Thanh Hải, miền đất cao nguyên nằm gần biên giới Tây Tạng, trùng trùng đồi núi là những chiếc vảy rồng, trong da thịt rồng phập phồng sóng hồ thiêng Thanh Hải, đuôi rồng quẫy thành dòng chảy của 3 dòng sông lớn nhất châu Á: Trường Giang, Hoàng Hà và Mê công.
1. Con rồng bạc thả tôi xuống tiếng hát của một đôi nam nữ người Tây Tạng, những người đang dâng rượu, chào mừng tôi đến Thanh Hải. Người Tây Tạng tin rằng số 3 là số may mắn, vì thế rượu được mời trong 3 chén nhỏ.
Trước khi uống, người được mời rượu cần nhúng ngón tay áp út vào rượu, rồi vẩy lên trời 3 lần, như là một cử chỉ dâng rượu lên Phật. Người Tây Tạng đặc biệt mến khách, mỗi người khách đến nhà sẽ được mời rượu 3 lần: trước cổng, trong nhà và khi khách ra về, mỗi lần mời 3 chén rượu nhỏ được trang trọng dâng lên.
Từ bao đời nay, hàng ngàn người Tây Tạng và Mông Cổ sống du mục trên cao nguyên Thanh Hải. Họ sinh ra, lớn lên, yêu, sống và chết trên những thảo nguyên bát ngát, tít tắp đến chân trời. Vào mùa hè, nơi trú ngụ của họ là những túp lều vải.
Vào mùa đông, khi nhiệt độ bên ngoài thấp hơn -250C, băng tuyết phủ dày khắp nơi, những người du mục trú ẩn trong những ngôi nhà bằng đá hoặc những túp lều làm bằng lông bò đen Tây Tạng có khả năng giữ ấm.
Vào mùa hè tại Thanh Hải, một nghi lễ nghiêm cẩn diễn ra, với điệu múa của các cô gái trong bộ quần áo truyền thống xinh đẹp. Một chiếc khăn lụa vàng óng ả được quàng lên cổ tôi, khiến tôi rưng nước mắt.
Yomdrom Tso, cô hướng dẫn viên xinh đẹp người Tây Tạng, nói với tôi: Đối với người Tây Tạng, khăn vàng được choàng lên cổ cho người khách mà họ yêu quý và tôn trọng nhất, những vị khách cùng vai vế sẽ nhận được khăn choàng xanh, hoặc khăn màu trắng. Chất lụa mềm cọ vào da tôi man mát, như một nụ hôn thầm của làn gió đồng nội Thanh Hải dịu dàng, thanh khiết.
2. Cuộc sống du mục vất vả đã khắc những vết kham khổ lên khuôn mặt của những người du mục đang chào đón khách mời, nhưng nụ cười của họ bừng sáng hơn cả những tia nắng mặt trời.
Những đứa trẻ con thư thả đùa vui cạnh những đàn cừu, ngựa và bò lông dài Tây Tạng đang thong thả gặm cỏ, chân của chúng thánh thót rơi bên những nụ hoa dại đủ sắc màu. Dường như ở nơi đây, thời gian như ngừng trôi và những bon chen của cuộc sống hiện đại ngoài kia trở thành vô nghĩa.
Thiếu nữ Tây Tạng xinh đẹp trong trang phục truyền thống. |
Những người du mục dâng 3 chén rượu mời tôi trước khi đón tôi vào những túp lều giản đơn nhưng sạch sẽ của họ. Những chiếc gối được thay cho ghế ngồi, trà sữa tươi được trao tận tay tôi trong những chiếc bát to. Nhấp một ngụm trà vào miệng, nghe thoang thoảng hương thơm nồng nàn của hoa cỏ cao nguyên.
Thức ăn của người Tây Tạng là thịt bò Tây Tạng hấp, sâm dại hầm, nấm thảo nguyên xào, salad rau thảo nguyên, dồi cừu, đậu xào ớt khô, bún gạo và rau, sữa chua làm từ sữa bò Tây Tạng.
Những cô gái đến cạnh bàn ăn, khéo léo nhào trộn bột lúa mạch, bơ và đường để tạo thành những viên bánh có vị ngọt và bùi làm tê đầu lưỡi. Đặc biệt, mỗi chiếc bánh mỳ Tây Tạng giống như một tác phẩm nghệ thuật: điểm trang bằng bột gia vị đủ màu sắc, mỗi chiếc bánh trông như một bông hoa khổng lồ.
Thức ăn của người du mục Tây Tạng đơn giản, ít sử dụng gia vị hay dầu mỡ nhưng thật trong lành như đất trời, hoa cỏ của xứ sở này. Vị ngọt, bùi, cay, mặn của từng món ăn thấm vào đầu lưỡi tôi, sóng sánh nâng tôi lên, để tôi hiểu rằng chính đất trời đang tiếp cho tôi nguồn năng lượng sống.
3. Tạm biệt những người dân du mục, xe đưa tôi băng băng trên những con đường ngoằn ngoèo xuyên qua cao nguyên Thanh Hải.
Mùa hạ đang mơn mởn khoác tấm áo nhung lên vạn vật. Những đồng cỏ xanh mướt trải dài, đan xen với những thảm hoa vàng trải tít đến chân trời Ôm ấp cao nguyên là những núi cao chót vót, quấn quít mây bay. Trời đã vào trưa, bầu trời trong vắt, điểm xuyến là những tảng mây hờ hững.
Mưa ào xuống, rồi mặt trời lại vén tấm áo mỏng tang của ngày, ban ơn những tia nắng rực rỡ. Vút qua những chiếc lều của người du mục phấp phới vẫy tay gọi trong làn gió nhẹ, qua trùng trùng đồi núi, qua những thiền viện lắt lẻo lưng chừng núi, qua những dòng suối trong vắt uốn lượn, qua dòng thác bạc đổ ào ạt cạnh đường, chân trời chợt mở ra một mặt nước thênh thang, trong xanh văn vắt, bao la sóng vỗ.
Với diện tích 4.500km2 ở độ cao 3.200m trên mặt nước biển, hồ Thanh Hải là hồ nước mặn lớn nhất Trung Quốc và lớn thứ nhì trên thế giới. Ngồi bên hồ nước lấp lánh ánh bạc, sóng sánh tiếng cá quẫy, Yomdrom Tso nói với tôi rằng, đây có lẽ là một trong những hồ nước đặc biệt nhất trên thế giới, vì cả biển hồ Thanh Hải được xem là chốn linh thiêng, không ai được phép đặt chân vào nước, hoặc tắm rửa, bơi lội.
Mỗi năm, vào ngày 15-7 theo lịch của người Tây Tạng, hàng chục ngàn người đến đây tạ ơn trời Phật. Tại lễ hội linh thiêng này, các nhà sư sẽ làm lễ tạ ơn, các chàng trai, cô gái trong những bộ quần áo truyền thống đủ màu sắc, sẽ cùng tạo nên các vật lễ từ bơ, hoa tươi và lụa để thả xuống hồ.
4. Cách sống thong thả, tích đức cho kiếp sau được thể hiện rõ nét khi tôi bước chân vào Thiền viện Ta’er, một trong những nơi linh thiêng nhất của Thanh Hải.
Được xây dựng vào năm 1577, bao trùm diện tích 144.000m2, với 9.300 phòng và 52 đại sảnh, Thiền viện Ta'er còn có tên gongben, có nghĩa là “10.000 tượng Phật”.
Ngoài sân, giữa thoang thoảng khói hương, những Phật tử đi ngược chiều kim đồng hồ, xoay hàng trăm vòng cầu nguyện để gửi những lời khấn nguyện lên trời. Theo những người bạn Tây Tạng, người theo đạo Phật Tây Tạng thường cầu xin cho sự bình an, may mắn đến cho cộng đồng, cho những người khác, trước khi cầu xin may mắn cho riêng mình.
Với cách khấn nguyện này, con người sẽ học được cách sống rộng lượng hơn và thấy các vấn đề của mình trở thành nhỏ bé.
Đối với người Tây Tạng, thiền viện không chỉ là chốn linh thiêng, mà còn là nơi gìn giữ và bảo tồn các truyền thống văn hóa. Trẻ em được gửi đến thiền viện đều đặn để tham dự các lớp học bằng tiếng Tây Tạng, theo các đề tài như: y học dân tộc, tôn giáo, triết lý và nghệ thuật.
Quan sát các nhà sư gập mình dạy trẻ nhỏ sáng tạo nên một bức tranh vẽ trên lụa (Thangka), tôi mới thấy vẻ đẹp tinh tế đằng sau các tác phẩm độc đáo này, và quý trọng hơn những nỗ lực của người Tây Tạng trong việc bảo tồn truyền thống văn hóa của mình.