Sản phẩm chất lượng vì khách hàng

“Thị trường sẽ tăng trưởng ổn định, phát triển lành mạnh. Tuy vậy, cũng không loại trừ khả năng thị trường sẽ nóng lên trong ngắn hạn và đây là vấn đề nguy hiểm cho cả chủ đầu tư cũng như khách hàng. Nó giống như quả bóng ở trạng thái vừa bị xì hơi lại được làm căng nên dễ bị tổn thương” - ông Nguyễn Đình Trung (ảnh), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hung Thinh Corp, chia sẻ với ĐTTC về dự cảm thị trường bất động sản (BĐS) 2015.

“Thị trường sẽ tăng trưởng ổn định, phát triển lành mạnh. Tuy vậy, cũng không loại trừ khả năng thị trường sẽ nóng lên trong ngắn hạn và đây là vấn đề nguy hiểm cho cả chủ đầu tư cũng như khách hàng. Nó giống như quả bóng ở trạng thái vừa bị xì hơi lại được làm căng nên dễ bị tổn thương” - ông Nguyễn Đình Trung (ảnh), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hung Thinh Corp, chia sẻ với ĐTTC về dự cảm thị trường bất động sản (BĐS) 2015.

PHÓNG VIÊN: - Thị trường BĐS phục hồi thời gian qua theo ghi nhận chủ yếu tập trung vào một số chủ đầu tư có tiềm lực tài chính, đặc biệt những chủ đầu tư mua lại các dự án chết. Vậy theo ông, điều này có trở thành xu hướng trong thời gian tới?

Ông NGUYỄN ĐÌNH TRUNG: - Theo tôi không hẳn là 2 yếu tố trên. Thời gian qua, khi thị trường BĐS đang trong giai đoạn khó khăn, la liệt dự án đủ mọi phân khúc nằm bất động, một số chủ đầu tư với hình thức mua lại dự án chết hoặc hợp tác đầu tư, nhưng chưa hẳn ai cũng thành công vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Đã làm dự án BĐS đòi hỏi phải có tiềm lực tài chính và việc mua lại dự án chết chỉ là cơ hội. Nhu cầu về nhà ở tại TPHCM vẫn còn rất cao, để thành công những chủ đầu tư này phải có chiến lược rõ ràng về sản phẩm, có hệ thống quản lý chuyên nghiệp, có tầm nhìn xa phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế nói chung.

- Giống như thị trường chứng khoán, thị trường BĐS một khi đã lao dốc khó quay trở lại thời hoàng kim. Với tư cách là một chủ đầu tư đã thành công trong những năm qua, ông có ý kiến,  đề xuất gì?

Thị trường BĐS đang ngày càng phát triển theo đúng cơ chế thị trường. Chính thị trường đã thanh lọc và quyết định sự tồn tại của các chủ đầu tư. Đã qua rồi cái thời ai cũng có thể làm BĐS. Chính phủ cũng xếp lĩnh vực BĐS vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, không nằm trong lĩnh vực hoạt động đa ngành nghề thuộc tập đoàn trực thuộc các bộ, ngành như trước. Bởi kinh doanh BĐS có đặc thù riêng, khác xa với hàng hóa khác.

- Cá nhân tôi không mong muốn có thời hoàng kim như vậy, bởi người thành công cũng nhiều, nhưng người thất bại cũng lắm.

Giai đoạn hiện nay, BĐS là một kênh khá tốt, nhưng với tôi, nhà đầu tư cần nhìn thấy tiềm năng rõ ràng của sản phẩm mình định sở hữu, không nên chỉ nhìn vào cái tên hay bản thân dự án mà phải nhìn ra phạm vi rộng hơn, như dự án có hạ tầng hay đường giao thông gì… để thấy tiềm năng thực sự của nó - như người xưa có câu: “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” - tức dự án có nằm gần khu đô thị hay không, có gần sông, biển hay đường sá, sân bay?

Để tránh đầu tư theo phong trào, với các chủ đầu tư, trước khi đầu tư dự án cần cân nhắc về tiềm năng thực sự của dự án để có thể đưa ra thị trường những sản phẩm ưu việt. Với Nhà nước, tôi mong sẽ có những quyết sách sát sườn thị trường hơn nữa nhằm nắm bắt cũng như kiểm soát tốt, tránh tình trạng bong bóng như thời gian qua.

- Ông có thể chia sẻ một vài thông tin về chiến lược đầu tư BĐS của Hung Thinh Corp trong thời gian tới?

- Chúng tôi đang kinh doanh theo cách tôi đã nói ở trên. Chiến lược dài hiện nay là chuỗi căn hộ 8X phục vụ cho thế hệ 8X. Và 10 năm nữa rất có thể sẽ là dòng 9X phục vụ cho thế hệ 9X. Đối với Hưng Thịnh, trước khi phát triển một dự án, chúng tôi nghiên cứu rất kỹ về vị trí cũng như tiềm năng. Bởi đơn giản cái gì mình thật sự thấy tốt mới đầu tư để chia sẻ với khách hàng.

Chúng tôi cũng sẽ đầu tư vào dòng căn hộ cao cấp có vị trí đẹp, nhưng cũng sẽ cân nhắc kỹ về giá cả, vật tư… để làm sao tương ứng với đồng tiền mà khách hàng bỏ ra để sở hữu các sản phẩm của Hưng Thịnh.

Phối cảnh dự án Sky Center của Hung Thinh Corp.

Phối cảnh dự án Sky  Center của Hung Thinh Corp.

- Thời gian qua, nhiều đạo luật và văn bản quy phạm pháp luật đã kịp ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp BĐS. Bên cạnh những điểm tích cực, theo ông còn có những bất cập gì chưa phù hợp với thực tiễn?

- Tôi vẫn còn băn khoăn về Luật Kinh doanh BĐS vừa được thông qua, nhất là quy định “bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai”.

Tôi thấy việc quy định bảo lãnh này khó khả thi bởi một số lý do. Theo tôi biết, bản chất của bảo lãnh tức là việc bên bảo lãnh cam kết với bên nhận bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh, nếu đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Trong BĐS, để được ngân hàng bảo lãnh, chủ đầu tư phải có tài sản đảm bảo chứ không thể qua tín chấp hay hình thức khác. Nếu vậy làm sao chủ đầu tư có thể bán sản phẩm, vay vốn, huy động vốn khi mà quyền sử dụng đất, tài sản hình thành trong tương lai thuộc dự án đang đảm bảo nghĩa vụ để được ngân hàng bảo lãnh.

Theo tôi, nếu không giải quyết được sự mâu thuẫn giữa bảo lãnh và quy định về việc huy động vốn sẽ gây ra rào cản cho hoạt động kinh doanh của chủ đầu tư.

Vừa qua tôi có dịp trao đổi với đại diện Bộ Xây dựng, vị này cho hay mức bảo lãnh chỉ xác định trên 2% tổng giá trị dự án. Tôi băn khoăn không biết tỷ lệ này là phạm vi, giá trị để được ngân hàng bảo lãnh hay là mức phí bảo lãnh doanh nghiệp phải thanh toán cho ngân hàng.

Bởi nếu là giá trị để được ngân hàng bảo lãnh, khi chủ đầu tư vi phạm cam kết với khách hàng, ngân hàng lấy giá trị tài sản bảo đảm đâu để thực thi cho khách hàng, chắc chắn sẽ không có việc ngân hàng tự bỏ, điều này không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Không biết ở đây có sự nhầm lẫn giữa bảo lãnh và bảo hiểm không? Còn nếu là mức phí để được bảo lãnh thì quá cao, gây nhiều khó khăn cho chủ đầu tư. Khi đó doanh nghiệp sẽ cộng thêm khoản phí này vào giá thành sản phẩm, giá bán sẽ tăng thêm.

Vậy người sau cùng chịu thiệt chính là khách hàng. Một chính sách nhằm bảo vệ khách hàng nay lại vô tình gây bất lợi cho khách hàng. Tôi hy vọng sắp tới Chính phủ, các bộ, ngành sẽ ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn để nội dung này được cụ thể, rõ ràng và đảm bảo được tính khả thi đi vào thực tế hơn.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác