Trong trường hợp diễn biến giá xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục tăng thời gian tới, quỹ BOG không thể làm thay chức năng điều tiết thị trường vì dư địa không còn nhiều.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, giá xăng dầu thế giới tăng mạnh trở lại trong những tháng qua đã khiến giá xăng dầu trong nước cũng tăng theo, điều này gây áp lực lên các doanh nghiệp do chi phí đầu vào tăng trong khi dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Có ý kiến cho rằng đã đến lúc “xả” quỹ BOG để điều tiết giá xăng dầu như một biện pháp gián tiếp cứu các doanh nghiệp, ông nhận định sao về vấn đề này?
PGS.TS NGÔ TRÍ LONG: - Hiện nay Việt Nam đã hội nhập rất sâu rộng với thế giới, độ mở kinh tế của chúng ta rất lớn, nên việc thị trường trong nước chịu tác động do những biến động của thị trường bên ngoài là điều dễ hiểu.
Giá xăng dầu trong nước tăng cũng không ngoại lệ. Khi đã hội nhập thì chúng ta buộc phải theo mức giá chung của thế giới chứ không thể biệt lập. Giá dầu trong nước phụ thuộc vào giá dầu thế giới đó là điều tất yếu.
Tuy nhiên, trước những biến động từ bên ngoài, chúng ta vẫn có những công cụ để giảm sốc và điều tiết thị trường. Các nước khác không có quỹ BOG xăng dầu mà chỉ có Việt Nam mới sử dụng quỹ cho mặt hàng đặc thù này.
Khi giá xăng dầu thế giới tăng cao chúng ta sẽ “xả” quỹ này ra để bù đắp, nhằm giảm giá xăng dầu ở một mức độ nhất định, tránh những cú sốc lớn cho thị trường. Đây cũng là công cụ để Chính phủ có thể thực hiện để vừa phục vụ mục đích an sinh xã hội, vừa kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, quỹ BOG xăng dầu là để sử dụng khi giảm tăng sốc chứ không thể can thiệp lâu dài, nên chỉ có thể xem đây là giải pháp cấp bách và tạm thời, khó có thể duy trì lâu để cứu doanh nghiệp.
Thực tế trong thời gian từ năm ngoái đến nay, có những lúc giá xăng dầu thế giới giảm liên tục, đặc biệt là lúc thế giới đang trong cao trào bùng phát đại dịch Covid-19, các hoạt động kinh tế gần như tê liệt.
Thời điểm ấy, về cơ bản Nhà nước chỉ thu mà không phải chi, nên quỹ BOG xăng dầu khá lớn, đây cũng là dư địa rất lớn để Chính phủ có thể sử dụng vào bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao như hiện nay một cách hiệu quả. Nhưng sử dụng quỹ BOG cũng cần phải tính toán kỹ lưỡng, không thể sử dụng một cách quá mức.
Có ý kiến cho rằng sử dụng quỹ BOG xăng dầu vào thời điểm này đã thích hợp chưa? Thực ra có những thời kỳ dù giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra, Chính phủ cũng chỉ xả quỹ hỗ trợ hơn 1.000 đồng/lít.
Hiện nay giá xăng dầu thế giới đã tăng vọt trở lại mạnh nhất trong vòng 2 năm qua, và dự báo còn tăng thêm nữa trong thời gian tới, nên Nhà nước không phải xả ngay quỹ được, mà cần phải có sự cân nhắc theo thời điểm sao cho phù hợp.
- Như vậy giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục tăng?
- Theo dự báo diễn biến giá xăng dầu thế giới vẫn còn phức tạp, trong đó xu hướng tăng là tất yếu. Giá xăng dầu thế giới tăng là do 2 nguyên nhân.
Thứ nhất, do nhiều nước trên thế giới sau khi đã tạm thời đẩy lùi được dịch Covid-19 nhờ có vaccine, họ bắt đầu hồi phục kinh tế, tập trung vào sản xuất nên nguyên nhiên liệu đầu vào thiết yếu như xăng dầu sẽ tăng.
Thứ hai, một số nước cung cấp dầu nhiều cho thị trường thế giới hiện nay cũng muốn lợi dụng điều này để đẩy giá dầu nhằm thu lợi nhuận, thông qua việc khống chế sản lượng khai thác và cung ứng cho thị trường. 2 lý do này sẽ khiến cho giá xăng dầu thế giới tăng cao có thể kéo dài sang cả năm sau.
Thực tế thời gian qua giá xăng dầu trong nước vẫn tăng chậm hơn so với mức tăng của thị trường thế giới là nhờ chúng ta có sử dụng quỹ BOG. Bây giờ dư địa quỹ bình ổn cũng không còn nhiều, nếu xả ra cùng một lúc như thời điểm hiện nay thì khi giá xăng dầu thế giới còn tăng cao nữa lúc đó sẽ rất khó kiểm soát. Nên chúng ta cần phải có cái nhìn xa hơn mang tính dự phòng.
Tôi cho rằng cách điều hành giá xăng dầu trong nước như hiện nay có thể xem là hợp lý, vẫn giữ được sự ổn định của thị trường vào thời điểm này.
- Nhưng việc giá xăng dầu tăng cao sẽ ảnh hưởng đến kiểm soát lạm phát của Chính phủ trong 2 quý còn lại của năm nay?
- Nhìn ở bình diện rộng, nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra, việc kiểm soát mức lạm phát bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ.
Hiện nay lạm phát là do nhiều yếu tố cộng lại, nay phụ thuộc cả vào yếu tố trong nước và thế giới, trong đó có những mặt hàng như xăng dầu, điện, than… là những yếu tố đầu vào. Nhưng Nhà nước hiện nay đã khống chế giá điện, cụ thể là không tăng giá bán điện trong năm nay dù công suất và sản lượng điện của các nhà máy thủy điện rất đáng báo động do hạn hán, có thể dẫn đến nguồn cung bị hạn chế…
Đáng lo ngại nhất hiện nay vẫn là diễn biến của giá xăng dầu thế giới. Các chuyên gia dự báo sẽ còn tiếp tục tăng lên đến 100 USD/thùng. Không chỉ xăng dầu mà hiện vẫn còn tiềm ẩn nhiều nhân tố rủi ro đối với công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới lẫn trong nước.
Đó là xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược có thể tạo áp lực lên giá một số nguyên vật liệu trên thị trường quốc tế, từ đó tác động đến thị trường trong nước qua kênh nhập khẩu. Hay như dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp có thể tác động làm tăng giá cục bộ một số mặt hàng tại một số địa phương bị ảnh hưởng.
Để có thể kiểm soát tốt lạm phát từ nay đến cuối năm, Chính phủ cần kiểm soát và có biện pháp kịp thời để đảm bảo nguồn cung và giá cả của nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước, đặc biệt là giá xăng dầu hiện nay.
- Xin cảm ơn ông.