Có thể tóm tắt bản quy hoạch điện VIII với điểm nhấn là phát triển điện lực phải đi trước một bước; có tầm nhìn dài hạn, hiệu quả, bền vững và đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Quy hoạch điện VIII có định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000-10.000MW.
Giai đoạn 2021-2030 ước tính tổng vốn đầu tư về điện đạt 135 tỷ USD; giai đoạn 2031-2050 vốn đầu tư 399-523 tỷ USD. Quy hoạch cũng nhấn mạnh sự quan trọng cần trình dự thảo luật về năng lượng tái tạo năm 2024; ban hành các chính sách về mua bán điện trực tiếp; xử lý dứt điểm các dự án đang gặp khó khăn trong triển khai.
Từ bộ khung này, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế sẽ có cơ hội tìm hiểu đầu tư về năng lượng tái tạo tại Việt Nam, nâng cấp thành hệ sinh thái năng lượng tái tạo mạnh mẽ, tạo ra hàng triệu việc làm bền vững trong thời gian dài hạn.
Năm 2022, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với chủ đề: “Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển”, ông Sebastian Hald Buhl, Giám đốc quốc gia Tập đoàn Ørsted tại Việt Nam, đánh giá: “Điện gió ngoài khơi là nguồn tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác, và cũng giống như tài nguyên dầu khí của Việt Nam, có thể mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể, đồng thời giúp cung cấp lượng điện năng nội địa đáng tin cậy để đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của Việt Nam. Nguồn điện tiềm năng này sẽ là một trong những giải pháp giúp đa dạng hóa hệ thống năng lượng hiệu quả về chi phí”.
Quy hoạch điện VIII được phê duyệt còn tháo gỡ những thắc mắc, mối lo cho nhà đầu tư nước ngoài và nguồn lực đầu tư trong nước; tạo hành lang tốt cho môi trường xuất khẩu điện ra nước ngoài; phát triển mạnh mẽ công nghiệp phụ trợ cho năng lượng tái tạo, mở đường cho người dân tiếp cận tốt hơn về mua bán năng lượng mặt trời, điện gió, giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.
Quy hoạch điện VIII cũng hướng tới về chuyển đổi năng lượng công bằng như đã cam kết với quốc tế. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo 67,5-71,5%. Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204-254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050. Hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 (với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất).
Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn, hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn. Quy hoạch cũng giải được bài toán giảm phụ thuộc năng lượng nhập khẩu, tăng chủ động năng lượng từ nguồn tái tạo.
Theo các phân tích, năng lượng tái tạo với tiềm năng kỹ thuật về điện gió ngoài khơi đạt 600GW, điện mặt trời đạt 960GW. Điều đáng mừng, quy hoạch nhấn mạnh không xây dựng thêm nhiệt điện than sau năm 2030, ưu tiên phát triển điện khí, chuyển dần sang đốt trộn nhiên liệu, tiến tới đốt hoàn toàn hydro, amoniac trong dài hạn, và sau năm 2035 không phát triển nguồn điện LNG mới nhằm đảm bảo môi trường bền vững.
Những mục tiêu như vậy cần có thời gian thực hiện, nhưng với Quy hoạch điện VIII sẽ tạo đà cho cú hích phát triển năng lượng quốc gia và kinh tế cả nước phát triển mạnh mẽ hơn, khi áp dụng khoa học công nghệ, hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để phát triển Việt Nam thành trung tâm năng lượng châu Á, giảm vào phụ thuộc nguồn năng lượng nhập khẩu.