Số lượng lệnh tăng cấp số nhân
Liên tiếp các phiên giao dịch tuần áp chót tháng 12 NĐT cảm thấy khó khăn khi vào lệnh mua bán trên sàn HOSE. Nhiều phiên đợt ATC không thể tiến hành khớp với đầy đủ lệnh, bằng chứng là đôi khi giá trị khớp ở đợt này dưới 100 tỷ đồng, trong khi các phiên bình thường giao dịch có thể lên tới 500-600 tỷ đồng.
Do sàn HoSE đã vài lần phát sinh lỗi, thậm chí phải hủy kết quả và tạm dừng giao dịch tính bằng ngày, nên NĐT đổ lỗi cho hệ thống giao dịch. Trên thực tế hệ thống vẫn ghi nhận có giao dịch thành công, điều đó nghĩa là việc tiến hành khớp lệnh vẫn diễn ra, nhưng thanh khoản không cao, nghĩa là có rất nhiều lệnh đã không thể vào hệ thống giao dịch. Như vậy thực trạng giao dịch bị chậm không liên quan đến lỗi, mà liên quan đến khả năng đáp ứng của hệ thống.
Điều này cũng được xác thực từ đại diện HoSE - ông Lê Hải Trà, Phụ trách HĐQT: đường truyền giữa HoSE và công ty chứng khoán (CTCK) như đường ống nước. Về mặt nguyên lý, đường ống này không nở ra theo số lượng nước phát sinh tăng đột biến. Như vậy có thể hiểu rằng công suất đáp ứng của hệ thống hiện tại là một mức cố định (như đường ống nước), trong khi số lượng lệnh (như lượng nước chảy vào) đã gia tăng quá lớn vượt quá khả năng chuyển tải.
Cũng theo ông Lê Hải Trà, riêng 20 CTCK hàng đầu, số lượng lệnh từ đầu năm đến nay tăng 3-12 lần so với năm trước. Trong khi đó, năng lực dự phòng của hệ thống công nghệ thông tin có giới hạn nhất định, có thể là lý do dẫn đến tình trạng không thể đáp ứng được các yêu cầu.
Nhìn vào số liệu thống kê số lượng lệnh mà hệ thống giao dịch của HoSE phải xử lý từ đầu dịch Covid đến cuối tháng 12 đã cho thấy sự gia tăng đột biến. Nếu như trong tháng 1-2020, trung bình mỗi ngày hệ thống tiếp nhận xử lý 142.237 lệnh (mua và bán), thì thời điểm tháng 3 khi TTCK chứng kiến đợt bán tháo cực mạnh, hệ thống xử lý trung bình 196.628 lệnh, tăng khoảng 38%.
Thế nhưng, mức gia tăng đó chưa thấm tháp gì, khi từ tháng 4-2020 trở đi số đầu lệnh vào hệ thống gia tăng chóng mặt, trùng hợp với giai đoạn NĐT mở mới tài khoản ồ ạt.
Đến tháng 10 số lượng lệnh trung bình mỗi ngày đã lên tới 385.702 lệnh, tháng 11 là 405.559 lệnh. Trong các phiên ngày 23 và 24-12 vừa qua, số lượng lệnh đã lên tới 621.035, tức là gấp gần 4,4 lần so với mức trung bình của tháng 1-2020. Đây cũng là các phiên mà NĐT bắt đầu nhận thấy sự chậm trễ rõ hơn trong việc vào lệnh cũng như khả năng bị treo lệnh gia tăng.
Điều này có thể hiểu rằng năng lực của hệ thống hiện tại đã không theo kịp sự tăng trưởng của tần suất và quy mô giao dịch. Chỉ khi số lượng lệnh gia tăng quá nhiều ở thời điểm nửa sau tháng 12 này thì NĐT mới cảm thấy rõ sự phản hồi trong thao tác đặt lệnh có vấn đề.
Rủi ro mới
Việc hệ thống giao dịch đột nhiên phát sinh rủi ro về nhập lệnh là điều NĐT chưa có sự chuẩn bị. Trong giao dịch hàng ngày, việc có lãi hay thua lỗ chỉ xuất phát từ quyết định của NĐT đúng hay sai. Thế nhưng lần đầu tiên rủi ro về thực thi lệnh lại đóng vai trò lớn trong kết quả đầu tư.
Thực tế các phiên giao dịch gần đây NĐT rất thường gặp hiện tượng lệnh bị treo tại hệ thống của CTCK. Trước đây cũng nhiều lần một số CTCK gặp trục trặc hệ thống, khiến NĐT không giao dịch được, thậm chí phải chuyển qua đặt lệnh bằng điện thoại.
Tuy nhiên lần này việc trục trặc trong giao dịch xảy ra đồng loạt ở nhiều CTCK và bản thân Sở Giao dịch cũng đã lên tiếng về khả năng đáp ứng của hệ thống là có giới hạn. Điều này đồng nghĩa với rủi ro thực thi lệnh có nguy cơ trở thành rủi ro thường trực trong giao dịch, ít nhất là tới khi công suất được cải thiện hoặc có các giải pháp kỹ thuật khác.
Đứng trước rủi ro mới này, NĐT lại phải dự phòng tình huống lệnh mua bán sẽ không được thực thi đúng kế hoạch. Thời điểm và mức giá là hai yếu tố quan trọng nhất trong một giao dịch.
Tuy nhiên cả hai yếu tố này đang có nguy cơ đối mặt với sự bất định vì lệnh hoàn toàn có thể không được thực thi. Lấy ví dụ phiên giao dịch chiều ngày 24-12 vừa qua, khả năng khớp lệnh thành công là rất thấp khi sàn HOSE chỉ giao dịch 664,8 tỷ đồng, bằng 14% quy mô bình thường.
Điều quan trọng nữa là NĐT không biết đến thời điểm nào hệ thống sẽ bắt đầu bị nghẽn. Có những phiên giao dịch ATC gần như đóng băng (chỉ khớp được vài triệu cổ phiếu tương đương vài chục tỷ đồng), có phiên bắt đầu nghẽn từ sau 14 giờ. Hay như ngày 24-12 hệ thống bắt đầu “đơ” ngay từ cuối phiên sáng.
Do hệ thống vẫn ghi nhận giao dịch thành công – dù rất nhỏ giọt – nên NĐT cũng không thể chắc chắn lệnh của mình bao giờ sẽ tới lượt, hay công ty nào vẫn giao dịch bình thường để có thể trù tính kế hoạch.
Do năng lực của hệ thống là một ngưỡng cố định, trừ phi thay thế hệ thống còn không tình trạng này không dễ khắc phục. Giải pháp trước mắt mà HoSE dự kiến là nâng lô tối thiểu từ 10 cổ phiếu lên 100 cổ phiếu.
Theo kế hoạch thì từ ngày 28-12 HOSE và các CTCK sẽ chạy thử nghiệm hệ thống và triển khai chính thức trong tháng 1-2021. Như vậy kể cả khi tiến hành nhanh nhất thì NĐT vẫn phải giao dịch với tình trạng bất định nói trên.
Mặt khác, việc nâng lô lên 100 có thể làm giảm số đầu lệnh đến mức nào vẫn chưa chắc chắn. Theo ông Lê Hải Trà, số lệnh nhỏ hiện chiếm khoảng 18% tổng lệnh, cao nhất có lúc tới 24%, nên giải pháp này sẽ có tác dụng nhất định. Tuy nhiên số lượng NĐT mới sẽ ngày càng tăng cao nên số lượng lệnh chắc chắn sẽ còn tăng theo thời gian và sức ép nghẽn hệ thống vẫn có thể lặp lại.