Quỹ mở và cuộc đua vòng sơ loại

Có thể ví cuộc chạy đua thành lập và hoạt động của các quỹ mở hiện nay giống như vòng… sơ loại, bởi vẫn chưa được NĐT chú ý đến nhiều và cũng chưa khốc liệt. Nhưng không vì vậy cuộc đua này thiếu đi những yếu tố thú vị.

Có thể ví cuộc chạy đua thành lập và hoạt động của các quỹ mở hiện nay giống như vòng… sơ loại, bởi vẫn chưa được NĐT chú ý đến nhiều và cũng chưa khốc liệt. Nhưng không vì vậy cuộc đua này thiếu đi những yếu tố thú vị.

Cần tạo hình ảnh trước cuộc chơi

Với các CTQLQ, nhất là các công ty lớn, kỳ cựu, vấn đề hình ảnh vô cùng quan trọng. Hình ảnh phải "lấp lánh", các bản thành tích phải hoành tráng mới kỳ vọng tạo nên vị thế để đi nói chuyện với NĐT cũng như huy động vốn.

Chính vì vậy, khi các quỹ mở đầu tiên như VFF, MBBF được thành lập, các đối thủ, đối trọng của các CTQLQ này cũng sẽ phải xem xét. Chẳng hạn, VinaCapital đã có quỹ mở trong hệ thống quỹ của mình, nên có thể những CTQLQ ngang tầm với VinaCapital sẽ phải tính đến phương án có quỹ mở.

Những quỹ mở đầu tiên được thành lập, muốn có thanh khoản cũng như đảm bảo sự an toàn thường tập trung vào đầu tư trái phiếu, mà đây lại là thế mạnh cho các CTQLQ xuất phát từ các công ty bảo hiểm. Vậy nên, khả năng các CTQLQ như Eastspring Vietnam (thuộc Prudential), Manulife Vietnam hay Bảo Việt sẽ thành lập các quỹ mở trong tương lai gần khá cao. Nhưng trong tình thế hiện nay, các công ty này sẽ phải chịu rất nhiều áp lực.

Đầu tư trái phiếu vốn là sở trường nhưng nếu các CTQLQ bảo hiểm không lập được quỹ mở trái phiếu, chẳng khác nào thủy thủ không… biết bơi. Nếu nhà quản lý quỹ không thành lập được quỹ mở, cái giá phải trả sẽ liên quan đến uy tín, thậm chí là vị trí, công việc mình đang nắm giữ.

Hơn nữa, do đã để mất "tiên cơ" thành lập quỹ mở đầu tiên, các CTQLQ bảo hiểm khi ra sau sẽ buộc phải có những yếu tố khác biệt, như vốn hay hiệu quả hoạt động, để tạo ra những nét riêng cho mình. Chẳng hạn, một vài quỹ đầu tiên thành lập có thể vốn chỉ ở tầm 50 tỷ đồng, nhỏ so với quy mô của một quỹ, nhưng cũng có cái cớ là "đầu tiên" nên thử nghiệm. Nhưng các quỹ mở ra sau nếu vẫn chỉ vài chục tỷ đồng vốn có thể xem như quá… bèo.

Xu hướng tất yếu

Bước đầu tiên của quỹ mở trên thế giới bao giờ cũng đi từ hình thức quỹ trái phiếu. Vì quỹ trái phiếu giúp các CTQLQ giải quyết được bài toán thanh khoản - một trong những bài toán khó nhất của hình thức quỹ mở. Ngoài ra, trong giai đoạn đầu, quỹ mở chưa được NĐT nhận biết đầy đủ, sự xuất hiện của quỹ trái phiếu với tính an toàn cao, dễ được thị trường chấp nhận hơn.

Ông Phạm Khánh Linh,
Phó Tổng giám đốc
CTQLQ đầu tư Việt Nam

50-100 tỷ đồng có thể là một số vốn rất nhỏ cho QĐT và không lớn đối với một nhóm NĐT cá nhân thuộc vào loại VIP. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, nếu các NĐT đã không "kết", dù có nhỏ cũng khó lòng huy động. Mới đây, tại đại hội NĐT của một quỹ mở đầu tư trái phiếu, số lượng NĐT tham dự khá ít ỏi.

Có thể NĐT cá nhân bận việc nên ủy quyền cho người khác đi thay, nhưng nói gì thì nói cũng cho thấy sự quan tâm đến quỹ mở chỉ ở mức dè dặt. Bản thân những nhà quản lý quỹ cũng đã lường trước được vấn đề này, nên có thể sẽ chuẩn bị một cơ cấu cổ đông "gà nhà" để hỗ trợ mua phần vốn lớn, còn phần nhỏ sẽ tìm cách xoay sở. Với cách làm này, phần vốn của cổ đông lớn cũng có thể được tạo thanh khoản, xoay vòng.

Tuy nhiên, thách thức nằm ở phần vốn còn lại, bán cho các NĐT đại chúng. Ở đây, để chào bán được hết cũng có thể lại phải huy động những cá nhân… "gà nhà".

Thí dụ, CTCK đảm nhận chào bán chứng chỉ quỹ mở, ngoài việc bán cho khách VIP cũng có thể huy động nhân viên của mình mỗi người mua vài triệu đồng hỗ trợ. Nhưng theo đà phát triển về quy mô cũng như các yếu tố khác, các quỹ không thể mãi huy động nguồn lực "gà nhà" của mình, phải hướng đến đại chúng.

Tuy nhiên với quỹ mở trái phiếu, việc tạo ra những khoản lợi nhuận đột biến để có thể thu hút NĐT cá nhân không dễ dàng, thường chỉ ở mức "khá" hoặc "xem được". Mà như vậy, việc thu hút thêm NĐT đại chúng sẽ còn rất nhiều thời gian.

Thực tế, gọi được số vốn lớn trong thời điểm hiện nay không dễ, còn hiệu quả hoạt động thì… hên xui, bởi thị trường nếu không thuận lợi cũng không dễ để tìm kiếm lợi nhuận. Chưa kể, vốn lớn mà không có cơ hội sinh lời, quỹ lại phải chịu sức ép "đầu ra", điều này có thể dẫn đến việc đầu tư một cách vội vã, kém hiệu quả.

Thực tế quỹ mở khá cẩn trọng với các quyết định đầu tư nếu chiếu theo các rủi ro nêu trên. Nhưng xem ra đây là quyết định có tính toán trong thời điểm hiện nay.

Vì ngay cả Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), nắm trong tay tiềm lực về vốn khá lớn, được điều hành bởi những quan chức cao cấp của Chính phủ, hiểu rõ thị trường mà vẫn tìm kiếm lợi nhuận từ tiền gửi ngân hàng, có mức độ rủi ro cực thấp. Hành động của SCIC một phần cho thấy chỉ dấu về một tương lai kinh doanh chưa sán lạn.

Tuy nhiên, khi quỹ mở ra đời và được nhìn nhận như một xu hướng tất yếu, lo ngại cho các nhà quản lý quỹ không chỉ là vấn đề thủ tục. Bloomberg từng chỉ ra 4 thách thức lớn nhất cho các CTQLQ ở Việt Nam: tính bất ổn của thị trường, thanh khoản, hệ thống hạ tầng và mức độ hiểu biết của giới đầu tư. Tuy nhiên, các nhà quản lý tin rằng, những thách thức này sẽ có hướng khắc phục khi nền kinh tế và TTCK khả quan.

Sẽ cần thêm một thời gian để số lượng quỹ mở thuộc các CTQLQ có cùng tiếng nói hiện diện trên thị trường. Có qua được vòng sơ loại, lúc này cuộc đua ở vòng loại, vòng chung kết mới diễn ra gay cấn, hấp dẫn hơn. Quỹ nào mạnh, yếu, lợi thế, thất thế ra sao sẽ được định hình và từ đó NĐT mới dễ dàng hơn trong việc chọn quỹ mở gửi tiền.

Các tin khác