Kỳ vọng về lãi suất cao hơn ở Mỹ làm gia tăng khả năng dòng vốn sẽ rút vốn khỏi châu Á. Điều đó có thể là một lợi ích cho Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và Ngân hàng Nhật Bản (BOJ), vì những ngân hàng này không muốn đồng nội tệ tăng giá. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Indonesia có thể đưa ra hạn chế về phạm vi nới lỏng chính sách.
Teresa Kong, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Matthews International Capital Management LLC ở San Francisco cho biết: “Nếu đồng USD tiếp tục tăng giá, điều này sẽ gây áp lực lên các ngân hàng trung ương ở châu Á. Tôi thấy tuyên bố của Fed ngày 17/6 sẽ khiến các ngân hàng trung ương ở thị trường mới nổi có chính sách kém linh hoạt hơn, xác suất tăng lãi suất cao hơn để kiềm chế lạm phát, mặc dù nền kinh tế của họ có thể được hưởng lợi từ lãi suất thấp trong thời gian dài hơn”.
Theo đó, đồng USD có ngày tăng mạnh nhất trong một năm sau cuộc họp của Fed và tác động không cân đối vào thị trường châu Á dựa trên thước đo các động thái điều chỉnh rủi ro. Đồng peso của Philippines, đồng Rupiah của Indonesia và đồng won của Hàn Quốc nằm trong số những đồng tiền có hiệu suất kém nhất kể từ khi Fed công bố chính sách.
“Chúng tôi đang xem xét các ngân hàng trung ương khu vực ở châu Á và tranh luận xem ngân hàng nào có thể dịch chuyển chính sách sớm hơn so với dự đoán và một số ngân hàng trung ương trong số đó có thể đi trước Fed”, Stephen Chang, nhà quản lý danh mục đầu tư có trụ sở tại Hồng Kông tại Pacific Investment Management cho biết. Ông cho rằng, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc và Úc là những ứng cử viên có thể cho một động thái tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.
Trong một bài phát biểu hôm thứ Năm (17/6), Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA), Philip Lowe cho biết, các yêu cầu về việc tăng lãi suất có thể được đáp ứng vào năm 2024 trong một số kịch bản mà RBA đã xem xét. RBA sẽ xem xét lại các kịch bản trong cuộc họp vào tháng tới.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia, Perry Warjiyo cho biết, phản ứng đối với động thái của Fed cho đến nay có vẻ tương đối ổn định, mặc dù ông nói thêm rằng vẫn đang tiếp tục theo dõi.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục cảnh giác và đảm bảo sự ổn định của tỷ giá hối đoái và thị trường tài chính”, ông Perry Warjiyo nói với các phóng viên sau khi công bố quyết định chính sách của ngân hàng.
Các quan chức Fed đã đẩy tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến trong bối cảnh lạc quan về thị trường lao động và lo ngại về lạm phát gia tăng, đồng thời đưa ra các dự báo cho thấy, Fed sẽ có hai đợt tăng lãi suất vào cuối năm 2023.
Chủ tịch Fed, Jerome Powell nói trong cuộc họp báo sau cuộc họp kéo dài 2 ngày rằng, các quan chức Fed sẽ bắt đầu thảo luận về việc thu hẹp việc mua trái phiếu được sử dụng để hỗ trợ thị trường tài chính và nền kinh tế trong thời kỳ đại dịch.
Marc Chandler, chiến lược gia thị trường trưởng tại Bannockburn Global Forex cho biết, điều đó sẽ gây ra những hậu quả lớn đối với thị trường châu Á và các khu vực khác.
“Nếu lãi suất của Mỹ thực sự tăng theo cách bền vững và đồng USD tăng cao hơn, chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia thị trường mới nổi sẽ bị siết chặt, đặc biệt những quốc gia sử dụng việc chênh lệch lãi suất là một yếu tố hỗ trợ quan trọng với thị trường”, ông nói.