PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, việc sử dụng HĐĐT sẽ mang lại lợi ích như thế nào cho ngành thuế, doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng?
LS. NGUYỄN ĐỨC NGHĨA: - Việc chuyển qua dùng HĐĐT là chủ trương đúng, phù hợp với quá trình chuyển đổi công nghệ, cải cách thủ tục hành chính, năng lực và nhân sự trong ngành thuế hiện nay. Sử dụng HĐĐT sẽ giúp ngành thuế quản lý tốt hơn, vì khi kết nối tất cả nội dung hóa đơn của DN đều được hiển thị, hạn chế tối đa việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Hiện nay nhiều quốc gia trong khu vực cũng đang triển khai HĐĐT và thu về những lợi ích rõ ràng. Về phía DN, việc sử dụng HĐĐT sẽ giúp quản lý tốt hơn việc phát hành hóa đơn DN và tiết kiệm chi phí phát hành.
Theo ước tính của Tổng cục Thuế, mỗi năm DN sử dụng trên 4 tỷ hóa đơn giấy với chi phí in 2.000 đồng/hóa đơn. HĐĐT sẽ giảm đáng kể khoản chi phí này. Ngoài ra, sử dụng HĐĐT còn giúp việc lưu trữ thuận lợi hơn, không lo mất, hỏng, hạn chế tranh chấp, kiện tụng… Với người mua hàng, việc sử dụng HĐĐT giúp thủ tục mua hàng, thanh toán được thuận tiện hơn, thể hiện qua việc gửi hóa đơn tới địa chỉ email hoặc tin nhắn điện thoại sẽ dễ dàng lưu trữ và tìm kiếm khi cần thiết.
Hóa đơn giấy sẽ không còn từ 1-11-2020 khi thay thế toàn bộ bằng hóa đơn điện tử .
- Tuy có nhiều thuận lợi, nhưng việc sử dụng HĐĐT có những quy định chi tiết vẫn còn những khó khăn, thưa ông?
- Việc sử dụng công nghệ trong việc phát hành HĐĐT, chứng từ điện tử mang lại lợi ích to lớn cho xã hội. Tuy nhiên, cũng còn tồn tại một số khó khăn, bất cập cần phải tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội. Thứ nhất, các hộ kinh doanh nhỏ ở các chợ truyền thống và các chủ hộ là những người lớn tuổi sẽ có những khó khăn nhất định do khả năng tiếp cận công nghệ còn hạn chế.
Vì thế, cơ quan thuế chủ trương áp dụng chứng từ điện tử thay cho HĐĐT đối với các trường hợp này. Khi đó, các hộ kinh doanh nhỏ chỉ cần có điện thoại thông minh kết nối với cơ quan thuế là có được chứng từ điện tử. Tuy nhiên, việc phổ biến và phủ sóng công nghệ thông tin tới các vùng miền, vùng sâu vùng xa là điều kiện cần thiết để sử dụng chứng từ điện tử trên toàn lãnh thổ được thông suốt, thuận tiện cả khi mua bán, trao đổi, thanh toán và làm chứng từ khi vận chuyển hàng hóa.
Thứ hai, yêu cầu về nội dung HĐĐT là phải thể hiện đầy đủ chi tiết danh mục hàng hóa, dịch vụ mua bán (ngoại trừ một số lĩnh vực, đơn vị đặc biệt như siêu thị, xăng dầu...). Đây là khó khăn đơn vị bán hàng đang xin ý kiến. Chẳng hạn, trong lĩnh vực nhà hàng, việc kê chi tiết từng món ăn, kích cỡ phần… để tính giá từng suất ăn rất khó khăn, bởi trên thực tế không thể lên được định mức chi phí như vậy. Thứ ba, có nhất thiết phải thể hiện 2 chỉ tiêu về thời gian trên HĐĐT (ngày phát hành và ngày ký). Nên chăng chỉ nên quy định thể hiện ngày phát hành hoặc ngày ký để đơn giản hóa chứng từ và giảm các sự suy diễn không cần thiết.
Ngoài ra, quy định về thông tin của người mua phải thể hiện đầy đủ, chính xác là có phần hơi khiên cưỡng. Bởi tất cả thông tin này (tên, địa chỉ…) đều đã được đăng ký và thể hiện trên mã số thuế đơn vị. Do đó, hóa đơn chỉ cần yêu cầu thể hiện đúng mã số thuế là đủ, nếu các thông tin khác có ghi sai một chút hay viết tắt không theo quy định cũng nên được chấp nhận. Vì chúng ta đã sử dụng công nghệ số cũng chỉ quản lý theo mã số, từ đó các thông tin khác sẽ chuyển tải theo mã số DN mua.
Đối với quy định về tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT cũng có một số ý kiến còn băn khoăn. Để triển khai HĐĐT, nhiều DN sẽ thông qua đơn vị cung cấp phần mềm HĐĐT, đây có thể là các công ty TNHH hoặc CTCP hoạt động theo quy định của pháp luật. Giả sử sau vài năm đơn vị trung gian này phá sản, dữ liệu của DN sẽ như thế nào trong khi quy định hiện hành phải lưu dữ liệu trong 10 năm. Do đó, yêu cầu về máy chủ dự phòng là cần thiết để sao lưu, lưu trữ dữ liệu đầy đủ, kịp thời và lâu dài.
- Từ 1-11-2020 sẽ chuyển qua sử dụng HĐĐT. Theo ông điều này có khả thi khi TPHCM đến nay mới hơn 30% DN dùng HĐĐT?
- Còn khoảng gần 1 năm nữa là phải chuyển qua sử dụng HĐĐT trên phạm vi cả nước. Theo tôi điều này hoàn toàn khả thi với TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng bởi DN ở các TP này đều có nền tảng công nghệ tốt, hạ tầng công nghệ thông tin của các TP lớn cũng rất đảm bảo. Việc TPHCM chỉ khoảng trên 30% DN dùng HĐĐT có nhiều nguyên nhân.
Trong đó, một số DN nhỏ thích dùng hóa đơn giấy để có thể lùi ngày xuất hóa đơn, phù hợp với nhiều dịch vụ, loại hình kinh doanh có quá trình mua bán kéo dài từ kỳ trước vắt qua kỳ sau, hoặc trong những ngày lễ tết cuối năm chưa quyết toán kịp. Thêm nữa việc dùng hóa đơn giấy tuy tốn phí in nhưng lại tiện lợi in 1 lần dùng cả năm (hoặc thậm chí vài năm), trong khi chuyển qua HĐĐT phải đầu tư phần mềm, đào tạo nhân lực để đáp ứng nhu cầu mới, nên DN còn chần chừ trong chuyển đổi.
Cũng cần nói thêm hiện nay có một vài ý kiến cho rằng DN dù chuyển qua dùng HĐĐT nhưng vẫn phải in song song chứng từ giấy. Đây là những giải pháp tình huống tạm thời sẽ được khắc phục khi ứng dụng công nghệ thông tin đang trở thành xu thế tất yếu của thời đại và của đất nước.
- Xin cảm ơn ông.
Một số DN bày tỏ lo ngại về khả năng rò rỉ thông tin DN, khách hàng, hợp đồng, giá mua bán… Vì thế ngành thuế cần có những quy định rõ ràng hơn đối với đơn vị cung cấp HĐĐT. Quản lý họ như thế nào, có những giải pháp sao lưu dữ liệu cho DN ra sao để an toàn, hiệu quả đều là những bài toán cần cân nhắc kỹ. |