nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng nguyên vật liệu nhập khẩu cao. Nên về cơ bản, xuất khẩu của Việt Nam ít phụ thuộc vào tỷ giá, chủ yếu phụ thuộc vào tổng cầu của thế giới. Khi kinh tế thế giới tăng trưởng ổn định, chúng ta không cần quá lo lắng cho xuất khẩu.
Về giá vàng, xu hướng tăng của giá vàng thời gian qua là nhất thời hay bền vững vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong giai đoạn 2016-2019, khi giá vàng tăng từ mức 1.100USD/ounce lên 2.000USD/ounce, kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn ổn định. Bởi vậy, chúng ta có thể tin tưởng rằng, cho dù giá vàng có thể tăng mạnh trong thời gian tới, hiện tượng người dân rút tiền tiết kiệm để xếp hàng mua vàng sẽ không xảy ra.
- Như vậy, lo ngại nhất là tác động của giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu trên thế giới đến sự phục hồi kinh tế trong nước. Vậy ông có đề xuất gì về vấn đề này?
- Chúng ta không thể tác động đến giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu thế giới. Tuy nhiên, ở mức độ nào đó, chúng ta có thể hạ nhiệt một phần giá xăng dầu trong nước thông qua các biện pháp giảm thuế.
Hiện nay, mức giảm thuế là bao nhiêu, trong thời gian bao lâu đang được Chính phủ và Bộ Tài chính tính toán. Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc tính toán giảm thuế là giải pháp khả thi nhất.
- Xin cảm ơn ông.
 Giai đoạn 2016-2019 giá vàng tăng từ 1.100USD/ounce lên 2.000USD/ounce, kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn ổn định. Về giá xăng dầu, chúng ta có thể hạ nhiệt thông qua các biện pháp giảm thuế.

Các tin khác