Chấm dứt quỹ đóng
Đại hội nhà đầu tư (NĐT) của QĐT Cân bằng Prudential (BF1) diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua mang khá nhiều màu sắc tích cực: không khí ôn hòa, kết thúc khá nhanh và NĐT hài lòng. Không nhiều đại hội NĐT (tương tự đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của doanh nghiệp) của các QĐT có những niềm vui như của BF1.
Quỹ mở là một sản phẩm đầu tư mới ở Việt Nam. Chính vì vậy, thông tin và cảm nhận của thị trường về sản phẩm này rất quan trọng. Hướng dẫn và phổ biến kiến thức về quỹ mở cho các thành viên thị trường đóng vai trò thiết yếu, đòi hỏi việc chuẩn hóa cách thức tiếp cận các phân khúc khách hàng khác nhau bao gồm khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, các định chế tài chính và cá nhân có thu nhập cao. Ông Sebastian Subba, Tổng giám đốc CTQLQ VinaWealth |
Lý do khá đơn giản, đến tháng 10 này BF1 sẽ chấm dứt thời gian hoạt động 7 năm, giải thể, thanh lý tài sản để trả lại tiền cho NĐT. Tính đến ngày đại hội NĐT của BF1 diễn ra (29-3), giá trị tài sản ròng (NAV) trên một chứng chỉ quỹ (CCQ) BF1, tức NAV/CCQ đã hơn 1.0 và ban lãnh đạo quỹ cũng sẽ nỗ lực duy trì mức này cho đến ngày giải thể quỹ.
Nếu điều này xảy ra, cũng có nghĩa NĐT có thể nhận lại số tiền tương đương 1.0 cho mỗi CCQ. Góp vốn vào BF1 với nguyên giá 1.0 nay xem như hòa vốn. Còn những ai có may mắn gom CCQ này với giá 0.4 hay 0.5, nói chung dưới 1.0 từ trước, nay lãi không phải ít.
Cuối năm ngoái, QĐT Tầm Nhìn SSI (SSIVF) do CTQLQ SSI quản lý đã kết thúc hoạt động sau khi ra đời được 5 năm (năm 2007). Tại ĐHCĐ của Công ty Chứng khoán (CTCK) SSI (công ty mẹ của CTQLQ SSI) mới đây, Chủ tịch HĐQT kiêm
Tổng giám đốc Nguyễn Duy Hưng đã nói về SSIVF như sau: "Một số QĐT lỗ đến 70% nhưng SSIVF chỉ lỗ khoảng 7%, có nghĩa là chúng tôi hoạt động ít xấu nhất chứ không phải tốt nhất. Đơn giản vì quỹ đã huy động vốn từ NĐT nên phải làm sao để có lời, nhưng dù sao với những gì đã làm, CTQLQ SSI cũng chứng minh được khả năng bảo vệ vốn của NĐT, đây cũng là điều đáng khích lệ".
Chuyển sang quỹ mở
Không giống BF1 hay SSIVF, đến hạn thì kết thúc hoạt động, trả tiền cho NĐT, một số QĐT trong nước khác như VF1 (QĐT Chứng khoán Việt Nam), VF4 (QĐT Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam) hay PF1 (QĐT Tăng trưởng Manulife) chọn cho mình những ngã rẽ khác: chuyển từ mô hình quỹ đóng sang quỹ mở. Đây được xem là sự thay đổi, một lối thoát cho các quỹ này cũng như NĐT.
Dù vậy, việc chuyển đổi cũng có nhiều trục trặc. Chẳng hạn, cho đến khi VF1 và VF4 được quản lý bởi CTQLQ VFM có thể thông qua phương án chuyển thành quỹ mở, phương án này được nhắc tới rất nhiều lần, nhưng vì nhiều lý do nên chưa thể thực hiện được.
|
NĐT vẫn lúng túng khi chọn QĐT để gửi gắm tiền của mình. Ảnh: LONG THANH |
Còn với PF1, được quản lý bởi CTQLQ Manulife, phương án chuyển đổi sang quỹ mở không được thông qua tại đại hội NĐT mới đây. Mỗi quỹ mỗi hướng đi, màu sắc tích cực thì ít nhưng khó khăn vẫn rất nhiều, vì vậy dù có bước tiếp, rẽ ngang hay dừng lại, áp lực cho những người làm trong ngành quản lý quỹ rất lớn.
Trước đó, sau một thời gian khá dài chờ đợi, cuối cùng những quỹ mở đầu tiên như VFF (QĐT Trái phiếu Bảo thịnh VinaWealth) hay MBBF (QĐT Trái phiếu MB Capital) đã xuất hiện trên thị trường. Nếu sắp tới có thêm các quỹ ETF (QĐT chỉ số) trong nước hay các quỹ hưu trí, NĐT sẽ có nhiều sản phẩm hơn để lựa chọn.
Với quỹ mở, NĐT sẽ bớt lo lắng việc đồng tiền của mình bỏ ra có thể bị "chôn vùi" hoặc muốn thu về phải chịu lỗ, tính tương tác với đơn vị quản lý quỹ sẽ cao hơn. Chẳng hạn nếu có ETF trong nước, NĐT có thể mua bán theo diễn biến của thị trường chứng khoán (TTCK). Nếu nhìn rộng hơn, việc TTCK vẫn đang biến động khá thất thường, chưa trở lại giai đoạn khởi sắc nhưng lại là thời cơ để các loại hình quỹ ETF trong nước định hình và phát triển.
Bởi nếu chờ đến khi thị trường tốt, những quỹ lớn, hay những ai có tiềm lực đã chuẩn bị từ trước đó sẽ nhanh chân chạy trước. Lúc này mới xuất hiện, hoạt động của QĐT sẽ chỉ mang tính chất ăn xổi, vội vàng và hệ quả như thế nào ai cũng có thể thấy rõ được.
Điều này cho thấy nhu cầu của thị trường phải được "cộng hưởng" với những quy định, luật lệ từ các cơ quan quản lý. Có nghĩa trong thời điểm thị trường đang cần một sản phẩm, mà sản phẩm đó hợp lý, cơ quan quản lý cần nhanh chóng tính đến việc luật hóa, hoàn thiện các quy định để đưa ra thị trường kịp thời, có như vậy cung mới gặp được cầu.
Trong khi đó, cho đến nay, nhìn chung thị trường vẫn phải tiếp cận với những sản phẩm mới rất bị động. Các sản phẩm mới thường được đặt ở thì tương lai "sẽ có" bởi mốc cụ thể và chính xác không dễ xác định. Đành rằng, các cơ quan quản lý cũng khó khăn khi ban hành quy định cho sản phẩm mới, nhưng không vì vậy vấn đề thời gian, thời điểm lại bị bỏ ngỏ, hoặc nêu chung chung.
Và nhiều nỗ lực
Tất nhiên, sự thay đổi luôn không dễ dàng và để có thể sử dụng một sản phẩm mới, NĐT cần phải có thời gian được "hướng dẫn sử dụng", dùng thử, từ đó mới linh hoạt.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, chuyên gia chứng khoán, phân tích: "Thành thật mà nói, nhiều doanh nghiệp hiện nay không còn hồ hởi với các QĐT như trước. Bởi bây giờ doanh nghiệp không chỉ cần tiền, mà còn cần cả những giá trị khác liên quan đến quản trị, sản xuất, kinh doanh để phát triển. Có bao nhiêu QĐT, ngoài vấn đề tài chính, có thể đáp ứng được những nhu cầu như vậy?
Trong khi đó, cứ nhìn những doanh nghiệp đầu tư tài chính như REE hay SSI, họ có những thế mạnh để có thể hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thực sự, họ cũng dễ dàng hơn trong việc kiểm soát khoản đầu tư của mình. Vậy nên, các QĐT bây giờ còn gặp một đối thủ thực sự, đó chính là những doanh nghiệp có chiến lược đầu tư tài chính.
Nhưng một thách thức không nhỏ ở đây là muốn NĐT "quen tay" sử dụng nhiều hơn, tức phải có nhiều sản phẩm để NĐT sử dụng. Theo đó, nếu thị trường chỉ lèo tèo vài ba quỹ mở, hoạt động na ná nhau, NĐT không thể phân biệt được quỹ nào tốt hơn, lợi thế ra sao để bỏ tiền vào".
Hiện nay, nhiều NĐT có chiến thuật đầu tư theo kiểu "mua cả thị trường", tức mua những cổ phiếu có vốn hóa lớn để mô phỏng danh mục theo diễn biến của chỉ số chứng khoán. Nhưng mua theo VN Index gần như không thể vì rổ cổ phiếu quá lớn, trong khi cơ hội để mua theo VN30 cao hơn. Song những cổ phiếu trong rổ VN30 hiện nay đã hết room, NĐT nước ngoài nói chung hay ETF nước ngoài đành đứng ngoài. Như vậy, nếu ETF của Việt Nam được hoạt động sẽ là lợi thế hút vốn vào TTCK. Ông Phạm Ngọc Bích, Thành viên Hội đồng chỉ số VN30 |
Đồng quan điểm này, giám đốc phụ trách đầu tư một CTQLQ lớn cho biết đây là giai đoạn CTQLQ, QĐT và NĐT đều phải "học". Đặc biệt, các CTQLQ phải nỗ lực gấp bội để chứng minh năng lực cũng như đạo đức nghề nghiệp, những tiêu chí hàng đầu để NĐT nhìn vào đánh giá xem có nên gửi gắm đồng vốn của mình hay không.
Tuy nhiên, NĐT cũng nên dần "hạ" chỉ tiêu đầu tư của mình xuống, cần nhận thức một cách rõ ràng rằng, chứng khoán không phải là nơi có thể kiếm tiền dễ dàng trong ngắn hạn như thời gian trước.
Trở lại với trường hợp của quỹ PF1, khi đại hội NĐT không thông qua được phương án chuyển đổi sang quỹ mở, đã có khá nhiều giả thiết được đặt ra. Trong đó đáng chú ý giả thuyết chất lượng tài sản của PF1 khá tốt, tại thời điểm hiện nay, NAV/CCQ của PF1 xấp xỉ mức 1.0.
Điều đó có nghĩa nếu thị trường thuận lợi con số này có thể tăng thêm và NĐT bỏ tiền vào PF1 có thể thu hồi lại nguyên giá 1.0 vốn. Và nếu ban điều hành quỹ giữ được mức khả quan này cho đến khi thanh lý sẽ có người hòa vốn, có người lãi chút đỉnh. Phải chăng, một số đông NĐT của PF1 không thông qua vì có kỳ vọng này, tức chọn việc chờ đợi để tìm kiếm cơ hội thu hồi vốn.
Thời buổi "người khôn, của khó", mục tiêu sinh lời gấp đôi, gấp ba mỗi năm trên TTCK đã phải hạ xuống rất nhiều. Nhiều người đánh chứng khoán bây giờ chỉ mong có đồng ra đồng vô, lãi hơn tiền gửi tiết kiệm là đã vui. Từ những gì PF1, SSIVF, BF1 làm được, với kỳ vọng về quỹ mở, tất cả đều "nâng tầm quan trọng" cho một mục tiêu quan trọng mà trước đó đã bị bỏ quên: bảo toàn được đồng vốn.
Từ chỗ kỳ vọng sinh lãi lớn, đến chỗ chỉ cần bảo toàn vốn, đạt được một mức lãi nhất định, càng nhiều NĐT có suy nghĩ này, các nhà quản lý quỹ càng dễ thở hơn, bớt đi áp lực và cũng có thể là cơ hội để huy động vốn.