Từ ám ảnh về những người công nhân mất việc, nghệ sĩ Quyền Linh trở thành Đại sứ hàng Việt (ĐSHV) và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ ĐSHV. Với tâm nguyện góp phần để doanh nghiệp Việt phát triển, công nhân không thất nghiệp, Quyền Linh không ngại xông vào những nơi anh cho là “khó gặm” nhất để vận động người tiêu dùng sử dụng hàng Việt.
Tình cờ rồi “say” luôn
Quyền Linh nhớ lại: “Chị Kim Hạnh (bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao) tổ chức một chương trình mang tên “Doanh nghiệp và cộng đồng”, gặp gỡ công nhân, động viên, giúp đỡ và tặng quà cho họ. Chị Kim Hạnh vận động tôi tham gia làm ĐSHV. Đó là năm 2008 nhiều doanh nghiệp phá sản, công nhân bị thất nghiệp nhiều vô cùng.
Tôi chứng kiến nhiều cảnh rơi nước mắt, trong đó có hình ảnh không thể nào quên. Đó là những người công nhân phải bốc thăm để... nghỉ việc. Vì khó khăn, nhiều công ty phải sa thải công nhân nhưng không biết cho ai nghỉ vì không ai vi phạm kỷ luật và ai cũng làm tốt nhiệm vụ.
Các công ty bèn nghĩ cách tổ chức bốc thăm. Không ai muốn thò tay vào nhưng vẫn phải bốc, họ bốc thăm mà nước mắt rơi lã chã, bốc rồi không dám mở ra... Đến thăm gia đình công nhân mất việc còn thấy thương hơn, bởi vì cả gia đình họ ngóng chờ những người công nhân đó đem tiền về nhưng họ chỉ về với hai bàn tay trắng...”.
Hạnh phúc nhất là khi đến thăm một số nhà máy thấy công nhân nói lương tăng lên khá, hàng bán được. Ra ngoài hội chợ thấy người tiêu dùng dồn vào mua hàng Việt Nam ào ào, thấy sướng lắm. Những hình ảnh đó 4-5 năm trước không có được. ĐSHV QUYỀN LINH |
Từ những trăn trở trên, Quyền Linh đã lao vào công việc mới với tất cả sự nhiệt tình và trách nhiệm. Trong những đợt đi vận động người Việt dùng hàng Việt, anh thường nói với mọi người rằng sử dụng một sản phẩm hàng Việt là chúng ta đang làm một việc hết sức nhân văn, đó là giúp đỡ người công nhân có việc làm, giúp đỡ gia đình họ có kế mưu sinh, giúp đỡ doanh nghiệp Việt khỏi phá sản...
Và với cách nói chuyện duyên dáng, lôi cuốn của một diễn viên điện ảnh nổi tiếng, Quyền Linh đã thuyết phục, tập hợp được nhiều người cùng tham gia làm ĐSHV. Và Câu lạc bộ ĐSHV do anh làm Chủ nhiệm đã ra đời với khoảng 50 nghệ sĩ, những nhà hoạt động xã hội tham gia.
Tại buổi gặp mặt với Thành ủy TPHCM, các ĐSHV đã đề xuất chủ trương cho phép họ đi vào các trường học, chợ để quảng bá, vận động sử dụng hàng Việt. “Phải xông vào thôi, bởi đây là thời điểm tốt nhất vì đang có đà phát triển về ý thức dùng hàng Việt rồi.
Trên đà đó chúng ta phải tạo cho ý thức này hằn sâu hơn nữa, phải được phát triển bền vững chứ không chỉ làm cho qua đợt này là thôi. Bởi ý thức của người tiêu dùng không được củng cố thường xuyên sẽ lung lay khi hàng nước ngoài với ưu điểm rẻ, đẹp ồ ạt tràn vào Việt Nam...
Nói chuyện với học sinh, với tiểu thương bởi họ là lực lượng nòng cốt về ý thức tiêu dùng hiện tại và trong tương lai” - Quyền Linh bộc bạch.
Vui buồn trong “nghề”
- Trong quá trình vận động người tiêu dùng sử dụng hàng Việt, Quyền Linh có gặp những phản ứng từ họ?
- Có chứ. Phản ứng mạnh, thậm chí tôi còn bị mắng tả tơi và còn bị xúc phạm nữa! Nếu không thấu hiểu hoàn cảnh của những người buôn bán mình dễ tự ái lắm. Chẳng hạn khi đến những trung tâm lớn chuyên bán hàng Trung Quốc như chợ An Đông (TPHCM) hay chợ Đồng Xuân (Hà Nội) để thuyết phục người bán, người mua ưu tiên sử dụng hàng Việt, chúng tôi đã bị tiểu thương nơi đây phản ứng rất dữ dội.
Nhiều người đập bàn đập ghế hỏi: Đây là cuộc sống, là cơm áo gạo tiền của tụi tôi, các anh vận động cái gì? Các anh có biết đời sống của chúng tôi rất khó khăn không? Bán được một món hàng có phải dễ đâu, người ta mua gì chúng tôi bán cái đó.
Họ mua hàng Trung Quốc tôi phải bán chứ. Họ còn đặt vấn đề hàng Trung Quốc bán được, tại sao hàng Việt bán không được, các anh phải xem lại các anh chứ...
Thế là các ĐSHV lại kể những câu chuyện thấm đẫm tình người liên quan đến hàng Việt. Từ chuyện về công nhân mất việc, chuyện doanh nghiệp phá sản, về người dùng hàng Việt, bán hàng Việt... Những câu chuyện hết sức nhẹ nhàng nhưng sâu sắc.
Khi nói xong, Quyền Linh hỏi lại tiểu thương có đồng ý đưa hàng Việt vào gian hàng của mình hay không, tiểu thương giơ tay đồng ý gần hết.
![]() |
Đại sứ hàng Việt Quyền Linh tại buổi giới thiệu hàng Việt cho người Việt. Ảnh: ĐẠI DƯƠNG |
- Làm ĐSHV nhưng vốn là nghệ sĩ, chắc anh mất rất nhiều show quảng cáo của các nhãn hàng nước ngoài?
- Có 4, 5 thương hiệu lớn của nước ngoài ngày trước đã từng mời tôi quảng cáo nhưng kể từ khi làm ĐSHV đến giờ họ không mời nữa. Những hợp đồng quảng cáo cho nhãn hàng ngoại nhiều tiền lắm. Quả thực lúc đó tôi do dự dữ lắm, vì mình cũng cần tiền nuôi con cái, lo cuộc sống gia đình.
Nhưng rồi lại nghĩ mình đã được người tiêu dùng Việt thưởng cho danh hiệu “Thần tài của người nghèo”, “Thần tài của doanh nghiệp Việt”, “Đại sứ của hàng Việt”... Đó chỉ là tinh thần thôi nhưng có giá trị rất lớn, có tiền cũng không thể mua được. Và nay tôi đã quên những hợp đồng kếch xù này rồi.
Vợ chồng Quyền Linh có 2 con. Đứa con đầu của anh đang uống sữa ngoại. Khi trở thành ĐSHV, anh về nói với vợ đổi cho con dùng sữa nội. Thế là xảy ra mâu thuẫn và tranh cãi quyết liệt. Anh phải giảng giải cho vợ về nhà máy, thiết bị công nghệ, nguyên liệu sữa nội ngoại đều như nhau.
Khi đi hội thảo anh ghi lại những hình ảnh, âm thanh cuộc nói chuyện về sữa nội của những chuyên gia, nhà khoa học, giáo sư, bác sĩ về dinh dưỡng cho vợ xem, nghe. Thấy anh quyết liệt, vợ anh chấp nhận dùng thử. Tháng đầu rất tốt, con không có phản ứng gì.
Đến tháng thứ hai, thứ ba con không những phát triển mà còn phát triển tốt hơn. Thế là từ khi đứa con đầu được 1 tuổi trở đi bà xã anh cho con uống sữa nội.
Đứa thứ hai, ngay từ đầu đến bây giờ uống sữa nội hoàn toàn. Hiện tại hai con vẫn uống sữa nội và cả cháu chắt, em út trong gia đình anh cũng đều uống sữa nội và chúng đều phát triển tốt. Thấy vậy, hàng xóm của Quyền Linh nhiều người cũng chuyển sang cho con uống sữa nội.
- Ấn tượng nhớ đời của ĐSHV Quyền Linh?
- Có một trường hợp gây cho tôi rất nhiều ấn tượng là một ông già ở Đồng Tháp. Tôi đi quay chương trình và vào nhà ông già này 3 lần. Lần thứ nhất vận động, ông già gạt phắt: “Không bao giờ hàng Việt mà hay hơn hàng ngoại”. Khi xong việc, tôi cố gắng ngồi lại uống cà phê với ông, lại vận động, ông già vẫn lắc đầu: “Xài hàng ngoại cho chắc cú”.
Lần thứ hai đến, tôi tặng cho ông chiếc áo hiệu Việt Long (của Công ty may Việt Tiến) và một túi xách hàng Việt. Lần lúc thứ ba tôi đến, ông già khoe: “Hôm qua đi Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao tui mua 2 món hàng Việt, trong đó có cái bếp ga, nhưng không biết có xài được không?”.
Tôi nói: “Bác cứ xài, nếu có gì hư hỏng bác gọi điện, con sẽ nói họ đổi cho cái mới”. Cách đây hơn 2 tháng tôi có dịp đi ngang và ghé lại thăm, ông già nói với tôi: “Ê mày, hàng Việt tốt. Cái bếp xài được, nó không phựt lửa như mấy hàng khác”. Tôi lại hỏi áo mặc ra sao, ổng cười bảo: ‘Được, giặt không ra màu, nút không bị đứt”.