Rộn ràng mùa Trung thu ở Sài thành

(ĐTTCO) - Lồng đèn là món đồ chơi không thể thiếu mỗi dịp Tết Trung thu, những chiếc lồng đèn giấy kiếng tưởng chừng rơi vào quên lãng thì nay lại bắt đầu được bày bán nhiều nơi.
 Tọa lạc trên con đường Lạc Long Quân, thuộc phường 5, quận 11 (TPHCM), làng nghề làm lồng đèn Phú Bình được những người thợ truyền nghề lại cho con cháu gìn giữ, duy trì cho đến ngày nay. 
Tâm huyết với nghề truyền thống
Những năm 1950, nhiều người dân từ làng Bác Cổ và Báo Đáp (tỉnh Nam Định) vào TPHCM lập nghiệp với nghề truyền thống là làm lồng đèn giấy kiếng cổ truyền ở Việt Nam. Phú Bình được chọn là nơi sinh sống và phát triển sản xuất lồng đèn giấy kính lớn nhất tại miền Nam, với hàng trăm hộ dân sinh sống bằng nghề này.
Lồng đèn Phú Bình còn có tên gọi là đèn Báo Đáp (tên ngôi làng), với ý nghĩa nhớ ơn và đền đáp công ơn tổ tiên đã gầy dựng nghiệp. Những loại lồng đèn giấy kiếng truyền thống đủ màu sắc, hình thù từ ông sao, thiên nga, tàu thủy, phượng hoàng, con gà, giếng nước, trái bí đao… Lúc bấy giờ, lồng đèn Phú Bình vang danh đến mức các nhà thờ trong khu vực thường xuyên đặt hàng vào những dịp lễ, mùa Giáng sinh. Sau mỗi đợt lễ, thu nhập của cả xóm cũng tăng thêm, mặc dù số lượng sản xuất thấp nhưng giá để làm khá cao.
Một lồng đèn truyền thống dù kích thước lớn hay nhỏ, thiết kế đơn giản hay cầu kỳ đều được chuẩn bị trong thời gian dài. Từ sau dịp Tết Nguyên đán, nhiều hộ gia đình phải xuống các tỉnh miền Tây Nam bộ đặt mua lồ ồ, tre để chẻ nan tạo khung, bởi loại cây này có độ dẻo và dễ tạo hình.
Trải qua 10 công đoạn như chẻ nan, tạo hình, kết kẽm, dán giấy, sơn phết, vẽ trang trí… sản phẩm mới thành hình. Việc chất lượng của lồng đèn được đánh giá bởi cách tạo hình, trang trí họa tiết và kỹ thuật cắt giấy, bôi hồ, dán… điều này đòi hỏi người thợ phải sáng tạo, khéo léo trong từng chi tiết. 
Từ ngoài đầu đường, men theo những con hẻm đi sâu dần vào ở xóm đạo Phú Bình, chúng tôi cảm nhận được mùi tre nứa, mùi sơn, mùi giấy kiếng phảng phất như muốn níu chân người ở lại, khiến cho chúng ta như trở về tuổi thơ... Ông Nguyễn Văn Tú (55 tuổi), người có thâm niên tại làng lồng đèn Phú Bình cho hay, những năm gần đây, cách Tết Trung thu chừng hơn tháng, thương lái và nhiều bạn trẻ đã đổ xô tìm đến đặt hàng chục chiếc lồng đèn. Thời thế thay đổi, lồng đèn điện tử dần chiếm lĩnh thị trường nhưng vẫn có một bộ phận khách hàng yêu nét văn hóa cổ truyền mà tìm đến con xóm này.
Rộn ràng mùa Trung thu ở Sài thành ảnh 1 Nhiều mẫu lồng đèn được trưng bày ở phố Lương Nhữ Học. 
Thấy khách hàng đến với xóm lồng đèn trong chiều mưa, chị Thanh Thủy, một chủ cơ sở làm lồng đèn trong xóm tâm sự: “Năm nay, giá mỗi chiếc lồng đèn nhỏ dao động từ 20.000 – 30.000 đồng, loại trung thì 80.000 – 110.000 đồng, loại vài trăm ngàn cũng có. Mình là đời thứ ba theo nghề làm và bán lồng đèn, tính ra gia đình đã theo nghề gần 70 năm. Mùa Trung thu năm nay, thị trường có vẻ khả quan khi giá nhích hơn năm ngoái một chút. Loại lồng đèn mà khách đặt nhiều nhất là lồng đèn ông sao, chiếc thuyền và con chó”.
Vài mươi năm nay, xóm lồng đèn Phú Bình luôn là nơi cung cấp lồng đèn lớn nhất cho TPHCM, các tỉnh miền Tây và miền Trung. Cứ đến tháng 7, xóm lồng đèn Phú Bình rực rỡ trong sắc đỏ của những chùm đèn treo lơ lửng.
Nhà nào cũng ngập tràn lồng đèn vừa làm xong, chờ xe đến chở đi khắp mọi nơi, đem lại niềm vui cho trẻ em cả nước trong đêm hội trăng rằm. Nhà nào có tiếng, được đặt hàng trước thì bắt tay làm từ tháng 3, tháng 4. Phần lớn các khâu lên khuôn, dán giấy bóng kính phải hoàn thiện trước tháng Bảy để còn kịp tung ra thị trường cả nước.
Đến nay, tại xóm lồng đèn thân thương này chỉ còn trên dưới 20 hộ gia đình giữ được nghề làm lồng đèn truyền thống, ấy vậy cộng đồng dân cư Phú Bình vẫn giữ cho mình một nét rất riêng của sự mộc mạc nhưng vẫn rất nghệ thuật, trữ tình giữa cuộc sống hiện đại và xô bồ.
Phố lồng đèn rộn ràng trước Trung thu
Trong nhiều năm qua, "Thiên đường lồng đèn" ở khu vực đường Trần Hưng Đạo – Lương Nhữ Học (quận 5, TPHCM) luôn là một trong những địa điểm dạo chơi được yêu thích nhất của giới trẻ TPHCM vào mùa Trung thu.
Phố lồng đèn Lương Nhữ Học, hay còn gọi là phố người Hoa, quanh năm con phố hiền hòa và lặng lẽ. Thế nhưng đến mỗi độ trăng tròn tháng Tám, phố Lương Nhữ Học lại được khoác lên mình tấm áo mới, lấp lánh và rạng ngời với từng dãy lồng đèn đủ kiểu, đủ chất liệu giăng ngang dọc. Người dân đến đây mua sắm lồng đèn, đầu lân, trống... 
Năm nay, nhiều người lớn chọn lồng đèn truyền thống thay vì lồng đèn pin vì muốn con trẻ biết về văn hóa truyền thống của ngày Tết Trung thu hơn. Khách nước ngoài cũng đến đây tham quan và lựa chọn lồng đèn về trang trí nhà cửa hay làm quà lưu niệm. Từ sau 17 giờ chiều, phố Lương Nhữ Học bắt đầu “lên đèn” với những dãy đèn lồng hàng loạt được thắp sáng. Lúc này, con phố cũng dần trở nên náo nhiệt và đông vui hơn với dòng người đổ về nườm nượp.
Các gia đình có con nhỏ cũng đưa các bé đến đây để lựa lồng đèn và mua đồ chơi đón Trung thu. Cầm trong tay những chiếc lồng đèn rực rỡ, tung tăng vui rước đèn với bạn bè là niềm háo hức của mỗi em nhỏ mỗi dịp Tết Trung thu. Những bạn học sinh sau giờ học cũng tranh thủ ghé qua tham quan phố lồng đèn. Trẻ em diện những bộ áo dài truyền thống hoặc cách tân chụp ảnh cùng lồng đèn.
Tuy chỉ hoạt động mạnh vào mùa Trung Thu, nhưng những cửa tiệm đa phần đều là nghề gia truyền của những người Hoa sinh sống lâu đời tại con phố này. Ông Thái Trung Long, chủ tiệm đèn lồng Song Long trên đường Lương Nhữ Học, thổ lộ: “Còn hơn tháng nữa mới đến Tết Trung thu, song lượng khách đến với phố đèn lồng năm nay tương đối khá, nhưng người mua chưa nhiều, chủ yếu là khách đến tham quan, chụp ảnh. Qua cả tuần mưa dầm về tối, nay thì thời tiết đã đỡ hơn, các hộ bán lồng đèn chúng tôi có thêm phần hy vọng”. Tuy vậy theo ông Long, dù chưa bán được nhiều lồng đèn nhưng các chủ tiệm chỉ cần nhìn dòng người nhộn nhịp tới tham quan phố đèn là lòng thấy thấy vui rồi. 
Phố lồng đèn quận 5 từ lâu trở thành một điểm tham quan du lịch độc đáo cho khách du lịch trong và ngoài nước đến TPHCM dịp Tết Trung thu. Hòa vào dòng người đến thưởng lãm là hình ảnh các anh, các bác dân phòng túc trực thường xuyên nhằm giải quyết nhanh chóng hiện tượng ách tắc giao thông và hạn chế những vấn đề an ninh trật tự phát sinh về đêm. Đây là một việc làm hết sức ý nghĩa để tạo cho du khách cảm giác yên tâm, thoải mái tận hưởng vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của Phố lồng đèn.  
Trong 2 năm trở lại, nhiều tiểu thương, cơ sở đã hạn chế nhập lồng đèn Trung Quốc để bán vì sức mua loại hàng này cũng không mạnh mẽ như ngày trước, nhiều lồng đèn từ mùa trước đến nay vẫn chưa bán được. Phần khác là công tác tuyên truyền “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” đã phần nào giúp những lồng đèn “made in Vietnam” đánh bật đối thủ ra khỏi thị trường.
Mùa Trung thu đang về, dẫu thị trường có trồi sụt, nhưng các tiểu thương ở phố Lương Nhữ Học đã thấy hân hoan, như lời chị Trương Thị Nguyệt nói: “Bây giờ bán lồng đèn không lời nhiều, cũng không đông khách bằng trước, nhưng lồng đèn truyền thống vẫn còn được ưa chuộng, là người bán hàng như chúng tôi thấy lòng rất rộn ràng”.

Các tin khác