Sau chuyến đi công tác dài ngày, Nhân định bứt khỏi công việc, tự thưởng cho mình vài ngày thảnh thơi, thư giãn thì tối đó Nhàn, vợ Nhân, dáng vẻ ủ ê, lại gần thủ thỉ:
- Anh xem sắp xếp công việc, về quê thăm chú Tư vài ngày.
- Mới đi xa về, lại đi nữa à! Mà chú Tư làm sao mà phải đi thăm? Nhân hỏi.
Nhàn nước mắt lưng tròng, kể: Con Thảo nhắn lên nói chú trở bệnh nặng, mới tái phát cơn nhồi máu, không biết có hồi phục được không. Chú có mệnh hệ gì thì... Nhân ngắt lời, cáu:
- Thì chú mới đi đặt sten thông mạch rồi mà. Bác sĩ bảo tình trạng tốt...
- Họ nói với anh vậy thôi. Anh đi công tác, chú Tư trở bệnh phải nhập viện lại. Họ lại lấy ra, đặt sten mới nhưng coi bộ không ổn. Anh đi xa nên ở nhà giấu, không báo. Nhàn trần tình. Lúc này Nhân mới hình dung vấn đề nghiêm trọng, đâm ra ủ ê, lo lắng như vợ.
Ông bà nội Nhân có 3 con, con lớn là ba Nhân lên thành phố học rồi ra trường, lấy vợ sinh con không chịu về quê. Cô Ba lấy chồng xa quê, lâu lâu mới ghé về thăm nội rồi lại vội vã về nhà chồng lo việc nhà. Chỉ còn chú Tư ở quê làm ruộng giữ từ đường, chăm sóc mồ mả tổ tiên. Ba má Nhân lập gia đình thời chiến tranh loạn lạc, sau đó là thời bao cấp, thiếu thốn đủ thứ, vừa giữ chân nhân viên vừa chạy vạy lo cái ăn cho cả gia đình. Lúc đó đồng lương ít ỏi, ở thành phố không đủ gạo ăn, ba má Nhân phải bán bớt tiêu chuẩn hàng công nghệ phẩm phân phối để mua thêm gạo, cá cải thiện bữa ăn cho đàn con thơ háu đói. Ba Nhân nghiện thuốc lá nặng nhưng không dám hút thuốc bao phân phối, dè sẻn bán bớt dùng thuốc bó 100 điếu, thuốc rê, bù vào chi phí gia đình. Họa hoằn lắm, khi anh em Nhân bị trái gió trở trời, mẹ Nhân mới mua cho chai xá xị, nước cam... bồi dưỡng cho mau khỏe.
Ngày xưa đi lại cách trở, dù từ chợ Gạo lên Sài Gòn không bao xa. Vì vậy, mỗi lần chú Tư lên thăm, anh em Nhân lòng vui như mở hội. Chú Tư thương con cháu, chăm chút mấy đứa nhỏ ở thành phố cơ cực nên mỗi lần ở quê lên chú đều gùi theo gạo mắm, gà qué, trái cây... Anh em Nhân no nê mấy ngày. Ba má Nhân bạc mặt làm việc, làm thêm nên không có thời gian nhiều chăm lo con cái. Những dịp nghỉ học, quanh quẩn ở thành phố cuồng chân, phát chán nên mùa hè Nhân thường theo chú về quê, vừa được chơi bời vùng sông nước, vừa được ăn uống thoải mái. Vườn nhà mùa nào thức nấy, anh em Nhân tha hồ bẻ hái, chơi bời nghịch ngợm quên cả thời gian tựu trường phải về thành phố. Ngày hè qua đi rất nhanh với cảnh làng quê trù phú vẫn cứ in hằn trong tiềm thức Nhân.
Lên đại học, Nhân vẫn thường rủ bạn về quê chơi vào các dịp nghỉ lễ dài ngày. Lũ sinh viên tuổi ăn tuổi học, lúc nào cũng thấy đói. Xuống xe đò ào vào nhà, Nhân dẫn bạn ra vườn vơ vét trứng gà, trứng vịt luộc lên là có bữa chén, sau đó trèo cây hái dừa, vú sữa, sơ ri, chặn đìa tát cá... Lúc đó ngăn sông cấm chợ, hàng hóa ở quê rẻ như bèo, nên sau vài ngày mặc sức ăn chơi, lũ sinh viên còn chặt cả quày chuối, các loại đặc sản vườn mang theo, mỗi đứa một món, về để ở ký túc xá ăn dần.
Nhàn cũng trong số sinh viên đó, học cùng trường, lớp dưới cách Nhân 3 khóa. Trường lúc đó chủ trương lớp trên kết nghĩa lớp dưới sinh hoạt chung, dìu dắt các em. Nhân dìu dắt Nhàn học tập rồi dìu dắt nàng vào đời lúc nào không hay, khi ra trường hai người lấy nhau. Vì vậy Nhàn cũng rõ miền quê, tính khí và gia đình chú Tư như Nhân. Chú Tư cũng coi Nhân - Nhàn như con ruột.
Lập gia đình, ra riêng, lúc còn son trẻ Nhân - Nhàn vẫn thường về thăm chú Tư, nhớ lại thời sinh viên hào sảng và chỗ tâm tình nơi góc vườn xưa. Đó không chỉ là nơi kết giao bè bạn, tình thân mà đối với họ là tối linh từ, nơi chứng kiến tình yêu bén gốc, đâm chồi nảy lộc. Thế rồi cuộc sống cuốn đi, ai cũng mải lo công việc, rồi sinh con đẻ cái. Những dịp về quê cứ thưa dần. Chỉ còn chú Tư với những chuyến lên thành phố thăm con cháu. Cũng vẫn như xưa, chú mang theo lỉnh khỉnh những đặc sản vườn tươi ngon, mùa nào thức ấy. Chỉ khác xưa là đám con nít bu quanh chú Tư, mang rổ rá xếp quà không còn là anh em Nhân mà là lũ con Nhân - Nhàn.
Đất nước đi lên, cuộc sống đỡ vất vả, không còn thiếu ăn, thiếu mặc mà đã tiến lên ăn ngon mặc đẹp. Tuy vậy, các món quà quê chú Tư mang lên vẫn cuốn hút cả nhà. Vịt xiêm, gà sống mang ra làm ngay, bóp gỏi với bắp chuối, rau vườn vừa hái, có mùi vị đặc trưng thơm ngon, mềm mại vô cùng. Nhàn thích các loại rau, mỗi thứ một ít, mùi vị thơm hơn ở thành phố, cho rằng rau sạch, thực phẩm sạch, để dành ăn dần. Riêng Nhân vẫn thích ăn vú sữa vườn nhà. Đó là cây vú sữa cổ thụ, ra trái nhỏ màu tím chứ không phải trái to bóng như bán ở chợ. Trái vú sữa ít cơm, thịt hơi cứng nhưng mùi vị thanh tao, ngọt ngào vô cùng. Hồi nhỏ nhiều lần Nhân leo lên cây ngồi vắt vẻo, hái trái bóp ăn đến phát no.
Nhịp sống cứ như vậy, đến một lần chú Tư hẹn lên thành phố nhưng cuối cùng có việc không đi được, cô Ba phải đi thay, mang lên lỉnh khỉnh quà cáp. Vừa vào nhà, cô Ba đã quở:
- Thành phố bây giờ thiếu giống gì. Ở quê cái gì ngon nhất là người ta bán cho vựa mang lên thành phố. Chú Tư mày cứ lo, kinh rinh đồ đạc lên xuống xe phát mệt!
- Thì chú gửi đồ quê mà, hàng vườn nhà vẫn ngon hơn hàng chợ chứ cô. Nhân nói cho qua chuyện nhưng cô Ba vẫn không buông:
- Đâu mà đồ vườn nhà. Chú Tư mày đi mua đó. Rồi cô hạ giọng: - Ổng thương tụi bay, muốn có quà quê cho con cháu mừng chứ toàn đi mua, vườn nhà đã sang nhượng lâu rồi con đâu.
Lúc này vợ chồng Nhân mới khựng ra, nhớ lại các loại rau quả đưa lên sau này đẹp hơn, bó búi cẩn thận. Thì ra là đồ chợ chứ không còn là đặc sản vườn nhà. Vậy mà vợ chồng Nhân còn khen chú Tư tiến bộ, cũng bắt nhịp kinh tế thị trường, quà cáp bắt mắt hơn.
... Hôm sau cả hai vợ chồng Nhân gác công việc, về thăm chú Tư. Nhìn chú nằm bẹp dí trên bộ phản gõ cũ mà Nhân chạnh lòng, rơi nước mắt, trong đầu vẫn cứ hiện lên hình ảnh xưa: Một nông dân to khỏe với bộ đồ bà ba sậm màu, tóc búi tó. Đối với Nhân, chú không chỉ là hậu phương, chỗ dựa tình cảm của người thành thị thoát ra từ nông thôn, mà còn là nguồn cội, là quê hương trù mật cưu mang, tự hào cùng bạn bè với câu nói cửa miệng: quê tao ở..., chứ ít ai nói tao sinh ở Từ Dũ...
Về quê lần này, Nhân - Nhàn mới có dịp nhìn kỹ lại cảnh quê. Bao nhiêu năm, hơn nửa đời người, Nhân chứng kiến bao nhiêu thay đổi, đi dọc ngang khắp nước, các nước... mà về đây vẫn thấy căn nhà chú Tư như vậy. Căn nhà gỗ 3 gian cột kèo to đùng, lợp ngói với sân trước vườn sau. Có khác hơn là mảnh sân, lối vào nhà được tráng xi măng còn vật dụng trong nhà gần như nguyên xi như cũ. Gia cảnh nội để lại không đến nỗi nào. Nhiều thửa ruộng cặp lộ gần chợ huyện và sâu trong đồng; có mảnh vườn riêng trồng đủ loại cây trái cách nhà vài trăm mét. Chú Tư giống nội cứ bám riết ở vườn dù đường sá đi lại khó khăn chứ không chịu ra xây nhà ở chợ, mặc tình nhiều người khuyên giải. Chợ huyện được quy hoạch xây dựng to hơn cùng khu dân cư thị tứ nên các miếng đất của chú Tư được bồi hoàn. Người con trai lớn của chú lập gia đình, xin tiền ra xây nhà ở chợ. Thảo, con gái kế lập gia đình theo chồng, vợ chồng chú cũng cho tiền để nó mua nhà ra riêng. Rồi vật dụng sinh hoạt, xe cộ cho mấy đứa con. Số tiền bồi thường đất như không cánh mà bay... Đứa con trai út mang tiếng ở chung nhưng đang công tác trên huyện thì tuần về, tuần không. Căn nhà chỉ còn hai vợ chồng già, càng thêm trống vắng.
Minh họa: A. DŨNG |
Hoàn cảnh nhiều khi cũng đẩy đưa con người đến cảnh bạc tình. Mải lo việc làm, con cái, sau này Nhân - Nhàn thoảng hoặc mới về quê. Đó là các dịp cúng giỗ, tết nhất. Đường đi gần non buổi là tới nên sau khi cúng kiếng, ăn uống no nê thì ai nấy dắt con cháu về, mấy khi nghỉ lại quê. Mảnh vườn cách nhà vài trăm mét, khung trời kỷ niệm thuở nào, Nhân - Nhàn cũng chưa từng ra, nên cứ ngỡ nó vẫn vậy. Lần này về ở lại, chăm chú Tư trở bệnh nặng, Nhân - Nhàn mới có dịp ra vườn và hãi hùng thấy nó biến mất không một vết tích. Trước mắt họ chỉ là một cánh đồng bao la đang mùa khô, cỏ cây héo úa. Tối đó, Nhân hỏi thím Tư, vẻ trách móc:
- Bán đất cũng phải giữ lại mảnh vườn chứ thím. Ở quê mà rau quả phải ra chợ mua hết á.
- Chú Tư cũng đã giữ lại nhưng giữ lại sao được con. Cả cánh đồng người ta sang nhượng cho chủ khác trồng khoai xuất khẩu chỉ còn thoi loi lại mảnh đất của mình, chuột bọ rắn rết tha hồ đến làm tổ, cắn nát mọi thứ. Không trồng thứ gì được. Chú Tư cũng bó tay, chịu thua. Sang nhượng đất xong, họ phá bỏ hết cày ra làm cánh đồng lớn...
- Đã vậy thì chú còn mua đồ đạc mang lên thành phố làm gì cho khổ?
- Con giỏi thì nói với ổng đi! Ổng nói người quê chẳng lẽ lên thành phố thăm con cháu tay không? Thím Tư dịu giọng, thút thít: Ổng thương tụi bay. Mỗi lần định lên thành phố ổng chuẩn bị 2-3 ngày đi mua, gom các thứ tụi con thích, sắm sửa y như lúc xưa còn vườn cây trái nhà. Thím can không nổi mà chú còn cấm cả nhà mách với tụi bây!
Buổi tối điện đóm vùng sâu nhập nhoạng, tạo cảm giác u tối, trống vắng nặng nề. Ngoài lộ thảng hoặc vẳng tiếng chó sủa theo bước chân vội vàng người có việc đi khuya. Tiếng ếch nhái, côn trùng nhặt khoan không làm làng quê bớt vẻ cô tịch. Nhân nhìn mông lung khắp nhà, vẫn không gian ấy, những đồ vật ấy nhưng nay toát lên vẻ lạ lẫm. Bàn thờ ông bà gian giữa với bộ lư đồng, đôi hạc sắt, bát sứ cắm nhang Nhân không biết đã có từ thuở nào, từ nhỏ Nhân đã thấy như vậy. Và cả bộ trường kỷ gỗ mít, chiếc phản gõ, cặp liễn cẩn xà cừ... Nay thiếu bàn tay chăm chút của chú Tư ngả màu đen xỉn qua năm tháng. Khi xưa vào những dịp giỗ quải, đón năm mới, chú Tư đích thân chùi rửa, đánh bóng từng món làm gian từ đường rực sáng, mang vẻ thiêng liêng huyền bí nơi bái vọng ông bà tiên tổ.
Thời gian bào mòn tất cả. Chú Tư không còn giữ được sức vóc của riêng mình làm sao cửa nhà không xuống cấp. Nhân tự nhủ và cảm thấy nhói lòng khi nhìn chiếc radio cassette, chiếc máy thu hình hai râu vẫn được chăm chút sạch sẽ, để trên nóc tủ trà phủ miếng vải che bụi cẩn thận. Đây là những món Nhân - Nhàn đưa về quê cho chú Tư dùng khi gia đình “lên đời”, mua sắm hàng mới. Sau khi bán đất, chú Tư lo nhà cửa, sắm sửa cho con cái còn riêng mình vẫn giữ nếp sinh hoạt cũ, không đua như thiên hạ. Chiếc xe đạp vẫn dựng tựa cột nhà, mỗi khi có tiệc tùng, ma chay trong làng chú vẫn dùng hoặc đi bộ. Con cái thỉnh thoảng tạt về mới đèo xe máy, đưa chú ra huyện hoặc đâu đó xa hơn.
- Sao thím không bảo thằng út chuyển công tác gần nhà, vừa có người chăm lo chú thím, ăn ở ổn định hơn ở tập thể trên kia... Nhân mở lời.
- Khổ lắm con ơi, đã bảo mãi mà nó có chịu nghe. Nó nói ở chợ vui hơn, nhiều bạn bè, có mạng miếc gì đó. Còn ở đây nó nói như bị cột chưn, không chịu về. Nó nói thím còn tiền cho nó mua nhà, cưới vợ ở trển mà thím không dám nói với chú mày... Nói đến đây thím bỏ lửng, quay mặt sang chỗ khác.
Sống lâu mới biết đêm dài. Nhân sống chưa lâu nhưng quả tình đêm đó như dài vô tận. Nằm trên chiếc giường nhỏ giăng màn kín mít nghe tiếng ếch nhái râm ran, Nhân cứ nghĩ lan man không ngủ được. Bấy lâu nay anh dùng hàng chợ chú Tư mang lên mà cứ vẫn nghĩ là đặc sản miệt vườn. Cũng là sản vật miệt vườn nhưng không còn là cây trái vườn nhà... Thế thời thay đổi, cuộc sống thay đổi, guồng quay cứ chuyển động nhưng nơi đây như vẫn đứng yên. Những người nông dân cặm cụi mưu sinh, chăm lo con cháu cả đời như chú Tư sinh ra chỉ để làm nghĩa vụ. Xong nghĩa vụ cũng là lúc hết sức bình sinh.