Sắc màu cuộc sống

(ĐTTCO) - “Một sớm chớm xuân tinh mơ, tôi cầm máy thơ thẩn leo lên một ngọn đồi thấp nằm đâu đó trên bản Hàu Thào, Sa Pa, Tây Bắc. Lên lưng chừng, tôi quay lại nhìn xuống chân đồi. Dưới đó là đoạn đường khúc cua tay áo, ôm tròn lấy rẻo đất có dăm nếp nhà sắc ngói đã thẩm thời gian.

(ĐTTCO) - “Một sớm chớm xuân tinh mơ, tôi cầm máy thơ thẩn leo lên một ngọn đồi thấp nằm đâu đó trên bản Hàu Thào, Sa Pa, Tây Bắc. Lên lưng chừng, tôi quay lại nhìn xuống chân đồi. Dưới đó là đoạn đường khúc cua tay áo, ôm tròn lấy rẻo đất có dăm nếp nhà sắc ngói đã thẩm thời gian.

Đằng sau là dãy núi xám nối nhau nhấp nhô chạy dài tít tắp trong không gian xam xảm nhợt nhạt của thời khắc đêm tàn. Tôi biết trước mặt mình là phong cảnh thích hợp cho một cú bấm. Nhưng khoảnh khắc để bấm máy là khi nào? Phong cảnh ấy có bố cục hoàn hảo, nhưng quá im lìm, gây nên một cảm giác bất biến. Cần phải chờ, chờ đợi nguồn sáng đầu tiên của buổi triều dương để xuyên thủng, khuấy động và làm tan chảy bảng màu nâu xám đang bệch bạc bám chặt lấy không gian trước mắt”. Đó là lời cảm xúc của Lê Quang Thái về cuộc hành trình lên miền núi phía Bắc mà tôi có dịp trò chuyện cùng ông.

Lê Quang Thái, 61 tuổi, cầm máy ảnh sáng tác từ năm 1984. Trong vòng một năm từ 2012 đến 2013, ông đoạt được 37 huy chương quốc tế, trong đó có 11 huy chương vàng và ảnh được triển lãm ở nhiều quốc gia.

Trước khi cầm máy ảnh, Lê Quang Thái là họa sĩ. Ông thấu hiểu thế giới của hội họa với ngôn ngữ đặc thù của riêng nó. Chính vì vậy Quang Thái cần rất nhiều chuyến khởi hành khám phá ra thế giới mới để nhận chân đường nét, ánh sáng và màu sắc của mình. Những chuyến đi dằng dặc, nối nhau đằng đẵng có khi đến chục năm trời. Khi hội họa không cung cấp đủ thời gian để ông khai phá cuộc sống, ông cậy nhờ vào nhiếp ảnh. Bút vẽ song hành cùng máy ảnh, Lê Quang Thái lãng du đến mọi miền đất nước. Ảnh của ông đa thể loại, sinh động, giàu tính thẩm mỹ, vừa đủ thỏa mãn nhu cầu thông tin thị giác vừa chuyển tải tốt tính nghệ thuật ắt có của một tác phẩm.

Ảnh phong cảnh của Lê Quang Thái sâu lắng và thanh thoát, thấm đẫm tinh thần của chủ nghĩa ấn tượng. Đó là những bức ảnh tuyệt mỹ với các đường nét luôn biến thiên trong một bố cục cân đối uyển chuyển, ở đó, hình thể và khối thể hiển lộ nhờ vào sự đặt sáng và hòa sắc cao tay của thiên nhiên tạo ra những khoảng sáng tối đậm nhạt đem lại cho người xem một ảo giác về chiều sâu không gian. Cái cuốn hút mạnh mẽ của bức ảnh chính là ấn tượng mong manh, bất chợt hay đúng ra là cái cảm xúc nảy sinh trong khoảnh khắc cảnh tượng ánh sáng ảo diệu ùa tới tác động vào thị giác. “Trong nắng ban mai” là một tác phẩm mang lại cho người xem cảm giác như thế.

Lê Quang Thái tiếp: “Và khoảnh khắc ấy đã đến. Khi tia sáng đầu ngày vừa xuất hiện, cảnh tượng trước mắt đột nhiên chuyển động. Khối nâu xám đặc của đêm lạnh ôm chặt dãy núi trước đó nay hiện hình thành một biển mù sương níu theo những sợi nắng ban mai cuộn dâng lên, thoắt cái thành biển mây với những dải sáng biến đổi liên tục từ đỏ đến tím, cuồn cuộn dậy sôi, lưu chuyển khắp bầu trời, rồi nhanh chóng chia tách thành những ngọn thác mây, ào ạt lan tỏa, ban đầu có màu xà cừ và hổ phách, càng xuống gần thung lũng càng trắng ngần như sữa và chảy tràn xuống cung đường. Những đường ven của các khối nhà lúc đầu rõ nét nhờ nguồn sáng của mặt trời buổi sớm, phút chốc nhạt nhòa mờ ảo trong một thực thể hòa trộn của sương đêm phía dưới bốc lên và mây ngày trên cao áp xuống. Bỗng dưng trên đường xuất hiện dáng người tung tăng, tạo ra độ động bất ngờ, khuấy đảo cả khối không gian im ắng. Tôi bấm máy, trong một tinh thần căng thẳng và hứng khởi dâng trào”.

Tác phẩm Trong nắng ban mai.

Tác phẩm Trong nắng ban mai.

Ảnh sinh hoạt là mảng thể loại mang lại khá nhiều thành quả đáng kể cho Lê Quang Thái. Với ông, hiện thực đời sống bao giờ cũng sống động và phong phú, luôn bày ra trước mắt những khoảnh khắc gọi mời cảm hứng sáng tạo. Người nghệ sĩ thực thụ phải luôn biết nắm bắt khoảnh khắc ấy và lặn sâu được vào bản thể sự kiện, biến cảm xúc thăng hoa thành động lực sáng tạo. Tác phẩm đen trắng “Trong ánh bình minh” của ông là một thí dụ điển hình.

Thái kể: “Khi tôi lang thang ra bãi biển Vũng Tàu, ánh sáng đầu ngày hưng hửng tím chỉ vừa mấp mé chân biển. Một chiếc thuyền lưới rê vừa cập bờ. Một nhóm ngư dân bước nhanh xuống nước, tháo dây, giãn người và bắt đầu kéo thuyền lên bãi. Bãi cát dài rộng và vắng, chạy lượn ra khơi tạo thành một vòng cung tuyệt mỹ. Trong giây khắc, mặt trời đã nhô hẳn lên mặt biển, rãi đều những luồng ánh sáng xiên đỏ và cam, soi rọi những dáng người nghiêng triền căng trải như nốt móc kép dàn ngang trên khuông nhạc ba chiều huyền ảo.

Tác phẩm Bếp lửa Tây nguyên.

Tác phẩm Bếp lửa Tây nguyên.

Tiếng hô, tiếng thở mạnh mẽ và đều nhịp, trộn lẫn trong tiếng gió, tiếng sóng sục lên vỗ đập mạn thuyền không theo điệu thức cụ thể nào. Trước mắt tôi là một hoạt cảnh khoáng đạt về không gian và hoành tráng về cấu trúc. Bản năng thôi thúc, tôi bắt đầu đóng khung bối cảnh. Tôi thật sự ngỡ ngàng khi khám phá ra rằng thiên nhiên và con người đang phối hợp với nhau một cách hoàn hảo để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật vô cùng sống động và đầy huyên náo bởi sự hòa trộn tuyệt diệu ngôn ngữ tả thực với ngôn ngữ ẩn dụ. Tôi choáng ngợp trong khi bấm máy. Trong ánh bình minh chỉ là một lát cắt, một khoảnh khắc của một hiện thực lớn lao, sôi động và sung mãn hơn rất nhiều, đã được tôi chuyển thể thành ảnh trắng đen”.

Tác phẩm Trong ánh bình minh.

Tác phẩm Trong ánh bình minh.

Trong hành trình nghệ thuật của mình, Lê Quang Thái quan niệm rằng, thể loại chân dung tạo ra một môi trường nghệ thuật linh hoạt và đa dạng, giúp cho nhà nhiếp ảnh cơ hội khám phá tối đa cảm xúc của nhân vật, khách thể và cũng là điều kiện để thể hiện bản thể của mình. Rõ ràng, ảnh chân dung rất cần đến con mắt biết nhìn, bàn tay xử lý tinh tế và một tâm hồn đa cảm. Tác phẩm “Mỏi mòn” đã thể hiện điều này.

Ảnh tĩnh vật của ông, thường là những sắp đặt các tổ hợp đồ vật với gam màu nóng lạnh đan xen, luôn được ông xem là những thể nghiệm nội tâm, bằng cách trầm sâu vào bên trong bản thể vật chất, nhằm khám phá cho được cội nguồn của nghệ thuật, nhận biết được động lực tinh thần thực sự cho những sáng tạo thẩm mỹ qua vẻ tĩnh tại bên ngoài. Cái động ẩn chứa trong các tĩnh vật ấy tạo ấn tượng rất mạnh cho người xem. Tác phẩm “Bếp lửa Tây Nguyên” được Lê Quang Thái chụp vào một buổi chiều lạnh buốt ở Kom Tum, khi tấp vào một quán nhỏ nào đó trên đường thiên lý. Quán lạnh hơn cả ngoài đường khiến ông có nhu cầu tìm một không gian ấm hơn nữa. Và ông vào bếp…

Rồi cũng đến lúc Lê Quang Thái nghĩ rằng cần phải kiểm đếm lại những gì đã thu thập được trong hành trình nhiếp ảnh của mình. Gần cuối năm 2015, ông mang đến cho người yêu thích nhiếp ảnh tuyển tập sách ảnh mang tên Sắc màu cuộc sống. Đấy là một tập hợp hình ảnh hạn hữu, dù được lựa chọn kỹ lưỡng, thì vẫn chỉ cho người xem thấy được dăm giọt mồ hôi trong vạn dòng mồ hôi ông đã đổ ra trong quá trình lao động nghệ thuật dài lâu và bền bĩ của mình.

Các tin khác